Ninh Bình: Triển khai các giải pháp khắc phục ảnh hưởng bão số 3
Từ đêm ngày 21/7 và ngày 22/7, do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có mưa diện rộng, cục bộ có nơi mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-250mm, có nơi trên 250mm.

Lãnh đạo xã Giao Ninh, tỉnh Ninh Bình kiểm tra tình hình ngập úng tại Khu du lịch Quất Lâm. Ảnh: Công Luật/TTXVN
Mưa kết hợp với nước sông lên cao gây ra tình trạng ngập tại nhiều cánh đồng, vùng trũng thấp, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp, dân sinh và an toàn hệ thống công trình đê điều, thủy lợi.
Để chủ động triển khai các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão số 3 nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho nhân dân, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão; phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra các tuyến đê chính để kịp thời phát hiện các sự cố và xử lý giờ đầu theo phương châm “bốn tại chỗ” khi có tình huống xảy ra.
Cùng đó, khẩn trương chỉ đạo thực hiện các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão đối với sản xuất nông nghiệp và hướng dẫn các địa phương khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau khi bão đi qua; chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại do bão gây ra.
Ủy ban nhân dân các xã, phường phối hợp với lực lượng quân sự, công an kiểm tra chỗ ở của người dân, hỗ trợ người dân tại các điểm di dời tránh trú bão trở về nhà nếu đảm bảo đủ điều kiện tuyệt đối an toàn và thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại do bão gây ra (nếu có); tập trung xử lý các điểm ngập lụt cục bộ tại các đô thị, khu dân cư; tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ thiệt hại của lúa, cây hoa màu, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, phối hợp với các Công ty khai thác công trình thủy lợi thực hiện bơm, tiêu thoát nước đối với diện tích lúa, cây hoa màu bị ngập, hạn chế tối đa tình trạng ngập úng kéo dài gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng.
Rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại do bão gây ra để có giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của bão; huy động các lực lượng hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải, rác thải tại những khu vực bị ảnh hưởng của bão, đảm bảo vệ sinh môi trường, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa bão.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân thực hiện khắc phục ảnh hưởng của bão, ổn định đời sống sinh hoạt theo đề nghị của địa phương.
Các Công ty khai thác công trình thủy lợi phối hợp với các địa phương tiếp tục chỉ đạo vận hành tối đa năng lực công trình được giao quản lý, khai thác để tiêu thoát nước cho các khu vực, diện tích lúa, cây hoa màu bị ngập, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình; thường xuyên kiểm tra các hạng mục công trình, đặc biệt là tuyến kênh chính tại các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở; khắc phục kịp thời các sự cố xảy ra; nắm bắt chính xác diễn biến mực nước và chủ động điều hành sản xuất, đảm bảo vận hành an toàn công trình.