Ninh Bình phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng
Vùng Đồng bằng sông Hồng được xem là cái nôi lịch sử - văn hóa của cả nước với những danh lam thắng cảnh đẹp, di tích lịch sử - văn hóa quan trọng. Đây là nguồn tài nguyên lớn để Ninh Bình cùng với các tỉnh, thành phố, xây dựng các tour, tuyến hấp dẫn du khách.
Tuy nhiên, du lịch Đồng bằng sông Hồng vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng hiện có, đòi hỏi cần đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác liên vùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Đồng bằng sông Hồng có nhiều lợi thế cạnh tranh về du lịch với sự đa dạng về tài nguyên, văn hóa trải rộng trên hầu hết 11 tỉnh thành. Toàn vùng có trên 23 nghìn di tích lịch sử văn hóa trong đó có 49 di tích quốc gia đặc biệt, 3 di sản văn hóa thế giới và hàng trăm lễ hội truyền thống. Đây là điều kiện để xây dựng các sản phẩm hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách. Sau đại dịch Covid 19, vùng Đồng bằng sông Hồng tiếp tục khẳng định sức hút mạnh mẽ với khách du lịch khi đã đón và phục vụ hơn 54 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch là hơn 94 nghìn tỷ đồng, chiếm 21% doanh thu du lịch trong toàn quốc.
Là một trong 4 vùng du lịch trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình đã nỗ lực đẩy mạnh việc liên kết phát triển, khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù và độc đáo của mỗi địa phương để xây dựng tour, tuyến du lịch phù hợp, thu hút khách du lịch. Nhiều biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác trong công tác quản lý Nhà nước, phối hợp quảng bá, xúc tiến, đào tạo nhân lực đã được ký kết. Ninh Bình cũng mời các đoàn khảo sát, xúc tiến đến tham quan, tìm hiểu điểm đến, cũng như trải nghiệm chất lượng dịch vụ
Tuy nhiên, để liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng đạt hiệu quả cao, mỗi tỉnh, thành phố cần quan tâm xác định được những giá trị cốt lõi và những hệ giá trị khác mà vùng đã có, hoặc tạo lập mới để phát triển, duy trì. Bên cạnh đó, cần có giải pháp khai thác tốt các tour du lịch liên tỉnh, thành phố trong vùng đã được đưa vào khai thác hiệu quả như: Ninh Bình – Hạ Long; Cát Bà, Ninh Bình – Đồ Sơn – Hải Phòng; Ninh Bình – Hạ Long – Tuần Châu; Ninh Bình – Chùa Hương – Đầm Đa…
Xây dựng thành công những chuỗi liên kết vùng giữa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng sẽ tạo động lực, mở hướng mới cho ngành kinh tế xanh giàu tiềm năng. Đồng thời nâng cao lợi thế cạnh tranh của cả vùng nói chung và Ninh Bình nói riêng, từ đó tạo vùng liên kết du lịch phát triển một cách toàn diện, thu hút không chỉ khách trong nước mà còn là điểm đến hấp dẫn với du khác quốc tế.