Ninh Bình ổn định chỗ kinh doanh cho tiểu thương chợ Rồng

Chợ Rồng Ninh Bình tại trung tâm thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) hàng chục năm qua là địa điểm kinh doanh, buôn bán sầm uất của tỉnh Ninh Bình với gần 700 hộ kinh doanh

Các tiểu thương đều ủng hộ đề án của thành phố và mong muốn được sắp xếp chỗ ngồi ổn định, lâu dài tại chợ Rồng. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Các tiểu thương đều ủng hộ đề án của thành phố và mong muốn được sắp xếp chỗ ngồi ổn định, lâu dài tại chợ Rồng. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Ngoài việc tạo sinh kế cho hàng nghìn người, đây còn là một trong những nơi giao thương, trao đổi hàng hóa lớn nhất tỉnh Ninh Bình, góp phần thúc đẩy kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố Ninh Bình, bàn giao mặt bằng những khu vực thuộc mốc giới thi công dự án liên quan nên UBND thành phố Ninh Bình triển khai thực hiện đề án 01/ĐA-UBND về "Hỗ trợ các hộ kinh doanh tại chợ Rồng Ninh Bình di chuyển đến địa điểm kinh doanh mới trên địa bàn thành phố Ninh Bình".

Theo UBND thành phố Ninh Bình, chợ Rồng Ninh Bình là chợ hạng II duy nhất của tỉnh với gần 700 hộ kinh doanh, buôn bán tại đình chính và các khu A, B, C... Các loại hàng hóa buôn bán tại chợ đa dạng chủng loại, từ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng đến các mặt hàng phục vụ sản xuất, làm đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống...

Được khánh thành và đưa vào sử dụng từ những năm 1990, đến nay nhiều hạng mục tại chợ Rồng không còn phù hợp với quá trình phát triển, mở rộng kinh doanh tại chợ; việc sắp xếp các vị trí gian hàng. Mặt khác, công tác đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Tình trạng ách tắc giao thông tại chợ khiến cho khả năng ứng cứu khi có cháy nổ là không cao. Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh được sắp xếp vị trí kinh doanh còn nằm ngoài quy hoạch...

Cùng với đó, tại khu vực phía Đông của chợ Rồng Ninh Bình đang thực hiện các dự án: Cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân và dự án xây dựng cầu Chà Là vượt sông Vân. Một số khu vực tại chợ Rồng Ninh Bình nằm trong mốc giới giải phóng, bàn giao mặt bằng cho việc thực hiện 2 dự án, ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí kinh doanh, buôn bán của nhiều tiểu thương.

Ông Hoàng Hoa Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết, xuất phát từ thực tế kể trên, UBND thành phố Ninh Bình đã xây dựng và triển khai đề án "Hỗ trợ các hộ kinh doanh tại chợ Rồng Ninh Bình di chuyển đến địa điểm kinh doanh mới trên địa bàn thành phố Ninh Bình", thực hiện từ đầu năm 2024 đến năm 2026.

Đề án có mục tiêu di chuyển các hộ đang kinh doanh tại chợ Rồng đến kinh doanh tại các chợ được quy hoạch, để từng bước thực hiện quy hoạch cảnh quan hai bờ sông Vân, bảo đảm hoạt động chợ theo quy định hiện hành của pháp luật; bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy; an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, văn minh thương mại.

Một khu vực kinh tại chợ Rồng (Ninh Bình). Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Một khu vực kinh tại chợ Rồng (Ninh Bình). Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Ông Thắng cũng cho biết, các hộ kinh doanh chủ động di chuyển địa điểm kinh doanh là các chợ được quy hoạch trên địa bàn thành phố hoặc chuyển về kinh doanh tại hộ gia đình sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ. Mặt khác, các hộ chuyển đến kinh doanh tại các chợ hợp pháp trên địa bàn như: Chợ đầu mối tổng hợp xã Ninh Tiến (chợ loại I), chợ Quang Trung, chợ Ngọc Hà, chợ Đông Thành, chợ Nam Thành... ngoài được nhận hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ còn được hỗ trợ 1 năm giá dịch vụ tại chợ mới di chuyển đến.

Hiện các ngành chức năng của UBND thành phố Ninh Bình đang tập trung tuyên truyền để các hộ tiểu thương hiểu rõ chủ trương, đồng thuận với thành phố trong thực hiện các dự án của thành phố và tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là các hộ tiêu thương tại các khu vực kinh doanh có liên quan đến giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng cầu Chà Là vượt sông Vân và dự án Cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân.

Theo thống kê của Ban Quản lý chợ Rồng Ninh Bình, hiện đã có nhiều hộ kinh doanh đăng ký di chuyển địa điểm kinh doanh đến chợ mới hoặc về kinh doanh tại nhà. Ông Phạm Đức Dũng, Trưởng Ban quản lý chợ Rồng Ninh Bình cho biết, Ban quản lý chợ Rồng đã mời bà con nhân dân về tại hội trường Ban quản lý với số lượng gần 200 hộ để tuyên truyền từ tổ ngành hàng đến các hộ tiểu thương trong chợ. Ngay trong buổi tuyên truyền trực tiếp đã có hơn 30 hộ đã đăng ký di chuyển, tổng số đến nay có 79 hộ làm đơn đăng ký di chuyển.

Thời gian tới, Ban quản lý tiếp tục tuyên truyền vận động trên tinh thần với 79 hộ này được phê duyệt thì bà con được nhận tiền sẽ tạo động lực để các hộ tiếp theo thực hiện đề án của thành phố. Việc tiểu thương chuyển đổi nơi kinh doanh sẽ tạo thêm không gian để Ban Quản lý sắp xếp, bố trí lại hoạt động của chợ cho phù hợp với quy định.

Tại chợ Rồng Ninh Bình, câu chuyện được các tiểu thương đề cập nhiều nhất là đề án của thành phố Ninh Bình về việc hỗ trợ tiểu thương di chuyển nơi buôn bán, cũng như những nỗi niềm, tâm tư của các tiểu thương. Nhiều người đã gắn bó với chợ Rồng Ninh Bình từ khi còn trẻ, hàng chục năm qua, các nếp sinh hoạt, buôn bán tại chợ Rồng dường như đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành thói quen, thành văn hóa của những tiểu thương ở đây. Theo tìm hiểu được biết, các tiểu thương đều rất quan tâm và ủng hộ việc triển khai thực hiện đề án của thành phố; đa phần các tiểu thương nộp đơn xin chuyển vị trí kinh doanh đều đã lớn tuổi, không còn nhu cầu kinh doanh, buôn bán.

Bà Hoàng Thị Là, một hộ kinh doanh đã làm đơn xin di chuyển chỗ kinh doanh đến chợ mới. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Bà Hoàng Thị Là, một hộ kinh doanh đã làm đơn xin di chuyển chỗ kinh doanh đến chợ mới. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Bà Hoàng Thị Là, tiểu thương kinh doanh gạo và ngũ cốc chia sẻ: "Thực hiện đề án 01, cả chợ nhất trí đồng thuận cao. Tuy nhiên, chúng tôi có 2 đề nghị. Đối với những người xác định gắn bó lâu dài với chợ Rồng, cần bố trí chỗ ngồi ổn định, lâu dài cho tiểu thương yên tâm kinh doanh, buôn bán. Đối với những người chuyển nơi kinh doanh đến chợ khác hoặc về nhà kinh doanh thì được nhận tiền luôn để ổn định kinh doanh tại nơi khác cũng như ổn định cuộc sống gia đình".

Cùng tâm tư với bà Hoàng Thị Là, bà Đỗ Thị Hồng, kinh doanh loại mặt hàng mây, giang, tre đan cho biết, hộ kinh doanh đã hoạt động tại chợ chợ Rồng hơn 30 năm nay. Các hộ kinh doanh hoàn toàn ủng hộ chủ trương, kế hoạch của thành phố Ninh Bình, đều muốn làm đẹp thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình buôn bán, các tiểu thương đều muốn sắp xếp chỗ ngồi ổn định để kinh doanh lâu dài.

Ông Hoàng Hoa Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết, thành phố Ninh Bình đã thành lập Tổ thẩm định hồ sơ, thủ tục hỗ trợ các hộ kinh doanh đăng ký chuyển đến nơi kinh doanh mới trên địa bàn thành phố Ninh Bình. Các hộ nào đủ điều kiện, tiêu chí sẽ được giải quyết ngay để giao nhận tiền và chuyển đến ổn định tại nơi kinh doanh mới.

Thời gian thực hiện đề án đến năm 2026, việc các hộ kinh doanh đăng ký chuyển đến nơi kinh doanh mới là cơ sở để Ban Quản lý chợ Rồng bố trí, sắp xếp lại vị trí kinh doanh cho các tiểu thương, phù hợp với quy hoạch chợ cũng như tạo điều kiện cho giải phóng mặt bằng thi công các dự án chỉnh trang 2 bờ sông Vân cũng như thực hiện các nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng thành phố Ninh Bình.

Đối với các chợ trên địa bàn thành phố và chợ đầu mối tổng hợp của tỉnh, UBND thành phố sẽ có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị, địa phương để làm việc và yêu cầu các đơn vị sẽ bố trí, sắp xếp, tạo điều kiện để các hộ có nhu cầu về các chợ thuận lợi nhất.

Ninh Đức Phương

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ninh-binh-on-dinh-cho-kinh-doanh-cho-tieu-thuong-cho-rong/327199.html