Ninh Bình: Vững bước tiến đến mục tiêu trở thành 'Đô thị di sản thiên niên kỷ'

Bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Ninh Bình có nhiều khởi sắc, trong đó ngành du lịch bứt phá mạnh mẽ. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh này tiến đến mục tiêu trở thành 'Đô thị di sản thiên niên kỷ' vào năm 2035.

Với sự nỗ lực, kiên trì và đổi mới sáng tạo, trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành trước nhiều mục tiêu của cả giai đoạn. Cụ thể, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) ước đạt gần 26.900 tỷ, tăng 8,19% so với cùng kỳ, vượt kịch bản đã đề ra (theo kịch bản dự kiến tăng 7,1%). GRDP của tỉnh này xếp thứ 12/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Ngành du lịch của tỉnh có sự bứt phá mạnh mẽ, hàng loạt các chương trình nhằm kích cầu du lịch đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Toàn tỉnh đón trên 6,2 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 83,5% kế hoạch năm, doanh thu đạt gần 6.000 tỷ đồng. Qua đó, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Phát triển Ninh Bình trở thành "Đô thị di sản thiên nhiên kỷ". Ảnh: Internet

Phát triển Ninh Bình trở thành "Đô thị di sản thiên nhiên kỷ". Ảnh: Internet

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của Ninh Bình cũng tăng cao về điểm số và thứ bậc. Cụ thể đạt 67,83 điểm, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố và tăng 25 bậc so với năm 2022. Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) đạt 43,39 điểm, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố.

Năm nay, Ninh Bình tiếp tục xác định tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, với mô hình phát triển “xanh”, lấy du lịch làm mũi nhọn, lấy công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản làm đột phá, lấy công nghiệp công nghệ cao làm động lực, nông nghiệp làm trụ đỡ. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành đã quyết liệt bắt tay vào triển khai thực hiện, với nhiều giải pháp hiệu quả.

Mới đây, Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh này hoạch định chính sách, triển khai các nhiệm vụ, tổ chức sắp xếp không gian lãnh thổ, phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh. Từ đó mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới.

Bám sát thực hiện tốt các mục tiêu, Ninh Bình sẽ chung sức, đồng lòng phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định lộ trình phù hợp theo phương châm “tầm nhìn xa, thực hiện từng bước”. Đồng thời huy động giải phóng mọi nguồn lực bảo đảm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định trong quy hoạch, dựa trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển.

Một góc cảnh quan TP.Ninh Bình. Ảnh: Cổng TTĐT Ninh Bình

Một góc cảnh quan TP.Ninh Bình. Ảnh: Cổng TTĐT Ninh Bình

Dự báo 6 tháng cuối năm 2024 còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng tỉnh này vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 8% trở lên; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra. Theo đó, Ninh Bình thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, để trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn.

Thời gian tới, Ninh Bình tập trung hoàn thành và triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển thành phố Hoa Lư; hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; thực hiện Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Đồng thời thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống; hình thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhằm xây dựng, phát triển văn hóa, con người vùng đất cố đô Hoa Lư, tạo nền tảng vững chắc xây dựng Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững; tăng cường các giải pháp quảng bá, xúc tiến du lịch, tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Ninh Bình thúc đẩy phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch. Ảnh: Internet

Ninh Bình thúc đẩy phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch. Ảnh: Internet

Trong chiến lược phát triển, địa phương này cũng xác định đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; thúc đẩy phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, minh bạch hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2024 “Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, hiệu quả thực chất”.

Với những thành tựu đã đạt được cùng sự nỗ lực và quyết tâm cao độ, Ninh Bình đang vững bước tiến đến mục tiêu trở thành “Đô thị di sản thiên niên kỷ”, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035.

Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã khẳng định một tầm nhìn thiên niên kỷ: "Đến năm 2030, Ninh Bình là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng Sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á; cơ bản hình thành đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo".

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ninh-binh-vung-buoc-tien-den-muc-tieu-tro-thanh-do-thi-di-san-thien-nien-ky-90152.html