Ninh Bình giữ gìn nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Mường

Tỉnh Ninh Bình xác định mục tiêu Dự án 6 nhằm giữ gìn, phổ biến, trao truyền và bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc Mường, trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng.

Trong hơn 2 năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai Dự án 6 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với những nội dung và giải pháp cụ thể, thiết thực.

Theo số liệu của tỉnh Ninh Bình, tổng nhu cầu vốn thực hiện Dự án 6, giai đoạn 2021-2025 là 55,460 tỷ đồng. Trong đó: ngân sách tỉnh, nguồn vốn đầu tư phát triển 20 tỷ đồng và ngân sách tỉnh, nguồn vốn sự nghiệp là 35,460 tỷ đồng.

 Hát Sắc bùa, lối chúc Tết độc đáo của người Mường ở huyện miền núi Nho Quan, Ninh Bình. Ảnh: Diệu Anh

Hát Sắc bùa, lối chúc Tết độc đáo của người Mường ở huyện miền núi Nho Quan, Ninh Bình. Ảnh: Diệu Anh

UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, tỉnh Ninh Bình xác định mục tiêu Dự án 6 nhằm giữ gìn, phổ biến, trao truyền và bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc Mường trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.

Kế hoạch của tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn I (2022-2025), phấn đấu 50% số thôn, bản có câu lạc bộ, tổ, đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, chất lượng; các khu, điểm du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số duy trì hoạt động ít nhất 1 câu lạc bộ/đội văn nghệ phục vụ phát triển du lịch; 70% các công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, người có uy tín được tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các bào dân tộc thiểu số; có 2 nghệ nhân là người bào dân tộc thiểu số được quan tâm, hỗ trợ xây dựng hồ sơ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú...

Đối tượng của Dự án là 7 xã và 4 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nho Quan.

Trong đó, những nội dung, giải pháp thực hiện liên quan đến bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường tại địa phương bao gồm: Hỗ trợ khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường tại 7 xã trên địa bàn huyện.

Các hoạt động bảo tồn lễ hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Nho Quan tổ chức luân phiên tại 5 xã vùng dân tộc, gồm: Quảng Lạc, Kỳ Phú, Cúc Phương, Thạch Bình, Phú Long; tổ chức 16 lớp tập huấn, bồi dưỡng, trong đó 7 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể Mường cho đồng bào không hưởng lương của 7 xã.

Đồng thời mở 7 lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch cho đồng bào tại các điểm đến du lịch của 7 xã; 2 lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống người Mường. Đối tượng được bồi dưỡng là công chức văn hóa xã, nghệ nhân, trưởng thôn/bản, người uy tín của 7 xã vùng dân tộc thiểu số.

 Cồng chiêng là nhạc cụ duy nhất không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào Mường. Ảnh: BDT

Cồng chiêng là nhạc cụ duy nhất không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào Mường. Ảnh: BDT

Kinh phí từ chương trình cũng hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn, phát triển văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường có nguy cơ mai một, gồm: bảo tồn các hình thức sinh hoạt văn hóa, tập quán xã hội, nhạc cụ, nhà sàn, trang phục, các môn thể thao truyền thống… Xây dựng 2 mô hình văn hóa truyền thống dân tộc Mường tại 2 xã Kỳ Phú và Cúc Phương; sản xuất 1 phim tư liệu về văn hóa truyền thống của dân tộc Mường; hỗ trợ đầu tư xây dựng 2 làng, bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Sấm 1, xã Cúc Phương và bản Ao Lươn, xã Kỳ Phú…

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ninh-binh-giu-gin-net-van-hoa-truyen-thong-doc-dao-cua-dan-toc-muong-post277074.html