Ninh Bình: Giảm thương tích, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em

Để bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ, tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc 'Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em'; chú trọng phòng, ngừa tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước cho trẻ.

Số lượng trẻ nhập viện điều trị tại Bệnh viện Sản-Nhi Ninh Bình do tai nạn giao thông tăng cao.

Số lượng trẻ nhập viện điều trị tại Bệnh viện Sản-Nhi Ninh Bình do tai nạn giao thông tăng cao.

Thời gian qua, mặc dù công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, đặc biệt là phòng, chống tai nạn thương tích đã được các cấp, các ngành, các địa phương tỉnh Ninh Bình quan tâm triển khai, song tình hình tai nạn thương tích ở trẻ em trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Tai nạn thương tích ở trẻ có xu hướng gia tăng

Ghi nhận tại Bệnh viện Sản-Nhi Ninh Bình, từ tháng 5 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hàng trăm trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích; trong đó, có hơn 250 trẻ phải nhập viện điều trị nội trú, tăng từ 30-40% so với các tháng trước.

Bệnh nhi L.N.T.H, 15 tuổi, phường Yên Sơn, tỉnh Ninh Bình nhập viện cấp cứu trong tình trạng bị chấn thương khớp gối và đa vết thương phần mềm do tai nạn giao thông. Đây là một trong những ca nặng phải điều trị dài ngày tại bệnh viện, sau khi được các bác sĩ tích cực điều trị, sức khỏe và vết thương của em đã ổn định.

Em Hoàng cho biết, dịp hè này em đi làm hỗ trợ bố mẹ tại chợ đầu mối tỉnh, do đường tối có nhiều mạt em đã bị ngã xe máy; trong quá trình nằm viện em đã được các y, bác sĩ tích cực điều trị để phẫu thuật xử lý vết thương và phục hồi sức khỏe.

Hay như trường hợp của cháu N.N.C.T, 4 tuổi, phường Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình nhập viện cấp cứu trong tình trạng vết thương bị khuyết đa gót chân phải và nhiễm trùng. Theo người nhà cháu Tiên, cháu bị kẹt chân khi được mẹ chở bằng xe đạp. Sau sự việc, các gia đình càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn khi cho con tham gia giao thông.

 Thời điểm nghỉ hè, số ca tai nạn thương tích ở trẻ em tại tỉnh Ninh Bình có xu hướng gia tăng.

Thời điểm nghỉ hè, số ca tai nạn thương tích ở trẻ em tại tỉnh Ninh Bình có xu hướng gia tăng.

Bác sĩ Đinh Văn Duy, Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Sản-Nhi Ninh Bình cho biết, hằng năm cứ vào dịp hè, số trẻ gặp tai nạn thương tích lại gia tăng. Năm nay, các bệnh nhân bị tai nạn thương tích nhập viện nhiều, chủ yếu là các trường hợp bị tai nạn giao thông như bị chấn thương sọ não, gãy tay, chân và bị bỏng. Nguyên nhân chủ yếu do đặc điểm tâm lý thích khám phá, sự bất cẩn hoặc trẻ thiếu sự giám sát của người lớn.

Bác sĩ Duy khuyến cáo, để giảm thiểu các vụ tai nạn thương tích, người lớn cần dành thời gian chăm sóc, quản lý trẻ, bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ; đồng thời, trang bị kiến thức sơ cứu đúng cách, nhưng không tự xử lý những chấn thương nghiêm trọng. Khi trẻ có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tại tỉnh Ninh Bình, số lượng trẻ bị tai nạn thương tích có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trong dịp nghỉ hè. Các tai nạn phổ biến gồm: Đuối nước, tai nạn giao thông, bỏng, hóc dị vật. Trẻ từ 2-5 tuổi thường bị bỏng, hóc dị vật, ngã, kẹp tay chân vào cửa, cầu thang; trẻ từ 6-15 tuổi hay gặp các tai nạn liên quan đến giao thông, đuối nước, điện giật, ngã gãy tay chân…

Nâng cao trách nhiệm của cộng đồng

Tai nạn thương tích ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Hiện tỉnh Ninh Bình có hơn 996.000 trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 26% dân số, trong đó có gần 352.000 trẻ em dưới 6 tuổi chiếm 9% dân số.

Theo số liệu thống kê, hằng năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.000 trẻ em bị tai nạn thương tích, phổ biến nhất là ngã, tai nạn giao thông và đuối nước, chủ yếu trong độ tuổi từ 5 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Riêng từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh có gần 1.300 trẻ em bị tai nạn thương tích; trong đó, có hơn 20 trẻ em bị tử vong, chủ yếu do đuối nước và tai nạn giao thông.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ, nhưng nguyên nhân chủ yếu là từ sự nhận thức non nớt và tính hiếu động của trẻ em; sự thiếu ý thức, giám sát của người lớn. Đặc biệt, Ninh Bình là tỉnh thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng có khoảng 90km bờ biển, nên thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai bão lũ hằng năm; có rất nhiều sông, ngòi, ao hồ có diện tích mặt nước lớn nên môi trường sống tự nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích.

Để ngăn ngừa những tình huống rủi ro, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Ninh Bình quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em; nhất là tiến hành rà soát, cảnh báo kịp thời tại các bãi tắm, bể bơi, sông hồ, các công trình xây dựng, địa điểm công cộng.

Bà Nguyễn Thu Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số và Trẻ em tỉnh cho biết, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là được đẩy mạnh trong Tháng hành động vì trẻ em hằng năm và Ngày Thế giới phòng, chống đuối nước 25/7.

Đơn vị cũng tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn cho các nhóm đối tượng về quyền trẻ em, kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống xâm hại và phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu, kỹ năng đánh giá rủi ro và ứng phó khi xảy ra tai nạn tại các địa bàn. Tuy nhiên, để giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ em một cách bền vững, cần sự phối hợp đồng bộ từ gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương và toàn xã hội.

 Nhiều hoạt động phòng, chống đuối nước cho trẻ được tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh.

Nhiều hoạt động phòng, chống đuối nước cho trẻ được tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh.

Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục tăng cường các hoạt động phối hợp liên ngành trong chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ và huy động sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức đoàn thể, người dân. Đồng thời, lồng ghép nội dung truyền thông vào các hoạt động sinh hoạt hè, diễn đàn, sân chơi, khám chữa bệnh,… nhất là tại các tuyến cơ sở về các kỹ năng, kiến thức phòng tránh tai nạn thương tích và xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm ở trẻ; tích cực triển khai các biện pháp xây dựng môi trường an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em như ngôi nhà an toàn, cộng đồng an toàn, trường học an toàn.

Đặc biệt, tỉnh triển khai các giải pháp, hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em tại địa phương trong dịp học sinh nghỉ hè, mùa mưa, bão, lũ; chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc gây tử vong trẻ em do tai nạn thương tích, đuối nước.

Bên cạnh đó, để công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em thực sự đạt hiệu quả cao, đúng với ý nghĩa ươm những “mầm xanh tương lai” của đất nước, cần sự góp sức, chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội.

Vũ Văn Lúa

VĂN LÚA - YẾN TRINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ninh-binh-giam-thuong-tich-tao-moi-truong-song-an-toan-cho-tre-em-post896439.html