Ninh Bình: Phát hiện dấu tích thành cổ Hoa Lư khi đào móng nhà

Quá trình đào móng xây dựng nhà ở, gia đình ông Nguyễn Tử Quý đã làm bật một đoạn bờ đất đắp, là dấu vết còn lại của tường thành Hoa Lư.

Ngày 30/12, tại hội nghị giao ban về công tác báo chí, tuyên truyền tháng 12 và định hướng công tác tuyên truyền tháng 1/2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) đã báo cáo kết quả sơ bộ khai quật khẩn cấp địa điểm khảo cổ tại khu vực thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.

Theo đó, vào giữa tháng 12/2024, gia đình ông Nguyễn Tử Quý ở thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư trong quá trình đào móng xây nhà cho người con trai thứ hai trên thửa đất thổ cư của gia đình rộng hơn 100 m2 đã phát hiện một đoạn bờ đất đắp, nghi là tường thành Hoa Lư.

 Ông Quý chỉ về khu vực phát hiện dấu vết tường thành Hoa Lư.

Ông Quý chỉ về khu vực phát hiện dấu vết tường thành Hoa Lư.

Nhận được thông tin, cán bộ Sở VH&TT đã làm việc với gia đình và cơ quan chức năng, thống nhất nghiên cứu khảo cổ khẩn cấp nhằm tìm hiểu hình thái di tích ở khu vực này.

Từ ngày 22/12 - 30/12, Phòng quản lý di sản đã phối hợp với các chuyên gia thuộc Viện khảo cổ học tiến hành khai quật, từ đó, nhiều tư liệu đã được lưu giữ qua các bản ảnh, bản vẽ, mô tả khảo cổ; hố khảo cổ đã được số hóa qua scan 3D để có thể tái dựng nghiên cứu ở các giai đoạn tiếp theo.

Trong một tuần qua, các nhà nghiên cứu đã cho đào ba hố khai quật, phát hiện 5 lớp kết cấu tường thành.

Đó là lớp gia cố chân tường thành (ở độ sâu 3,46 m) bằng gỗ lim đóng cọc, bên trên lót đất sét màu xám tạo chân; lớp dải cành cây vụn có tác dụng chống sụt lún, trơn trượt; tiếp theo là các lớp đất sét và tường gạch được xếp khá quy chuẩn... Bức tường gạch kết hợp với cọc gỗ và những lớp đất đắp tạo thành một chỉnh thể vững chắc.

 Hình ảnh cọc gỗ lim được đóng dưới lớp đất sâu.

Hình ảnh cọc gỗ lim được đóng dưới lớp đất sâu.

 Mảnh gốm sứ được các nhà khảo cổ tìm thấy tại khu vực khai quật.

Mảnh gốm sứ được các nhà khảo cổ tìm thấy tại khu vực khai quật.

Di vật được tìm thấy trong các hố khai quật chủ yếu là những vỉa gạch đã vỡ. Gạch ở đây có hai nhóm là gạch xám, một số viên có chữ "Giang Tây quân" hoặc "Giang Tây chuyên", niên đại thuộc thế kỷ 8-9. Loại gạch thứ hai là gạch đỏ, một số mảnh có in chữ "Đại Việt quốc quân thành chuyên", tức loại gạch chuyên dùng xây kinh thành thời bấy giờ, loại này cũng có niên đại khoảng thế kỷ thứ 10.

 Lớp gạch đỏ dùng xây thành Hoa Lư mới được phát lộ tại thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.

Lớp gạch đỏ dùng xây thành Hoa Lư mới được phát lộ tại thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.

Kết quả khai quật đã cung cấp thêm những tư liệu mới góp phần nghiên cứu làm rõ về tường thành và quá trình xây dựng tường thành Hoa Lư, đồng thời cũng đưa đến những nhận thức đầy đủ hơn về Kinh đô Hoa Lư dưới triều Đinh - Tiền Lê ở thế kỷ X.

Ông Đoàn Minh Huấn - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đề nghị: Trước mắt, Sở VH&TT, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần quan tâm và có phương án phù hợp, hài hòa để vừa giải quyết, đảm bảo nhu cầu chính đáng của người dân trong vùng lõi di sản, vừa bảo tồn và tiếp tục nghiên cứu di tích.

Trần Anh - Trung Quyết

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ninh-binh-phat-hien-dau-tich-thanh-co-hoa-lu-khi-dao-mong-nha-post328369.html