Ninh Bình khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3

Để ứng phó với bão số 3, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống bão nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Kim Sơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền, vận động các ngư dân, hộ nuôi trồng, thủy hải sản vào nơi tránh, trú bão an toàn. Ảnh: Quốc Việt

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Kim Sơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền, vận động các ngư dân, hộ nuôi trồng, thủy hải sản vào nơi tránh, trú bão an toàn. Ảnh: Quốc Việt

Theo nhận định của cơ quan dự báo, bão số 3 (bão Yagi) là một trong những cơn bão mạnh nhất năm 2024 hoạt động trên Biển Đông. Bão có khả năng sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Bắc Bộ ở cường độ rất mạnh, đặc biệt tại các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và khu vực xung quanh.

Đối với tỉnh Ninh Bình, theo dự báo đêm 6/9, vùng biển huyện Kim Sơn có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 11-12, biển động rất mạnh. Toàn bộ tàu thuyền, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản, đê kè biển và các hoạt động khác tại vùng biển huyện Kim Sơn đều có nguy cơ rất cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Trên đất liền, từ gần sáng ngày 7/9, các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình, Yên Khánh, Yên Mô có gió mạnh dần lên cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 10-11. Huyện Kim Sơn có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 11-12. Gió mạnh có thể gây tốc mái, hư hại nhà cửa, làm gãy đổ cây cối, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Đồng chí Lâm Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh cho biết: Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 20/CĐUBND ngày 3/9/2024 về việc tập trung ứng phó với bão số 3; Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã ban hành Văn bản số 49/VPTT-PCTT ngày 3/9/2024 về việc ứng phó với bão Yagi trên biển Đông, yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với phương châm "4 tại chỗ" theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

Đồng thời, thường xuyên, liên tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền, lao động đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn. Chủ động thực hiện phương án di dân, di chuyển cơ sở vật chất, tài sản khu vực ven biển. Không để người dân ở lại trên các chòi canh; sơ tán nhân dân khỏi các khu vực xung yếu, trũng thấp, không đảm bảo an toàn.

Trước tình hình trên, các huyện, thành phố trong tỉnh đang cấp bách triển khai nhiều phương án phòng, chống bão nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân khi ứng phó với bão số 3.

Tại huyện Kim Sơn, đồng chí Trần Xuân Trường, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện cho biết: Ngay sau khi có Công điện của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan chủ động triển khai các công việc cụ thể, như thông báo tàu thuyền neo đậu về nơi tránh trú an toàn, di dân về nơi tránh trú khi có lệnh, chuẩn bị nghiêm phương án "4 tại chỗ" để đảm bảo an toàn cho người và tài sản của Nhân dân.

Theo đó, Huyện đã phối hợp với các cơ quan liên quan thông báo đến tất cả 267 thuyền viên về diễn biến và hướng di chuyển của cơn bão. Đến nay, theo ghi nhận, tất cả các thuyền viên đã neo đậu vào nơi tránh trú an toàn. Cùng với đó đã thông báo cho toàn bộ 218 lều chòi/374 lao động từ đê Bình Minh III đến Cồn Mờ; 1.141 hộ/2.311 nhân khẩu đang nuôi trồng thủy sản từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh và sẵn sàng di dời về nơi tránh trú an toàn khi có lệnh. Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công xây dựng các công trình khu vực ven biển về tình hình diễn biễn của bão để có phương án phòng, tránh.

Hiện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Tiểu khu, các xã, thị trấn đang tiếp tục rà soát, kiểm tra các trọng điểm xung yếu trên hệ thống đê sông, đê biển, các công trình đang thi công để có phương án xử lý, đảm bảo an toàn. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Đồng thời tổ chức lực lượng tăng cường tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, các trọng điểm xung yếu theo phương án đã được phê duyệt, triển khai Đội xung kích PCTT cấp xã để tiến hành tuần tra, canh gác, hộ đê; chằng, chống nhà cửa, trường học, trạm xá, nhà dân, cắt tỉa cây cối... bảo vệ tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Đặc biệt quan tâm, giúp đỡ các hộ gia đình chính sách, neo đơn trong việc phòng tránh bão, bảo đảm an toàn.

Là huyện trọng điểm, thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão, đặc biệt là tình trạng lũ, lụt khi mưa lớn kéo dài, đến thời điểm này, huyện Nho Quan đã chủ động triển khai các giải pháp để ứng phó với cơn bão số 3. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình thi công dở dang, rà roát quy trình vận hành đảm bảo chủ động khi có sự cố xảy ra.

Đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông qua các ngầm, tràn, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn. Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Đồng thời, chỉ đạo Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát, vận hành các hồ chứa nước theo quy trình vận hành được phê duyệt; thực hiện điều chỉnh mực nước hồ để chủ động đón lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và cho vùng hạ du. Thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố. Đặc biệt, Điện lực Nho Quan đảm bảo an toàn lưới điện, cung cấp đủ điện phục vụ tiêu úng, sản xuất và sinh hoạt…

Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-khan-truong-trien-khai-cac-bien-phap-ung-pho-voi/d20240905211420480.htm