Ninh Bình phấn đấu trở thành hình mẫu tiêu biểu về phát triển kinh tế di sản bền vững
Ninh Bình xác định di sản là tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ. Kiên định với định hướng, mục tiêu đề ra, tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm chuyển hóa giá trị di sản thành tài sản kinh tế, đưa Binh Bình trở thành hình mẫu tiêu biểu về phát triển kinh tế di sản bền vững.

Du khách tham quan, trải nghiệm Khu du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: Minh Đường
Nỗ lực xây dựng nền tảng
Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch, xây dựng các công trình thiết chế văn hóa hiện đại mang đậm bản sắc vùng đất Cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến; nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉnh trang cảnh quan; tạo dựng thêm những giá trị mới để nối kết tính bản địa và tính hiện đại, của đô thị quá khứ với đô thị tương lai trên nền tảng bảo tồn hiệu quả, hài hòa, bền vững các giá trị di sản.
Cùng với tạo cơ sở hạ tầng thuận lợi cho phát triển du lịch, Ninh Bình đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, lễ hội, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tỉnh, ngành chức năng đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện nhiều dự án nghiên cứu khoa học, các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bảo tồn di sản và phát triển du lịch; xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá; tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quan tâm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, các sản vật quý của từng vùng để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của du khách...
Đặc biệt, những năm gần đây, với định hướng mục tiêu xây dựng công nghiệp văn hóa và du lịch trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn, Sở Du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, khoa học, nghệ thuật mang tầm quốc gia, quốc tế thu hút đông đảo du khách và giới chuyên gia, các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước tham gia.
Nhiều nhà sản xuất phim trong và ngoài nước đã chọn Ninh Bình làm bối cảnh sản xuất phim, thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu, hợp tác tạo các điểm nhấn cho các điểm du lịch văn hóa trên địa bàn thành phố Hoa Lư, thông qua đó quảng bá ra thế giới hình ảnh về một Cố đô thân thiện, giàu truyền thống văn hóa.
Các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao được tổ chức có sức hút lớn có thể kể đến như: Tuần Du lịch Ninh Bình “Sắc vàng Tam CốcTràng An”; Festival Ninh Bình; các chương trình nghệ thuật kỷ niệm 1050, 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt; kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh; chương trình nghệ thuật khai mạc Năm Du lịch Quốc gia-Ninh Bình 2021, chương trình nghệ thuật thường niên tại Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Lễ hội Bái Đính; Liên hoan Hát xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2019, 2022, 2023; Live show ca nhạc Miền lau trắng năm 2023; Live Concert “Chân trời rực rỡ” của ca sĩ Hà Anh Tuấn năm 2023...
Kiến tạo sản phẩm du lịch di sản tầm cỡ
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, không thể phủ nhận mô hình kinh tế di sản ở Ninh Bình đã và đang khẳng định thương hiệu và vị thế trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hầu hết các di sản văn hóa được nghiên cứu, nhận diện, làm rõ, được người dân tự nguyện, tự giác giữ gìn và phát huy trong đời sống xã hội. Nhiều sản phẩm du lịch gắn với Di sản Tràng An, Cố đô Hoa Lư và các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế, trở thành những sản phẩm hấp dẫn, đặc trưng, trụ cột của tỉnh, thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế, góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch sinh thái Thung Nham, hang Múa ...
Du lịch Ninh Bình tiếp tục nhận được sự ghi nhận lớn qua nhiều giải thưởng danh giá từ các tổ chức và chuyên trang quốc tế, nổi bật như: Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất năm 2024; Top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới; Tạp chí quốc tế Forbes xếp hạng Ninh Bình vị trí thứ 4 trong “Top 10 kỳ quan thế giới dành cho những người không thích đám đông”; Quần thể danh thắng Tràng An được bình chọn là “điểm đến có ảnh hưởng trên thế giới”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động du lịch văn hóa, du lịch di sản trên vẫn còn một số hạn chế, như việc gắn kết du lịch với di sản văn hóa chưa có chiều sâu, thiếu các sản phẩm mang tính đột phá. Nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch di sản phục vụ du lịch còn hạn hẹp. Sản phẩm du lịch văn hóa chưa thực sự được khai thác hiệu quả, thiếu những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao, tính cạnh tranh còn thấp, nhiều sản phẩm còn trùng lắp, đơn điệu và bị bão hòa trên thị trường...
Theo Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh: Để vượt qua những thách thức và bảo đảm phát triển kinh tế di sản bền vững, tỉnh Ninh Bình cần tập trung đẩy mạnh bảo tồn di sản. Tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa và thiên nhiên tại các điểm di sản. Sử dụng công nghệ số như thực tế ảo (VR) để tái hiện các giá trị văn hóa và giảm áp lực lên các di tích gốc. Khuyến khích các mô hình du lịch sinh thái, sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động tiêu cực từ rác thải nhựa. Các doanh nghiệp và du khách cần được khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, Ninh Bình cần tập trung thu hút các nguồn lực để nâng cấp kết cấu hạ tầng thông minh. Tích hợp công nghệ thông minh vào quản lý du lịch, như ứng dụng đặt vé trực tuyến, bản đồ du lịch số và hệ thống kiểm soát số lượng khách tham quan. Điều này không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm cho du khách mà còn quản lý tốt hơn các tác động lên di sản.
Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Ninh Bình qua các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm quốc tế. Các chiến dịch truyền thông sáng tạo trên nền tảng số như mạng xã hội, kênh video sẽ giúp mở rộng thị trường khách quốc tế.
Một trong những nhân tố quan trọng để Ninh Bình phát triển kinh tế di sản là cần mở rộng các chương trình đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu cho nhân sự ngành du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ. Tăng cường kỹ năng ngoại ngữ và nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản trong cộng đồng. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNESCO, các tỉnh, thành trong cả nước để chia sẻ kinh nghiệm và huy động nguồn lực phát triển du lịch bền vững. Ninh Bình với tiềm năng và giá trị di sản đặc biệt đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế du lịch của Việt Nam.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững và khẳng định vị thế quốc tế, tỉnh cần tiếp tục đầu tư chiến lược vào bảo tồn di sản, nâng cấp kết cấu hạ tầng và tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo.
Sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương sẽ là yếu tố then chốt giúp tỉnh Ninh Bình trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế di sản không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới.