Ninh Hòa: Đề xuất hỗ trợ làng nghề

Nhằm thúc đẩy các nghề truyền thống phát triển hơn nữa, mới đây, thị xã Ninh Hòa đề xuất tỉnh hỗ trợ các làng nghề xây dựng một số hạng mục để phát triển và quảng bá thương hiệu.

Nhằm thúc đẩy các nghề truyền thống phát triển hơn nữa, mới đây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đề xuất tỉnh hỗ trợ các làng nghề xây dựng một số hạng mục để phát triển và quảng bá thương hiệu.

Nghề dệt chiếu cói gặp khó

Năm 2016, UBND tỉnh quyết định công nhận 6 nghề truyền thống, 4 làng nghề và 1 làng nghề truyền thống. Trong đó, tại Ninh Hòa, nghề dệt chiếu cói tại tổ dân phố Mỹ Trạch, phường Ninh Hà được công nhận là nghề truyền thống; trồng hoa cúc tại tổ dân phố Phong Phú 2, phường Ninh Giang được công nhận là làng nghề và chế tác đá mỹ nghệ ở tổ dân phố Phong Phú 1, phường Ninh Giang được công nhận là làng nghề truyền thống.

Người dân phường Ninh Giang chăm sóc hoa cúc.

Người dân phường Ninh Giang chăm sóc hoa cúc.

Theo UBND thị xã Ninh Hòa, trong số 3 nghề kể trên, dệt chiếu cói tại tổ dân phố Mỹ Trạch hiện đang gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, khi được tỉnh công nhận là nghề truyền thống, nơi đây có 26 hộ duy trì nghề dệt chiếu cói. Nhưng đến tháng 2-2020, khu vực này chỉ còn 13 hộ với 26 lao động cầm cự với nghề, thu nhập bình quân khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng, không đủ trang trải chi phí cuộc sống.

Trước những khó khăn này, năm 2018, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ 130 triệu đồng để góp phần bảo tồn nghề dệt chiếu cói nơi đây. Tuy nhiên, UBND phường Ninh Hà không giải ngân được số tiền này do các lao động tham gia nghề dệt chiếu cói đều là lao động có tay nghề, không có nhu cầu tham gia tập huấn đào tạo nghề. Điều các hộ cần là Nhà nước hỗ trợ kinh phí để mua nguyên liệu sản xuất và thuê đất để cải tạo, trồng lại diện tích cói nguyên liệu sản xuất tại chỗ.

Ngoài ra, theo UBND thị xã Ninh Hòa, một trong những khó khăn của sản phẩm chiếu cói thủ công là khả năng cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp còn hạn chế. Thu nhập từ nghề dệt chiếu cói thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu đời sống nên hiện nay, phần lớn lao động đã bỏ nghề đi tìm việc khác, gây khó khăn cho công tác vận động tham gia tập huấn đào tạo nghề để bảo tồn nghề.

Tập trung vào 2 nghề truyền thống

Chế tác đá mỹ nghệ Ninh Giang là làng nghề truyền thống duy nhất của tỉnh tính đến thời điểm này. Theo đánh giá, các sản phẩm của làng nghề này da dạng về mẫu mã, kiểu dáng, tinh xảo về đường nét hoa văn. Nổi bật là các sản phẩm như: bộ bàn đá, đèn đá, lục bình, các con vật trang trí… được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận. Sản phẩm của làng nghề này đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Năm 2019, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ có 98 hộ với 120 lao động tham gia làm nghề, thu nhập mỗi tháng từ 7,5 - 9 triệu đồng/người. Doanh thu khoảng 9 tỷ đồng/năm. Nơi đây cũng đã thành lập 1 tổ hợp tác sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ với 23 thành viên.

Làng nghề trồng hoa cúc tại tổ dân phố Phong Phú 2, Ninh Giang đã hình thành hơn 20 năm. Mỗi năm làng nghề này làm ra từ 150.000 đến 170.000 chậu hoa cúc đại đóa và cúc pha lê. Hiện có khoảng 130 hộ trồng hoa với 260 lao động. Doanh thu hàng năm khoảng 13 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí, nông dân thu lãi khoảng 6 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động từ 4,5 đến 6,5 triệu đồng/tháng. Nghề này cũng hình thành tổ liên kết sản xuất hoa cúc giống, làng nghề đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể Hoa cúc Ninh Giang.

Theo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, sản phẩm hàng hóa ngành nghề nông thôn ngày càng được chú trọng nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng được đòi hỏi của thị trường. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở ngành nghề, làng nghề nông thôn chủ yếu có quy mô hộ gia đình, thiết bị công nghệ sản xuất còn lạc hậu, năng lực trình độ tổ chức quản lý còn hạn chế, thiếu vốn, không có tính liên kết và hợp tác trong sản xuất để tạo nên chuỗi giá trị. Điều này dẫn đến đầu ra sản phẩm gặp khó, không ổn định. Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm làng nghề với sản phẩm công nghiệp khác còn hạn chế.

Qua khảo sát, bên cạnh việc mong muốn được hưởng các chính sách hỗ trợ về vay vốn với lãi suất ưu đãi, các hộ sản xuất tại làng nghề Ninh Giang mong muốn Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển làng nghề trồng hoa cúc và chế tác đá mỹ nghệ. Trong đó, việc xây dựng một trung tâm, điểm bán hàng và trưng bày giới thiệu sản phẩm đá mỹ nghệ và hoa cúc tại Ninh Giang rất cần thiết. Đây không chỉ là nơi trưng bày, quảng bá sản phẩm mà còn trở thành kênh phân phối, giao thương sản phẩm ra thị trường. Ngoài ra, nơi đây cũng đang cần một đường dây điện trung áp dài khoảng 500m và hệ thống kênh dẫn nước khu vực quy hoạch dài khoảng 500m. Tổng mức đầu tư 3 công trình trên khoảng 6,5 tỷ đồng. Qua tính toán, các làng nghề cần ngân sách tỉnh hỗ trợ 4,55 tỷ đồng, còn lại là ngân sách thị xã.

Được biết, hiện các sở, ngành chức năng đang tổng hợp đề xuất, kiến nghị từ các địa phương liên quan đến hỗ trợ nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn toàn tỉnh, làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ.

Hồng Đăng

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/202003/ninh-hoa-de-xuat-ho-tro-lang-nghe-8154366/