Ninh Bình mở rộng quy mô đô thị, xứng tầm động lực trung tâm

Tỉnh Ninh Bình đang triển khai việc sáp nhập TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư thành đơn vị hành chính mới với tên gọi dự kiến là TP Hoa Lư. Việc tỉnh Ninh Bình mở rộng quy mô đô thị là tất yếu và rất cần thiết nhằm tạo không gian, dư địa, động lực đầu tư phát triển một cách đồng bộ, hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị theo hướng xanh và bền vững.

Tạo liên kết, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh

Việc nhập huyện Hoa Lư và TP Ninh Bình để thành lập TP Hoa Lư không chỉ là yêu cầu theo chủ trương của Bộ Chính trị, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 mà còn xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển của TP Ninh Bình để xứng tầm là trung tâm đô thị hạt nhân của tỉnh, hướng tới mục tiêu chung phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mang đặc trưng của Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

 Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là một vùng du lịch tổng hợp gồm các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là một vùng du lịch tổng hợp gồm các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Những năm qua, TP Ninh Bình luôn khẳng định vai trò đầu tàu trong hệ thống đô thị của tỉnh Ninh Bình, được xác định với các chức năng là trung tâm chính trị-hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch của tỉnh; trung tâm văn hóa, lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế; đồng thời là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng.

Tuy nhiên hiện nay, TP Ninh Bình đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn cần tập trung giải quyết như: Đô thị chưa phát huy được các lợi thế về vị trí địa lý, giao thông quốc gia và vùng để trở thành đô thị hạt nhân phát triển đô thị toàn tỉnh Ninh Bình và thúc đẩy sự phát triển của các đô thị lân cận. Đặc biệt là việc kiểm soát, quản lý, định hướng khai thác bên bờ sông Đáy; bảo tồn, phát huy tối đa các danh thắng, di sản văn hóa, di tích lịch sử... trên địa bàn, trong đó có Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Còn đối với huyện Hoa Lư, với vị trí nằm giữa hai đô thị lớn của tỉnh là TP Ninh Bình và TP Tam Điệp, thời gian qua, huyện Hoa Lư chịu tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa trên địa bàn. Qua nhiều năm phấn đấu, dù quá trình phát triển kinh tế-xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, tuy nhiên, mô hình quản lý của chính quyền nông thôn hiện nay làm hạn chế khả năng đột phá, chưa khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên; việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các danh thắng, di sản văn hóa-lịch sử của vùng cố đô còn nhiều hạn chế. Theo đó, nếu được gắn kết với TP Ninh Bình sẽ là điều kiện thuận lợi nhằm đánh thức tiềm năng, chuyển hóa thành thế mạnh, nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn

Tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đầu năm 2025 sẽ hoàn thành kế hoạch sáp nhập huyện Hoa Lư và TP Ninh Bình. Theo kế hoạch, việc thành lập TP Hoa Lư được dựa trên cơ sở nhập nguyên trạng toàn bộ 103,49km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 83.613 người của huyện Hoa Lư và 46,75km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 154.596 người của TP Ninh Bình.

Sau khi thành lập, TP Hoa Lư có diện tích tự nhiên là 150,24km² và quy mô dân số là 238.209 người. Địa giới hành chính TP Hoa Lư: Phía Đông giáp huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình và huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; phía Tây giáp huyện Gia Viễn và huyện Nho Quan; phía Nam giáp huyện Yên Mô và TP Tam Điệp; phía Bắc giáp huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình và huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Thời điểm này, tỉnh Ninh Bình đang khẩn trương tuyên truyền, thông tin về mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp đơn vị hành chính. Qua công tác tuyên truyền có thể thấy, việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân. Người dân bày tỏ tin tưởng sau khi hợp nhất, các đơn vị hành chính sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương. Ông Trịnh Minh Thám ở thôn Hành Cung, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư bày tỏ: “Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện. Đây là chủ trương lớn của Đảng, được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Mong rằng sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ điều chỉnh tốt các điều kiện phục vụ nhu cầu đi lại, công tác thủ tục hành chính được thuận lợi hơn”.

Theo đồng chí Đinh Văn Tiên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Ninh Bình: Chủ trương điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố là tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, người dân TP Ninh Bình. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thành phố có điều kiện thực hiện tốt sứ mệnh gìn giữ những giá trị di sản, giá trị văn hóa cốt lõi cùng với việc thực hiện sứ mệnh của một đô thị động lực trung tâm.

Đồng thời với định hướng phát triển là Đô thị di sản thiên niên kỷ, TP Hoa Lư trong tương lai cũng sẽ có thêm điều kiện tập trung phát triển du lịch-dịch vụ dựa trên nền tảng giá trị văn hóa-lịch sử của cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, để thành phố trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế; tạo không gian, dư địa và động lực đầu tư phát triển một cách đồng bộ, hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững.

Bài và ảnh: AN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ninh-binh-mo-rong-quy-mo-do-thi-xung-tam-dong-luc-trung-tam-791789