Ninh Bình: Chuẩn bị các phương án tốt nhất ứng phó với bão số 2
Trong đêm nay, cơn bão số 2 (tên quốc tế Sinlaku) sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An, các hoạt động phòng chống thiên tai đang tích cực được triển khai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình cho biết, vào hồi 10 giờ ngày 02/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 106,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.
Hướng đi của bão Sinlaku (Ảnh: nchmf.gov.vn)
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Đến 22 giờ ngày 02/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Trong 12-24 giờ tiếp theo, áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần. Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình nhận định: Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, từ hôm nay đến ngày 03/8 khu vực tỉnh Ninh Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 80 – 150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt.
Công điện khẩn của Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Ninh Bình gửi các đơn vị vào cuộc phòng chống bão số 2.
Nhận định được mức độ nguy hiểm của bão số 2, để chủ động ứng phó với mưa, bão. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố; các sở, ban, ngành nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của trung ương, tập trung triển khai các biện pháp như: Nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi đến khi bão tan; kêu gọi triệt để tàu, thuyền, các phương tiện đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn; Kiểm tra đảm bảo an toàn cho các tuyến đò ngang, đò dọc; huy động lực lượng, phương tiện tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, biển hiệu, đảm bảo an toàn cho công trình đang xây dựng, kho tàng, bến bãi, hàng hóa, trường học, bệnh viện, trạm y tế...
Các địa phương chỉ đạo thôn, xóm giúp các hộ gia đình chính sách, neo đơn phòng tránh bão đảm bảo an toàn; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý các trọng điểm xung yếu và có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công.
Đồng thời, yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản như: Triển khai phương án di dân khu vực đê Bình Minh III đến Cồn Nổi huyện Kim Sơn.
Các huyện, thành phố rà soát, tổ chức di dân ra khỏi vùng thấp trũng và vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn. Tăng cường theo dõi diễn biến lũ trên các triền sông và tổ chức lực lượng tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập, các trọng điểm xung yếu theo phương án đã được phê duyệt; Phối hợp với các đơn vị thủy lợi tỉnh khẩn trương triển khai ngay phương án chống úng, tiêu kiệt nước đệm đảm bảo an toàn cho lúa mùa.
Tích cực tuyên truyền, cập nhật tình hình mưa bão, phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh cho người dân, các cơ quan, đơn vị biết chủ động phòng tránh...