Ninh Bình đảm bảo an toàn tuyến đê Bình Minh 4 đang thi công

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, mới đây Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã ban hành công điện số 05 về ứng phó với bão Conson.

Vị trí và đường đi của cơn bão. Ảnh: KTTV

Theo đó, tỉnh Ninh Bình yêu cầu UBND huyện Kim Sơn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

UBND huyện Kim Sơn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống; đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân trên các khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển; trên tuyến đê biển Bình Minh 4 đang thi công; không để người ở lại công trường, chòi canh, lồng bè khi bão đổ bộ.

Mặt khác, tỉnh Ninh Bình yêu cầu UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, khu vực hầm lò, khai thác khoáng sản; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Các địa phương triển khai các phương án bảo đảm an toàn hồ chứa và hạ du, các công trình công cộng, khu công nghiệp, kho tàng, bảo vệ sản xuất, thu hoạch diện tích hoa màu để giảm thiểu thiệt hại; kiểm tra, rà soát và chủ động phương án tiêu thoát nước đô thị, các khu công nghiệp để hạn chế tình trạng ngập lụt do ảnh hưởng của mưa bão; chủ động triển khai các phương án ứng phó với lũ trên các sông, đặc biệt là lũ trên sông Hoàng Long.

Các ngành chức năng tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân trong khu vực chịu ảnh hưởng; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả của bão, mưa lũ sau bão.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình thi công dở dang, các hồ chứa nước thủy lợi; khẩn trương triển khai ngay phương án chống úng, tiêu kiệt nước đệm đảm bảo an toàn cho lúa mùa; rà soát phương án hộ đê toàn tuyến, đặc biệt lưu ý phương án đảm bảo an toàn cho đê Bình Minh 3.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công cống Chất Thành, cống Hồi Thuần; chủ động nhân lực, máy móc phối hợp với huyện Kim Sơn khơi thông các cửa cống trên để phục vụ tiêu úng khi có yêu cầu.

Đức Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/ninh-binh-dam-bao-an-toan-tuyen-de-binh-minh-4-dang-thi-cong-20210908094848960.htm