Ninh Bình: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên
Là một trong những địa phương phát triển du lịch nhất nhì miền Bắc nhờ tiềm năng du lịch phong phú, Ninh Bình đã và đang nỗ lực tìm hướng bảo vệ nguồn tài nguyên và phát triển du lịch một cách bền vững. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương và khai thác thị trường khách nội địa để tìm cách bứt phá trong thời gian tới.
Quần thể danh thắng Tràng An - điểm đến hấp dẫn của Ninh Bình.
Phong phú tài nguyên du lịch
Là một vùng đất cổ nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình từng là kinh đô của Việt Nam (giai đoạn năm 968 - 1010) với 3 triều đại Đinh, Lê, Lý. Dấu vết của kinh đô xưa được bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay là di tích cố đô Hoa Lư. Cùng với đó là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng với hơn 1.500 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 1 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 2 Di tích quốc gia đặc biệt; 225 lễ hội và 83 làng nghề truyền thống tiêu biểu.
Nhắc đến Ninh Bình thì phải kể đến nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, tiêu biểu có Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cùng 400 hang động lớn, nhỏ. Ngoài ra, Ninh Bình còn sở hữu diện tích rừng lớn nhất so với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng (hơn 29.000ha); trong đó, có Vườn quốc gia Cúc Phương - nơi sinh sống của gần 2.000 loài thực vật bậc cao và 2.600 loài động vật. Bên cạnh đó là hệ thống rừng đặc dụng núi đá Hoa Lư và rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn với nhiều loài động, thực vật có tên trong Sách đỏ thế giới.
Những tiềm năng trên là điều kiện để Ninh Bình xây dựng nhiều loại hình và sản phẩm du lịch như du lịch tâm linh, văn hóa - lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng, di sản, MICE (du lịch kết hợp hội họp)... Nhờ đó, nhiều sản phẩm du lịch của Ninh Bình được truyền thông quốc tế đánh giá cao như khu du lịch Tam Cốc được kênh truyền hình CNN giới thiệu là 1 trong 7 hang động đẹp nhất Việt Nam và tờ Telegraph (Anh) từng bình chọn là một trong 15 địa danh “Tuyệt đẹp nhưng ít người biết đến”, hay tạp chí Buletin (Thụy Sĩ) bầu chọn Ninh Bình là 1 trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam...
Anh Hoàng Kim Nhựt, một du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ sau chuyến đi hồi tháng 3-2021: “Tôi đã bị choáng ngợp khi đi thuyền, khám phá vẻ đẹp của Quần thể danh thắng Tràng An và Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long. Ninh Bình gây ấn tượng mạnh với tôi bởi hệ thống núi đá hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng cùng thiên nhiên hoang sơ. Mong rằng, Ninh Bình sẽ phát huy sức mạnh của nguồn tài nguyên du lịch này trong tương lai”.
Kết nối những “mắt xích” quan trọng
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, quảng bá xúc tiến, xây dựng sản phẩm... nên mặc dù chịu những ảnh hưởng không nhỏ của dịch Covid-19, quý I-2021, Ninh Bình vẫn đón 619.572 lượt khách, đạt 50% so với cùng kỳ năm 2020, doanh thu ước đạt gần 420 tỷ đồng, đạt 61,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Khiêm tốn nhìn nhận kết quả đạt được, Tiến sĩ Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho rằng: “Bên cạnh kết quả trên, sản phẩm du lịch của Ninh Bình vẫn còn trùng lặp, đơn điệu, thiếu tính liên kết; một số sản phẩm chưa khai thác hiệu quả các tài nguyên để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, có chiều sâu văn hóa. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy lợi thế so sánh, nâng cao tính cạnh tranh của Ninh Bình so với các điểm đến khác trong cả nước”.
Để du lịch Ninh Bình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ông Bùi Văn Mạnh cho rằng, “mắt xích” quan trọng nhất là tổ chức xúc tiến quảng bá, tập trung phát triển sản phẩm du lịch dựa trên việc khai thác các giá trị di sản, văn hóa truyền thống một cách bền vững nhằm tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn riêng của địa phương và phù hợp với nhu cầu của các thị trường khách, đặc biệt là khách nội địa trong thời gian này.
Với mong muốn sớm phục hồi, phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, ông Bùi Văn Mạnh cho biết, ngành Du lịch Ninh Bình đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp như: Ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch; Xây dựng điểm đến du lịch Ninh Bình an toàn, thân thiện và hấp dẫn; Đẩy mạnh liên kết với các địa phương, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; Xây dựng chiến lược tổng thể về xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu điểm đến của địa phương; Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển du lịch; Kiểm tra, xử lý kịp thời những hành vi xâm hại di sản và tài nguyên du lịch... Đó là những giải pháp căn cơ để du lịch Ninh Bình phát triển bền vững trong thời gian tới.