Ninh Bình: Tiếp tục đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2021

Du lịch Thủ đô đang từng bước thực hiện kế hoạch kích cầu nhằm khắc phục sự suy giảm lượng khách do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Ninh Bình tiếp tục đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2021; Nâng cao hình ảnh Bắc Ninh đến bạn bè trong nước và quốc tế là những thông tin nổi bật về du lịch tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Du lịch Ninh Bình. Ảnh: Quân đội Nhân dân

Du lịch Ninh Bình. Ảnh: Quân đội Nhân dân

Ninh Bình: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý giao UBND tỉnh Ninh Bình là địa phương tiếp tục phát động Năm Du lịch Quốc gia 2021.

Trước đó, ngày 8.5, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị được đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2021.

Năm Du lịch Quốc gia năm 2020 với chủ đề "Hoa Lư – Cố đô ngàn năm" theo kế hoạch sẽ được khai mạc vào tối ngày 22/2/2020 tại Ninh Bình, tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh COVID-19, Ban Tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2020 đã dừng tổ Lễ khai mạc và các sự kiện, hoạt động quan trọng mang tính đặc trưng của Du lịch Ninh Bình nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung để đảm bảo thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch.

Xuất phát từ tình hình trên, để tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến Du lịch, góp phần tháo gỡ khó khăn, sớm đưa ngành Du lịch vượt qua khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép tỉnh Ninh Bình được đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2021. Các hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia 2020 theo chương trình đã được phê duyệt sẽ được thực hiện vào Năm Du lịch Quốc gia 2021.

Hà Nội: Du lịch Thủ đô đang từng bước thực hiện kế hoạch kích cầu nhằm khắc phục sự suy giảm lượng khách do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đồng thời hưởng ứng chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam".

Nhận thấy hiệu quả từ việc liên kết phát triển du lịch, những năm qua, Hà Nội đã phối hợp với nhiều địa phương hình thành chuỗi liên kết vùng trong hoạt động du lịch, như: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình; Hà Nội - Sa Pa (Lào Cai); Hà Nội - Cao Bằng - Bắc Kạn; Hà Nội - Thanh Hóa - Nghệ An - Quảng Bình…

Năm 2020, ngành Du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng ngay khi hoạt động kích cầu du lịch nội địa trở lại từ đầu tháng 5, ngành Du lịch Thủ đô đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết du lịch với các địa phương. Trong đó, nổi bật là chương trình liên kết với sự tham gia của hơn 60 doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch Hà Nội tìm hiểu thị trường tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình vào cuối tháng 5 vừa qua, nhằm khôi phục thị trường khách giữa Hà Nội và các tỉnh miền Trung.

Với mục tiêu đẩy mạnh liên kết vùng nhằm phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, ngành Du lịch Hà Nội đã chủ động hợp tác, giao lưu, liên kết với các địa phương để kích cầu du lịch nội địa. Tuy gặt hái được nhiều kết quả nhất định, song việc liên kết giữa các địa phương cũng gặp không ít bất cập do điều kiện phát triển, đầu tư du lịch ở từng địa phương khác nhau, nên chưa có sự ăn nhập trong quá trình liên kết.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, thời gian tới, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tăng cường xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù hơn, tổ chức đón các đoàn khảo sát khám phá các điểm du lịch mới; yêu cầu các đơn vị nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch làng nghề, sinh thái ở khu vực ngoại thành.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng điểm đến, ngành Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động lễ hội văn hóa, ẩm thực; hoạt động vui chơi cộng đồng; tiếp tục triển khai các ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động du lịch để tăng tính tương tác với du khách khi đến Hà Nội.

Bắc Ninh: UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 20/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Mục đích thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch. Huy động các nguồn lực thúc đẩy phát triển du lịch nhanh, bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương. Nâng cao hình ảnh Bắc Ninh đến bạn bè trong nước và quốc tế .

Mục tiêu nhằm tạo ra bước chuyển biến tích cực, mạnh mẽ và rõ nét trong hoạt động du lịch. Phát triển du lịch với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, cơ sở vật chất kỹ thuật từng bước hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, chất lượng cao. Đưa du lịch Bắc Ninh trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; là điểm đến du lịch văn hóa - sinh thái hấp dẫn của đồng bằng sông Hồng và của Việt Nam vào năm 2030.

Theo đó, đến năm 2025: Phát triển đồng bộ các yếu tố về hạ tầng du lịch - bản sắc văn hóa môi trường (cảnh quan, sinh thái tự nhiên và xã hội) tạo thuận lợi cho phát triển du lịch. Nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý, cung cấp thông tin và quảng bá du lịch. Đón và phục vụ từ 4,8 - 5 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh; Tổng thu từ du lịch phấn đấu đạt trên 3.000 tỷ đồng.

Đến năm 2030: Hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật cơ bản theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hoàn thiện hệ thống tour, tuyến, điểm du lịch đảm bảo hấp dẫn. Phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch, các tiện ích, dịch vụ phục vụ khách có chất lượng cao, ứng dụng công nghệ số. Đón và phục vụ trên 7 triệu lượt khách du lịch đến thăm quan du lịch trên địa bàn tỉnh. Tổng thu từ du lịch đạt 10 nghìn tỷ đồng.

Một số giải pháp thực hiện gồm: Tiếp tục nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư về phát triển du lịch; Xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển du lịch; Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch; Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; Ứng dụng khoa học công nghệ; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn.

Lan Phạm (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ninh-binh-tiep-tuc-dang-cai-nam-du-lich-quoc-gia-2021-2020061816214699.htm