Ninh Bình: Khó khăn trong tiến độ giải ngân ở các dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, một số dự án có sử dụng vốn vay, viện trợ nước ngoài trên địa bàn tỉnh đang gặp phải khó khăn, vướng mắc về tiến độ giải ngân.

Ninh Bình gặp khó khăn trong tiến độ giải ngân ở các dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài (ảnh minh họa).

Ninh Bình gặp khó khăn trong tiến độ giải ngân ở các dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài (ảnh minh họa).

Năm 2022, toàn tỉnh Ninh Bình được giao kế hoạch vốn dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay của các nhà tài trợ nước ngoài là 397,042 tỷ đồng (trong đó vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương là 305,242 tỷ đồng; vốn ODA vay lại 91,8 tỷ đồng).

Dự án sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại là 13,485 tỷ đồng (trong đó vốn viện trợ không hoàn lại phi Chính phủ là 1,416 tỷ đồng; vốn nước ngoài viện trợ không hoàn lại nguồn hành chính sự nghiệp được cấp phát từ ngân sách Trung ương là 1,24 tỷ đồng; vốn viện trợ không hoàn lại nguồn đầu tư cấp phát từ ngân sách Trung ương là 10,829 tỷ đồng).

Đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay của các nhà tài trợ nước ngoài trong 6 tháng đầu năm, các dự án giải ngân 108,285 tỷ đồng; đạt 27% so với kế hoạch. Ước thực hiện đến hết năm 2022, giải ngân 379,333 tỷ đồng, đạt 96% so với kế hoạch.

Đối với dự án sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại trong 6 tháng đầu năm đã giải ngân 4,497 tỷ đồng; đạt 33% so với kế hoạch. Ước thực hiện đến hết năm 2022 sẽ giải ngân 13,485 tỷ đồng đạt 100% kế hoạch.

Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, một số dự án đang gặp phải khó khăn, vướng mắc về tiến độ giải ngân chậm. Cụ thể: Tại Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung bộ - Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm, Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, đến 30/6/2022 dự án chưa giải ngân.

Việc giải ngân chậm là do theo thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ, để giải ngân được nguồn vốn vay của dự án thì phải lựa chọn được nhà thầu tư vấn hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực chung cho cả 4 tỉnh. Tuy nhiên, tiến độ lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu này chậm (năm 2021 dự án không giải ngân được khoản vay 158,108 tỷ đồng). Đồng thời, việc nhà tài trợ kéo dài thời gian cho ý kiến không phản bác đối với kết quả sơ tuyển gói thầu xây dựng và thiết bị đã ảnh hưởng đến tiến độ lựa chọn nhà thầu xây lắp và tiến độ giải ngân vốn năm 2022 của dự án.

Tại Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thực hiện tại tỉnh Ninh Bình: Khó khăn trong giải ngân của dự án là nghiệm thu khối lượng theo sản phẩm đầu ra, không thanh toán theo công đoạn đối với các gói thầu dịch vụ kỹ thuật; yêu cầu cơ sở dữ liệu xây dựng phải hoàn thành các bước công việc, quy trình, đáp ứng đầy đủ các tài liệu, dữ liệu đầu vào và phải đưa ngay sản phẩm của dự án vào vận hành khai thác sử dụng thì mới được thanh toán (chỉ nghiệm thu 1 lần sau khi các nhà thầu thực hiện thành sản phẩm theo hợp đồng) nên dự kiến quý IV năm 2022, dự án mới có khối lượng để nghiệm thu, thanh toán.

Anh Tú

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ninh-binh-kho-khan-trong-tien-do-giai-ngan-o-cac-du-an-su-dung-nguon-von-nuoc-ngoai-337536.html