Ninh Hòa: Cơ sở chế biến gỗ gây ô nhiễm
Từ cuối năm 2019 đến nay, một số hộ ở thôn Tân Khánh 2, xã Ninh Sim đã nhiều lần gửi đơn đến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng phản ánh một cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường.
Từ cuối năm 2019 đến nay, một số hộ ở thôn Tân Khánh 2, xã Ninh Sim đã nhiều lần gửi đơn đến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng phản ánh một cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường. Ngày 21-5, bà Nguyễn Thị Ninh đã đại diện người dân làm đơn, có chữ ký của 14 hộ ở thôn Tân Khánh 2 gửi UBND các cấp và một số đơn vị liên quan, phản ánh từ tháng 10-2019 đến nay, Công ty TNHH Biomass My Nam (gọi tắt là Công ty My Nam) có lập nhà máy xay dăm gỗ làm than nén, hoạt động trong khu dân cư gây ô nhiễm về tiếng ồn, không khí, nguồn nước…; chất thải chưa được xử lý đã thải ra môi trường; thải khói, bụi, khí có chất và mùi độc hại vào không khí; gây tiếng ồn, độ rung; hoạt động 20/24 giờ mỗi ngày làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Tuy các cấp chính quyền đã nhắc nhở, nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa có biện pháp xử lý khắc phục, ngược lại có xu hướng mở rộng quy mô, gây ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Các hộ nơi đây đề nghị các cấp chính quyền, cơ quan liên quan nhanh chóng vào cuộc giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực này.
Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ninh Hòa, qua đơn phản ánh của người dân, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, xác minh và yêu cầu doanh nghiệp khắc phục một số vấn đề. Gần đây nhất, ngày 9-6, UBND thị xã Ninh Hòa đã tổ chức đối thoại với các hộ dân thôn Tân Khánh 2 để giải quyết các phản ánh về hoạt động của Công ty My Nam. Tại đây, người dân tiếp tục phản ánh tình hình khói, bụi, tiếng ồn, hoạt động quá giờ của Công ty My Nam đang ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sinh hoạt.
Tại buổi đối thoại, ông Hồ Lê Xuân Nam - Giám đốc Công ty My Nam trao đổi về quy trình chế biến gỗ của công ty. Trong đó, gỗ nguyên liệu được đưa vào máy băm, sau đó nghiền ra và sấy, ép thành viên dạng nhiên liệu sinh khối (dùng làm nhiên liệu đốt) để xuất khẩu. Doanh nghiệp hoạt động từ 5 giờ đến 21 giờ hàng ngày. Công ty đang làm việc với cơ quan chuyên môn để khắc phục một số vấn đề liên quan đến môi trường, đồng thời cam kết thực hiện một số giải pháp nhằm hạn chế tiếng ồn, khói, bụi.
Chủ trì buổi đối thoại, ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa lúc đó (nay là Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao) yêu cầu Công ty My Nam chỉ hoạt động theo khung giờ đã cam kết, đó là khu vực máy băm hoạt động giờ hành chính (sáng từ 7 giờ đến 11 giờ và chiều từ 13 giờ đến 17 giờ); khu vực máy sấy, nghiền và ép hoạt động từ 5 giờ đến 21 giờ; tiếp thu ý kiến của các cơ quan chuyên môn, nghiên cứu, học hỏi các cơ sở chế biến khác về việc lắp đặt máy băm âm dưới đất để hạn chế tiếng ồn. Đồng thời, thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung theo hồ sơ môi trường mà công ty đã đăng ký; khẩn trương lắp đặt hệ thống lưới xung quanh máy băm, máy ép, nhà xưởng, khắc phục hệ thống phun sương để giảm bụi; tiến hành nâng cao ống khói so với hiện hữu, trong ống khói lắp đặt hệ thống hấp thụ bụi, khí để đảm bảo khí thải đạt chuẩn khi thải ra môi trường. Đặc biệt, công ty khẩn trương đầu tư xây dựng nhà kín bao bọc đối với hệ thống máy băm, có mái che, có cách âm để giảm tiếng ồn, giảm bụi, chậm nhất phải hoàn thành vào ngày 30-7; có giải pháp trồng thêm ít nhất 2 hàng cây xanh bao quanh rào để góp phần thảm thiểu bụi.
UBND thị xã Ninh Hòa cũng giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND xã Ninh Sim và các cơ quan liên quan giám sát, kiểm tra việc chấp hành của công ty trong quá trình thực hiện cam kết. Sau khi công ty hoàn thành việc khắc phục các vấn đề nêu trên, Phòng Tài nguyên và Môi trường thuê đơn vị chuyên môn tiến hành lấy mẫu không khí và tiếng ồn đột xuất tại khu vực các nhà dân xung quanh công ty; đề nghị các hộ dân khu vực này phối hợp, theo dõi việc thực hiện các nội dung mà công ty đã cam kết, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương nếu công ty không chấp hành.
Hồng Đăng