Ninh Bình: Cần quan tâm đào tạo nhân lực cho phát triển công nghiệp hỗ trợ

Việc tập trung vào đào tạo lao động có kỹ năng chuyên môn cao, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ hiện đại giúp tỉnh Ninh Bình gia tăng lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.

Phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo, chất lượng cao

Nhu cầu về nguồn lao động chất lượng cao, có tay nghề tại Ninh Bình đang trở thành vấn đề cấp thiết trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, với 5 khu công nghiệp và 14 cụm công nghiệp, tỉnh Ninh Bình đã thu hút được hàng trăm doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, tỉnh Ninh Bình đang đứng trước yêu cầu lớn về việc cung cấp một lực lượng lao động có tay nghề cao, đặc biệt là lao động kỹ thuật phục vụ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ như: Dệt may, cơ khí, sản xuất phụ kiện phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất ô-tô; sản xuất linh kiện điện tử và phát triển các ngành nghề truyền thống của tỉnh.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực được thể hiện qua chỉ số về đào tạo lao động trong Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Ninh Bình luôn đạt vị trí cao.

Về chính sách, Ninh Bình ban hành Kế hoạch số 77 ngày 22/7/2020 cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc tháo gỡ điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất công nghiệp của địa phương.

Ninh Bình tiếp tục quan tâm đào tạo nhân lực cho phát triển công nghiệp hỗ trợ

Ninh Bình tiếp tục quan tâm đào tạo nhân lực cho phát triển công nghiệp hỗ trợ

Kết quả sau 10 năm, toàn tỉnh ước tính đã đào tạo nghề cho khoảng 200.000 người, góp phần hình thành đội ngũ lao động lành nghề, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị số 37-CT/TW, ông Mai Văn Tuất - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình, đã yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các huyện, thành phố cần tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp đối với công tác giáo dục nghề nghiệp nói chung, công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao nói riêng.

Củng cố và phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Ninh Bình tự hào là địa phương có nhiều cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao với mạng lưới đào tạo ngày càng được củng cố và phát triển, góp phần quan trọng vào việc cung cấp nguồn lao động cho các ngành kinh tế mũi nhọn. Tính đến ngày 30/5/2024, trên địa bàn tỉnh có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó bao gồm 19 cơ sở công lập và 8 cơ sở tư thục.

Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng đã tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, tạo cơ hội cho các cơ sở đào tạo tiếp cận với những chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới. Những hoạt động này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn đóng góp vào việc hình thành một lực lượng lao động có kỹ năng nghề nghiệp, có tay nghề cao.

Dự kiến đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh sẽ đạt 72%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 36%. Con số này không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn là nền tảng quan trọng cho sự nghiệp phát triển bền vững của cả nước.

Cần quan tâm đào tạo nhân lực cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ

Quyết định số 218/QĐ-TTg Ngày 4/03/2024 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nêu rõ phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.

Theo định hướng quy hoạch, toàn tỉnh Ninh Bình có 24 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.254 ha. Các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm các lĩnh vực: cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất lắp ráp ô tô; công nghiệp điện tử; may mặc, công nghiệp vật liệu mới…

Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình

Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình

Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh Ninh Bình đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ, phản ánh sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp trong khu vực này.

Qua khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh cho thấy hiện nay các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong công tác tuyển dụng nhân viên được đào tạo nghề có kỹ năng chuyên môn, am hiểu về sản xuất công nghệ hiện đại và khả năng ứng dụng linh hoạt trong môi trường làm việc công nghiệp.

Với sự xuất hiện của nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh dẫn đến nhu cầu gia tăng tuyển dụng lao động có tay nghề, có kỹ thuật có tay nghề cao ngày càng cấp thiết và cần được quan tâm đúng mức.

Các cơ sở giáo dục đào tạo nghề trên địa bản tỉnh Ninh Bình cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đào tạo chất lượng cao đối với các linh vực trọng điểm của tỉnh. Phối kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp.

Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần chủ động đặt hàng các cơ sở đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh nhằm giúp Ninh Bình duy trì lợi thế cạnh tranh, phát triển các khu cụm công nghiệp và thu hút các doanh nghiệp lớn, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn diện và bền vững.

Mục tiêu của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới là đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng được những yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất sử dụng công nghệ cao, hiện đại. Trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ có thế mạnh của địa phương.

Minh Huế

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/ninh-binh--can-quan-tam-dao-tao-nhan-luc-cho-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-127817.htm