Ninh Bình tổng lực tiêu úng, hỗ trợ khẩn cấp người dân vùng bão phục hồi sản xuất

Sau khi bão số 3 gây mưa lớn kéo dài từ ngày 20/7, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh, tỉnh Ninh Bình đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp nhằm khắc phục hậu quả và ổn định tình hình.

Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình, tổng lượng mưa phổ biến trên 200mm, nhiều nơi vượt ngưỡng 270–290mm như Phú Lễ, Văn Lý, Tam Điệp… gây ngập úng trên diện rộng. Toàn tỉnh có khoảng 41.415 ha lúa Mùa bị ảnh hưởng, trong đó 17.465 ha ngập trắng hoàn toàn, 15.520 ha ngập phất phơ và 8.430 ha ngập sâu. Diện tích đã gieo cấy đạt 88% kế hoạch, rau màu Hè thu đạt 80%. Riêng khu vực Hà Nam (cũ) đã hoàn tất gieo cấy và chuyển sang chăm sóc.

Khoảng 41.415 ha lúa mùa bị ảnh hưởng. Ảnh: CTV

Khoảng 41.415 ha lúa mùa bị ảnh hưởng. Ảnh: CTV

Trước tình hình hàng chục nghìn hecta cây trồng bị ngập úng sau bão số 3, các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang tập trung cao độ triển khai công tác cứu úng, phấn đấu đến hết ngày hôm nay (24/7) sẽ cơ bản tiêu thoát toàn bộ diện tích bị ảnh hưởng.

Ông Đặng Phan Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện nay điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, không còn mưa lớn. Đây là thời điểm “9 con nước” – chu kỳ triều rút mạnh – rất thuận lợi để triển khai đồng bộ các biện pháp tiêu úng.

Tại các vùng động lực, ngoài hệ thống trạm bơm lớn đang vận hành hết công suất, các xã, phường của tỉnh Ninh Bình đã huy động tối đa phương tiện, máy bơm dã chiến và di động để truyền tải, tiêu thoát nước, giảm nhanh mức ngập cho diện tích lúa và hoa màu. Đối với khu vực ảnh hưởng thủy triều, các doanh nghiệp và chính quyền cơ sở đang khẩn trương tận dụng con nước để tiêu rút nước qua hệ thống sông chính.

Trạm bơm Đông Hoa Lư, Ninh Bình

Đồng thời, chúng tôi đã cử cán bộ bám sát địa bàn, phối hợp với các địa phương không chỉ trong công tác tiêu úng mà còn hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại nhằm sớm phục hồi sản xuất sau mưa lũ.

Trong những ngày tới, Chi cục tiếp tục chỉ đạo các đơn vị huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị để khơi thông dòng chảy, đẩy nhanh tiến độ tiêu thoát nước cho các diện tích còn ngập. Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật nhằm khôi phục sản xuất, ổn định sinh kế sau thiên tai.

Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình

Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình

Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Ninh Bình cho biết, không chỉ sản xuất bị ảnh hưởng, bão số 3 cũng gây thiệt hại cục bộ về hạ tầng tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như Phù Vân, Thanh Bình, Gia Viễn bị mất điện tạm thời; nhiều cây xanh bị gãy đổ, nhà dân và công trình tại các huyện Yên Khánh, Khánh Lợi bị tốc mái; một số hệ thống loa truyền thanh, biển hiệu, đường dây cáp viễn thông và công trình thoát nước bị hư hỏng. Tuy nhiên, các sự cố cơ bản đã được xử lý trước ngày 22/7.

Hiện tỉnh đang tiếp tục rà soát thiệt hại và đưa ra giải pháp khắc phục sớm đưa sản xuất, sinh hoạt trở lại bình thường. Trong đó, đặc biệt chú trọng hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách.

Vân Hồng - CTV Trần Hồng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ninh-binh-tong-luc-tieu-ung-ho-tro-khan-cap-nguoi-dan-vung-bao-phuc-hoi-san-xuat-post1217347.vov