Ninh Bình: Chăm lo cho người có công với nhiều chính sách thiết thực
Ngoài việc quản lý và thực hiện tốt các chế độ ưu đãi đối với người có công theo quy định, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình còn chăm lo cho người có công bằng các chính sách cụ thể như: Chăm sóc sức khỏe; ưu tiên giao đất sản xuất; hỗ trợ cải thiện về nhà, đất.
Thụ hưởng đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách ưu đãi
Trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Ninh Bình có hơn 235.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các mặt trận, hơn 16.900 người con Ninh Bình đã anh dũng hy sinh và được công nhận là liệt sĩ, 1.275 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, 14 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hơn 13.000 thương binh; 8.000 bệnh binh; 8.900 người bị nhiễm chất độc hóa học và có con đẻ bị ảnh hưởng.
Ông Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình cho biết, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đến hết năm 2024 có 100% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
“Thân nhân liệt sĩ và người có công được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời mọi chế độ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước; hoàn thành việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công; tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc người có công trên địa bàn toàn tỉnh…”, ông Phương nhấn mạnh.
Ngoài thực hiện các chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước, tỉnh Ninh Bình còn chăm lo cho người có công bằng các chính sách cụ thể như: Chăm sóc sức khỏe; ưu tiên giao đất sản xuất; hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở; các chương trình dạy nghề, tạo việc làm...; Thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; đón thương binh nặng về an dưỡng tại gia đình; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm...
Đặc biệt, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" tỉnh Ninh Bình được thành lập năm 2017. Đến năm 2023, đã tiếp nhận được hơn 74 tỷ đồng ủng hộ. Từ nguồn quỹ này, đã hỗ trợ hơn 55 tỷ đồng để xây dựng mới, sửa chữa 935 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ sản xuất, khám chữa bệnh, học sinh nghèo vượt khó, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, hỗ trợ các tỉnh kết nghĩa với Ninh Bình khi gặp khó khăn, thiên tai, dịch bệnh.
Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho trên 2.000 hộ người có công với tổng kinh phí trên 62 tỷ đồng (trong đó trích từ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" của tỉnh là trên 15 tỷ đồng) theo tinh thần Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Ngoài ra, từ nguồn xã hội hóa, Ninh Bình đã xây dựng mới và sửa chữa gần 300 nhà tình nghĩa, kinh phí trên 10 tỷ đồng.
Từ ngày 1/7 đến 16/8/2024, Ban quản lý Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" tỉnh Ninh Bình năm 2024 đã tiếp nhận sự ủng hộ của 113 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm với tổng số tiền hơn 12,2 tỷ đồng. Việc vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2024 nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội.
Xử lý hồ sơ tồn đọng nhanh chóng và hiệu quả
Theo lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, cùng với việc đổi mới tuyên truyền, tăng cường đối thoại, Sở đã phối hợp với các địa phương, ngành liên quan phổ biến kịp thời những quy định về thực hiện chính sách đối với người có công. Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát, phát hiện, tổ chức xác nhận đảm bảo không để tồn đọng hồ sơ. Sở cũng kịp thời báo cáo, xử lý cơ bản các trường hợp tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công, đặc biệt đối với liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học theo quy định, hướng dẫn của Nhà nước… Đặc biệt, hiện nay, khi đã áp dụng những tiến bộ mới trong công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ, việc xử lý, giải quyết những hồ sơ tồn đọng được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Đặc biệt, việc xác nhận và đảm bảo đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công được coi là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" với những người đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho độc lập, tư do của Tổ quốc. Việc giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công trên địa bàn tỉnh được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng qui định. Ngành LĐTBXH tỉnh đã tổ chức chi trả các khoản trợ cấp, phụ cấp thường xuyên hàng tháng cho trên 22.000 lượt đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi, trên 12.500 người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ (1 lần/năm), trên 85.000 người hưởng ưu đãi bảo hiểm y tế (BHYT); trên 52.500 lượt đối tượng hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo. Hằng năm tổ chức chi trả gần 530 tỷ đồng trợ cấp ưu đãi cho các đối tượng chính sách NCC đảm bảo an toàn, đúng đối tượng thụ hưởng; thực hiện chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe tại nhà và điều dưỡng tập trung luân phiên 2 năm/lần cho trên 32.000 lượt NCC đảm bảo chu đáo, an toàn; cấp thẻ BHYT cho 100% NCC và thân nhân.
Ngoài việc quản lý và thực hiện tốt các chế độ ưu đãi đối với người có công theo quy định của Nhà nước, nhiều chính sách khác cũng được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo hướng dẫn chuyên đề về công tác người có công hoặc lồng ghép với các chương trình, kế hoạch kinh tế- xã hội của tỉnh. Nổi bật là Nghị quyết số 23/2020/NQ-HĐND ngày 27/5/2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, mức hỗ trợ từ 1,6 triệu-2,1 triệu đồng/người/tháng. Đây là một chính sách đậm tính nhân văn, riêng có của tỉnh Ninh Bình dành cho người có công.
Đến nay, chính sách này vẫn đang được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, góp phần quan trọng vào việc cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công. Năm 2023, tỉnh có 347 hộ nghèo với 521 khẩu (chiếm 3,96%) có thành viên là NCC với cách mạng được hỗ trợ tổng số tiền trên 7,84 tỷ đồng theo Nghị quyết số 23/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Đến nay 100% hộ nghèo có thành viên là NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh đã thoát nghèo. 100% hộ gia đình NCC đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trên cùng địa bàn cư trú. 100% các xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.
Ông Phương thông tin thêm: "Mục tiêu của Ninh Bình trong thời gian tới là đưa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” lên một tầm cao mới; triển khai tốt các chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, liệt sỹ, người có công đảm bảo đúng, đủ và kịp thời".
"Sở sẽ phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Ưu tiên đào tạo và tạo việc làm đối với con thương binh, bệnh binh, con liệt sỹ và người có công…"
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở Ninh Bình trong thời gian qua đã có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần ổn định cuộc sống cho các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công.
Bên cạnh sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, công tác đền ơn, đáp nghĩa cần tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự sẻ chia và đóng góp của các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm để phong trào ngày càng đạt hiệu quả thiết thực, nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách
Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tới tất cả mọi tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện chăm lo tốt hơn đời sống các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.
Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu đề án số hóa hồ sơ người có công; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi trả chính sách ưu đãi người có công tại địa phương, đơn vị.