Ninh Bình triển khai hiệu quả công tác ứng phó bão số 3
UBND tỉnh Ninh Bình vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Môi trường về công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 3 (Wipha).
Theo đó, cơn bão số 3 đã gây ra mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Ninh Bình. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 56-CV/TU, ngày 21/7/2025 để chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh khẩn trương triển khai lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp công tác phòng, chống, ứng phó với bão số 3.
Ngay sau cuộc họp trực tuyến với Chính phủ về công tác ứng phó với bão số 3, Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh đã tổ chức họp trực tuyến với 129 xã, phường của tỉnh để trực tiếp chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó với bão. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 05 văn bản chỉ đạo chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với bão số 3 và mưa lũ. Phân công các lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành trực chỉ huy và trực tiếp xuống các địa bàn trọng yếu để chỉ đạo, kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3.

Lực lượng chức năng tỉnh Ninh Bình triển khai công tác ứng phó bão số 3. Ảnh TL
Tỉnh Ninh Bình đã khẩn trương triển khai ứng phó với cơn bão số 3, cụ thể: Thực hiện việc cấm tàu thuyền ra khơi từ 7 giờ ngày 21/7/2025. Tổ chức sắp xếp tàu thuyền ở nơi neo đậu xong trước 12h ngày 21/7/2025. Triển khai phương án di dân khu vực cửa sông, ven biển, khu vực dân cư sinh sống, hoạt động tại các bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở không đảm bảo an toàn xong trước 12h ngày 21/7/2025. Tạm dừng các tuyến đò ngang, đò dọc trước 17 giờ ngày 21/7/2025. Tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các tuyến đê trực biển và các vị trí đê, kè đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục; hoàn thành gia cố các vị trí có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ.
Chỉ đạo tổ chức cắt tỉa cây cối, chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn, an ninh các trụ sở cơ quan, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà dân,... Công ty Điện lực Ninh Bình đảm bảo an toàn lưới điện, cung cấp đủ điện bơm tiêu úng cho diện tích sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung đông dân cư. Viễn thông Ninh Bình đảm bảo thông tin liên lạc.
Các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh vận hành hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm phương án chống úng, tiêu kiệt nước đệm, tiêu thoát nước chống ngập úng cho diện tích sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung đông dân cư.

Nhiều diện tích lúa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình bị mất trắng do ngập úng. Ảnh TL
UBND tỉnh Ninh Bình đã Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các xã, phường thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân; đồng thời triển khai trên thực tế phương án bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập, các trọng điểm xung yếu theo phương án đã được phê duyệt theo phương châm “4 tại chỗ”.
Với những nỗ lực, khẩn trương và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể:
Cơ quan chức năng đã kêu gọi toàn bộ 1.861/5.724 tàu lao động trong và ngoài tỉnh, 145 phương tiện/1.023 thuyền viên đã vào nơi tránh bão an toàn; kêu gọi toàn bộ 894 lao động/782 lều chòi tại vùng đầm bãi nuôi trồng thủy sản ngoài đê; 469 cơ sở sản xuất ương dưỡng giống /891 lồng bè trên các sông vào bờ an toàn; di dời 462 hộ dân/1.200 người sống ở các khu chung cư cũ xuống cấp, nhà yếu, nguy hiểm của phường Nam Định đến các điểm tránh trú an toàn; hỗ trợ 3.510 người đến các điểm tránh trú an toàn.
Đến nay, phần lớn các hộ dân đã trở về nhà và ổn định sinh hoạt, sản xuất; còn 19 hộ tại thôn Nhân Phẩm, xã Yên Mạc chưa trở về nhà do khu vực nhà ở nước chưa rút hết.
Các trạm bơm tiêu đã tổ chức bơm tiêu để tiêu nước phục vụ chống úng, ngập cho diện tích sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư. Các cống dưới đê được vận hành để tiêu thoát nước, cống hồ để điều tiết hạ thấp mực nước hồ
Đến thời điểm hiện tại, Ninh Bình không có ghi nhận thiệt hại về người sau bão số 3. Tuy nhiên về nông nghiệp tổng diện tích lúa hiện còn bị ngập tính đến thời điểm 13h ngày 24/7/2025 là: 41.415 ha. (trong đó: ngập trắng: 17.465 ha; phất phơ: 15.520 ha; ngập 2/3: 8.430 ha); nhiều cây lâu năm, cây ăn quả, cây dược liệu, cây đào cảnh bị ngập úng, gãy đổ.
Tỉnh Ninh Bình đã đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo tất cả các ngành đoàn thể chung tay giúp người dân khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão; tập trung huy động lực lượng, phương tiện để tu sửa, khắc phục các sự cố về đê điều, giao thông, xây dựng. Tập trung chỉ đạo xử lý tiêu độc, khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm, không để dịch bệnh xảy ra. Tuyệt đối không chủ quan lơ là; phải theo dõi sát diễn biến thời tiết và tình hình bão, lũ, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ nói chung, trong phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 nói riêng, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục chủ động các phương án, kế hoạch phòng, chống bão lũ. Công tác phòng, chống mưa bão và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, góp phần chung tay phòng ngừa, giảm thiểu hậu quả do bão lũ gây ra.