Ninh Bình: Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy tiềm năng văn hóa lâu đời
Ninh Bình mới - địa bàn mở rộng bao gồm ba tỉnh là Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định, việc phát triển công nghiệp văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa không chỉ là một xu thế tất yếu mà còn là con đường để phát huy tiềm năng văn hóa lâu đời, phong phú và đặc sắc của vùng đất này.
Công nghiệp văn hóa là động lực tăng trưởng mới
TS. Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, cho biết, trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, công nghiệp văn hóa đã và đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần định hình bản sắc, nâng cao sức mạnh mềm quốc gia và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Sự hình thành tỉnh Ninh Bình mới tạo ra không gian địa lý - văn hóa rộng lớn, hội tụ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá. Đồng thời, đây cũng là một trung tâm du lịch trọng điểm, có vai trò kết nối vùng trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Với bề dày lịch sử hơn nghìn năm, vùng đất Ninh Bình từng là kinh đô của nước Đại Cồ Việt, là nơi phát tích của các triều đại lớn, nơi có nhiều lễ hội truyền thống, nghề thủ công lâu đời và hệ sinh thái sáng tạo phong phú.
Với những lợi thế, tiềm năng sẵn có, tỉnh Ninh Bình xác định: công nghiệp văn hóa là động lực tăng trưởng mới, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là công cụ quan trọng để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của vùng đất thiêng lịch sử này. Do đó, Ninh Bình cần phát triển công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển với bảo tồn, gắn truyền thống với sáng tạo, gắn bản sắc địa phương với xu hướng toàn cầu.
TS. Phạm Quang Ngọc cho rằng, tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là tỉnh Ninh Bình mới, sự hiện diện của hệ thống di sản đồ sộ, cộng đồng sáng tạo mạnh, hệ thống làng nghề và nhân lực trẻ là những điều kiện nền tảng để phát triển công nghiệp văn hóa một cách chiến lược. Các giá trị truyền thống như: nghệ thuật trình diễn dân gian, kiến trúc cổ, lễ hội, ẩm thực, thủ công mĩ nghệ,... đều có thể trở thành nguồn lực văn hóa - kinh tế nếu được đầu tư đúng hướng.
Mô hình kết hợp giữa bảo tồn và phát triển - giữa truyền thống và hiện đại chính là cơ sở lý luận cốt lõi cho các giải pháp chính sách hiện nay. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sự thành công của nhiều quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp,... đều xuất phát từ việc nâng giá trị di sản bằng công nghệ, sáng tạo và kết nối thị trường.
Tỉnh Ninh Bình hoàn toàn có thể học hỏi mô hình này để phát triển đặc thù của mình, bởi, sau sáp nhập Tỉnh Ninh Bình mới đã hình thành một vùng văn hóa phong phú, đa dạng với chiều sâu lịch sử, bản sắc văn hóa đặc trưng và tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa rất lớn.
Di sản văn hóa phong phú, đa dạng, có giá trị đặc sắc
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, về vị trí địa lý, tỉnh có lợi thế là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, kết nối chặt chẽ với các hành lang kinh tế Bắc Bộ, có hệ thống giao thông thuận tiện với tuyến đường cao tốc, đường sắt Bắc Nam, quốc lộ 1A và các trục kết nối ven biển - điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa, du lịch và dịch vụ sáng tạo.
Với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, bằng các sáng tạo văn hóa của các thế hệ tiền nhân hàng ngàn năm qua, đã để lại cho tỉnh Ninh Bình hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, có giá trị đặc sắc. Ninh Bình hiện có 5.071 di tích được kiểm kê, trong đó có 1.106 di tích đã xếp hạng (1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 8 di tích quốc gia đặc biệt, 264 di tích quốc gia và 834 di tích cấp tỉnh).
Ninh Bình hiện sở hữu hàng ngàn di sản văn hóa phi vật thể thuộc tất cả các loại hình, trong đó có 39 di sản đã được ghi danh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 01 di sản được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt).
Nhiều di sản văn hóa của Ninh Bình có giá trị đặc biệt nổi bật, tầm quốc gia và quốc tế. Tràng An được UNESCO ghi danh là di sản thế giới duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á đến nay vì các giá trị đặc biệt, nổi bật toàn cầu về địa chất địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, chứa đựng kho tư liệu đồ sộ, đầy đủ, phong phú về nhân loại thời tiền sử, thể hiện cách thức thích ứng trước những biến đổi môi trường trong hàng vạn năm qua.
Ninh Bình là nơi có di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, một trong những di tích quan trọng bậc nhất của Việt Nam, được Bộ Văn hóa xếp hạng cấp quốc gia trong đợt xếp hạng đầu tiên của cả nước năm 1962. Hoa Lư là nơi phát tích sự nghiệp ba triều đại: Đinh - Tiền Lê và khởi đầu triều Lý ở thế kỷ X-XI. Đền Trần và hành cung Thiên Trường, hành cung Vũ Lâm, đền Trần Thương,… là trung tâm chính trị, văn hóa, quân sự của Triều Trần ở thế kỷ XII-XIII, nơi ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của quân và dân Đại Việt trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông, mà hào khí Đông A còn vang vọng đến hôm nay.
Ninh Bình có di tích cấp quốc gia đặc biệt núi Non Nước còn bảo lưu được các văn bia với số lượng lớn (43 văn bia), ghi dấu bút tích các danh nhân văn hóa từ thời Lý - Trần đến đầu thế kỷ XX, xứng đáng được ghi danh di sản tư liệu thế giới. Quần thể nhà thờ Phát Diệm, nhà thờ Bùi Chu, nhà thờ Sở Kiện, nhà thờ Phú Nhai,… là công trình kiến trúc kỳ vĩ kết hợp hài hòa văn hóa truyền thống Việt Nam và niềm tin Kitô giáo, là những thánh đường Công giáo thuộc loại tiêu biểu đặc sắc nhất ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, tỉnh có hàng loạt các công trình kiến trúc cổ, tiêu biểu bậc nhất cho kiến trúc truyền thống Việt Nam như: hệ thống cầu có mái (nổi danh với câu nói: “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”), chùa Keo Hành Thiện, đền Thánh Nguyễn, đền Xám, chùa Bà Đanh,…

Đền thờ Hai vua tại Hoa Lư, Ninh Bình
Với các sáng tạo văn hóa đặc biệt, Ninh Bình còn là nơi bảo lưu nhiều nghề thủ công truyền thống đặc sắc, được xây dựng và gìn giữ từ nhiều đời nay: làng đá mĩ nghệ Ninh Vân, làng thêu ren Văn Lâm, làng trống Đọi Tam, lụa Nha Xá, cá kho Đại Hoàng, làng đúc đồng Tống Xá, làng gốm Quỳnh Sơn, gốm Bồ Bát, gốm Quyết Thành, mộc La Xuyên,... được biết đến không chỉ trong nước mà còn trên bình diện quốc tế, gắn với nhiều vị tổ nghề: Lý triều Quốc sư Nguyễn Minh Không – tổ nghề đúc đồng và đông y; Ninh Hữu Hưng – tổ nghề mộc,… Các làng nghề không chỉ sản xuất hàng thủ công mà còn tích cực tham gia các chương trình OCOP, xuất khẩu và gắn với mô hình du lịch trải nghiệm.
Ninh Bình là miền văn hóa tâm linh, với những trung tâm tôn giáo - tín ngưỡng lớn của cả nước. Từ thời Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần, Ninh Bình đã là trung tâm Phật giáo của cả nước, với các ngôi quốc tự thời Đinh (chùa Nhất Trụ), các đại danh lam kiêm tiểu hành cung thời Lý (Chương Sơn, Đọi Sơn), trung tâm Phật giáo thời Trần (chùa Phổ Minh, hành cung Thiên Trường, hành cung Vũ Lâm).
Đến nay Ninh Bình vẫn là một trung tâm Phật giáo lớn của cả nước với các tự viện nổi tiếng trong nước và quốc tế như chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, Thiền viện Trúc Lâm Thiên Trường,… Bên cạnh đó, với các trung tâm Công giáo Bùi Chu, Phát Diệm, Sở Kiện…, Ninh Bình không chỉ là nơi có đông đảo tín đồ Công giáo mà còn giữ vị trí một trung tâm Công giáo lớn của cả nước.
Các tín ngưỡng dân gian mang đậm bản sắc tộc người của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ được bảo lưu của nhiều thế hệ, tiêu biểu là Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với trung tâm là Phủ Dầy, phủ Nấp, đền Dâu, phủ Đồi Ngang, đền Lảnh Giang,…
Ngoài ra, Ninh Bình còn là vùng đất của những lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc, bảo lưu nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể nổi bật. Đó là lễ hội Hoa Lư, lễ hội đền Trần, lễ hội Phủ Dầy, lễ hội đền Trần Thương, lễ hội Đọi Sơn, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Tràng An, lễ hội chùa Tam Chúc... thu hút đông đảo sự tham gia của du khách trong và ngoài nước.
Đây đều là các lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc mang hồn cốt văn hóa của cư dân đồng bằng sông Hồng nói riêng và Việt Nam nói chung, là những lễ hội lớn của cả nước. Các di sản văn hóa đó có giá trị đặc biệt, tạo nên dấu ấn đặc sắc riêng có của Ninh Bình - dấu ấn của vùng đất từng là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền tại Việt Nam, là nơi nhiều thế hệ người dân đấu tranh, giữ gìn, bảo vệ nền độc lập, xây dựng nền tự chủ, tự cường của dân tộc.
Đó là dấu ấn vùng đất cổ, nơi có con người sinh sống từ cách nay hơn ba vạn năm, với các di tích khảo cổ học tiền sử trong các mái đá, hang động vùng núi phía Tây Bắc của tỉnh. Ninh Bình đồng thời còn có các giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật, với dấu vết của các nền văn minh thời đại kim khí, văn minh Đông Sơn, cùng hàng trăm đền, chùa, miếu, phủ..., các công trình kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng còn hiện hữu đồng điệu cùng thiên nhiên, có kiến trúc mang tính kỹ thuật, mĩ thuật cao, các lễ hội dân gian, các làng nghề truyền thống đặc sắc, mang hồn cốt văn hóa của người dân Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình mới còn là cái nôi của nhiều loại hình dân ca mang đậm bản sắc của đồng bằng Bắc Bộ như: hát Xẩm, hát Chèo, Ca trù, hát Dậm Quyển Sơn, hát Lải lèn, hát Trống quân Liêm Thuận, Hát giao duyên vùng ngã ba sông Móng, hát Văn,… Các loại hình này vẫn còn được duy trì nhờ vào đội ngũ nghệ nhân tâm huyết.
Hệ thống thiết chế văn hóa của tỉnh đã có bước phát triển đáng kể. Các nhà hát, trung tâm văn hóa, thư viện, bảo tàng được đầu tư đồng bộ. Ngoài ra, các không gian sáng tạo như trung tâm văn hóa cộng đồng, không gian đọc sách, sân khấu đường phố,... đã bắt đầu hình thành, đặc biệt tại các trường đại học và khu đô thị mới.
Khẳng định vị thế trung tâm du lịch lớn
Theo TS. Phạm Quang Ngọc, thực tiễn địa phương cho thấy mô hình kết hợp du lịch văn hóa - tâm linh với bảo tồn di sản đang là một hướng đi hiệu quả. Tại Quần thể danh thắng Tràng An, việc xây dựng các tuyến du lịch sinh thái kết hợp với trải nghiệm di sản như: chèo thuyền xuyên hang động, tham quan các đền thờ, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, hát Xẩm tại các điểm du lịch và các sự kiện văn hóa truyền thống như Lễ hội Tràng An đã tạo nguồn thu lớn cho ngân sách du lịch, đồng thời góp phần quảng bá bản sắc văn hóa Ninh Bình đến với du khách quốc tế.
Một ví dụ khác là chùa Tam Chúc được quy hoạch là Trung tâm văn hóa Phật giáo quốc tế đã đón hàng triệu lượt khách mỗi năm. Lễ hội Phật giáo Liên Hợp Quốc tổ chức tại đây không chỉ là sự kiện tôn giáo - văn hóa trọng đại mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, truyền thông và sản phẩm lưu niệm gắn với hình ảnh địa phương. Sự kiện này đã khẳng định năng lực tổ chức các hoạt động công nghiệp văn hóa quy mô lớn, đồng thời quảng bá mạnh mẽ giá trị văn hóa Phật giáo đặc trưng vùng Bắc Bộ.
Trong lĩnh vực bảo tồn làng nghề, mô hình du lịch cộng đồng tại làng đá mĩ nghệ Ninh Vân, làng trống Đọi Tam hay làng đúc đồng Ý Yên là những hình mẫu thành công. Các làng nghề này không chỉ bảo tồn kỹ thuật truyền thống mà còn đổi mới cách tiếp cận, kết hợp trưng bày, trải nghiệm thực hành, bán sản phẩm tại chỗ và liên kết với tour tuyến du lịch.
Đồng thời, số hóa di sản cũng là một hướng đi hiệu quả của tỉnh. TS. Phạm Quang Ngọc, cho biết, tỉnh đang thực hiện số hóa trên các di tích, tư liệu quý và các bài hát dân gian như Xẩm, Chèo, Ca trù,... thông qua ứng dụng nền tảng số và mạng xã hội. Các video trình diễn Chèo, hát Văn hay hát Xẩm đăng tải trên YouTube, TikTok đã thu hút hàng triệu lượt xem, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa trong giới trẻ và mở rộng thị trường nội dung văn hóa trực tuyến.
Một kinh nghiệm quan trọng là việc kết hợp tổ chức lễ hội truyền thống với sự kiện văn hóa đương đại. Ví dụ: Lễ hội Hoa Lư, ngoài phần lễ truyền thống, còn có phần hội như: biểu diễn nghệ thuật, tổ chức các trò chơi dân gian, giải đấu thể thao, trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP, triển lãm giới thiệu thành tựu kinh tế xã hội của tỉnh,... Nhờ đó, lễ hội không chỉ giữ nguyên hồn cốt văn hóa mà còn hấp dẫn công chúng trẻ, tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách du lịch.
Cùng với đó, sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng trong bảo tồn và phát triển công nghiệp văn hóa là yếu tố then chốt. Hàng chục mô hình hợp tác công - tư đã hình thành, tiêu biểu như: các dự án phục dựng kiến trúc cổ, trung tâm trải nghiệm văn hóa, các nghệ nhân và cộng đồng văn hóa bản địa đã được hỗ trợ truyền nghề, mở lớp đào tạo, xây dựng bảo tàng tư nhân và tham gia trực tiếp vào các chuỗi giá trị sáng tạo.
Để phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững và hiệu quả hơn nữa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, lưu ý, tỉnh Ninh Bình cần triển khai một số giải pháp đột phá, đồng bộ cả về tư duy, thể chế, công nghệ và hạ tầng. Trước hết, cần thay đổi nhận thức về công nghiệp văn hóa, không coi đây lĩnh vực phụ trợ mà là một ngành kinh tế trọng điểm, có khả năng tạo giá trị gia tăng cao dựa trên tài nguyên văn hóa bản địa. Từ đó, các chính sách đầu tư, thu hút nguồn lực, ưu đãi tài chính cần đặt công nghiệp văn hóa ngang hàng với các ngành kinh tế khác như công nghiệp chế biến, dịch vụ hay công nghệ cao.

Du khách thăm các ngôi đền tại Tràng An
Tỉnh cũng cần quy hoạch không gian phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng liên kết vùng và hình thành các cụm văn hóa sáng tạo tại các đô thị trung tâm với hạ tầng đồng bộ, như: nhà hát đa năng, trung tâm thiết kế - trưng bày, không gian nghệ thuật công cộng, các câu lạc bộ sáng tạo trẻ; phát triển các tuyến du lịch văn hóa - di sản kết nối liên tỉnh, xây dựng bản đồ di sản số và các sản phẩm du lịch theo chủ đề, kết hợp di tích - làng nghề - nghệ thuật truyền thống - trải nghiệm hiện đại.
Về nhân lực, tỉnh cần chú trọng đào tạo chuyên sâu đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa theo hướng sáng tạo, công nghệ và thị trường; mở rộng đào tạo nghệ nhân, nhà thiết kế, nhà sản xuất nội dung, tổ chức sự kiện; kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để tạo chuỗi đào tạo, nghiên cứu, khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo; ứng dụng công nghệ số, số hóa toàn diện di sản văn hóa, xây dựng kho tư liệu số mở, phát triển các nền tảng quảng bá và thương mại hóa sản phẩm văn hóa trực tuyến; sử dụng AI, VR/AR, Big Data để tạo ra trải nghiệm mới trong tham quan, biểu diễn, giáo dục văn hóa.
Cùng với đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ tham gia lĩnh vực này thông qua các quỹ sáng tạo, vườn ươm văn hóa, công nghệ. Cơ chế xã hội hóa và đối tác công tư (PPP) cần được thể chế hóa mạnh mẽ hơn.
Chính quyền cần đóng vai trò định hướng, dẫn dắt và kết nối nguồn lực, trong khi doanh nghiệp, cộng đồng và các tổ chức xã hội tham gia trực tiếp vào đầu tư, khai thác và phát triển công nghiệp văn hóa. Những mô hình bảo tàng tư nhân, nhà hát xã hội hóa, festival sáng tạo thường niên,... cần được hỗ trợ cụ thể, rõ ràng bằng chính sách đất đai, thuế, vốn ưu đãi và thủ tục hành chính linh hoạt.
Tỉnh cũng cần tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, nhân lực và truyền thông; bố trí ngân sách ổn định cho các dự án bảo tồn, phát triển, sáng tạo văn hóa; huy động các nguồn lực xã hội hóa một cách minh bạch, bền vững; thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa vùng tại tỉnh Ninh Bình, có chức năng đào tạo, kết nối sáng tạo, tư vấn chính sách và hỗ trợ khởi nghiệp; nâng cao nhận thức giá trị của văn hóa không chỉ là di sản mà còn là động lực phát triển trong đông đảo quần chúng nhân dân để mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều tham gia vào tiến trình bảo tồn và sáng tạo văn hóa thì công nghiệp văn hóa mới thật sự trở thành động lực phát triển bền vững của tỉnh Ninh Bình mới trong tương lai.