Ninh Thuận: Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh tổ chức tọa đàm 'Chữ hiếu trong đạo Phật'
Sáng 10-8, tại chùa Sùng Ân (TP.Phan Rang - Tháp Chàm), Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh tổ chức tọa đàm Phật pháp với chủ đề 'Chữ hiếu trong đạo Phật'.
Chứng minh, tham dự có Hòa thượng Thích Hạnh Thể, Ủy viên Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh; Thượng tọa Thích Hạnh Huệ, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, cùng chư tôn đức Ban Trị sự tỉnh, các ban chuyên môn trực thuộc.
Trước buổi tọa đàm, Đại đức Thích Thông Ngộ, Phó Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh công bố quyết định của Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh chuẩn y nhân sự bổ sung của Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh; Thượng tọa Thích Hạnh Huệ, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã trao quyết định đến các thành viên Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh.
Thượng tọa Thích Minh Tánh, Trưởng ban Tổ chức phát biểu khai mạc buổi tọa đàm nhấn mạnh hạnh hiếu đã bao đời gắn bó với người dân Việt và đã tồn tại với nếp sống của người Việt Nam hơn hai ngàn năm lịch sử; khi hạnh hiếu đến với đạo Phật đã mang một di sản thật đậm nét nhân văn bất hủ trong ý nghĩa "Tâm hiếu tức tâm Phật, hạnh hiếu tức hạnh Phật”.
Ban đạo từ tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Hạnh Thể hoan hỷ khi thấy được Phật giáo tỉnh nhà ngày một khởi sắc; Hòa thượng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hiếu hạnh, là cốt lõi truyền thống nhân văn của dân tộc Việt.
Hòa thượng đã nhắc lại tấm gương đại hiếu của Đức Phật cùng các vị Thánh đệ tử của Ngài, từ đó khơi gợi lại công ơn thù thắng của hai đấng sinh thành và khuyến tấn hàng Phật tử luôn gìn giữ, phát huy tinh thần tri ân, báo ân. Hòa thượng kì vọng qua buổi tọa đàm này, Phật giáo tỉnh sẽ đúc kết, thể hiện và lan tỏa được những giá trị nhân văn cao quý về hạnh hiếu nhân mùa Vu lan này.
Tọa đàm "Chữ hiếu trong đạo Phật”, Thượng tọa Thích Thông Huệ với đề tài: “Lễ hội văn hóa tình người” khẳng định lễ hội là một hoạt động văn hóa, tinh thần của nhân dân được hình thành trong quá trình lịch sử, ngày Vu lan đã trở thành một lễ hội văn hóa truyền thống, là ngày đền ơn đáp nghĩa không chỉ riêng cho những người con Phật mà chung cho cả dân tộc Việt Nam.
Theo Thượng tọa, Đại lễ Vu lan - Báo hiếu là một trong những ngày lễ văn hóa đã in sâu trong tâm hồn mỗi người dân Việt, bởi vì trong lễ này không chỉ là báo ân sanh thành dưỡng dục của cha mẹ mà là lễ hội có ý nghĩa đặc biệt, hướng con người biết tri ân, báo ân đến ông bà, tổ tiên, ân chư vị Tổ sư, ân sư trưởng, ân chúng sanh, ân các anh hùng liệt sĩ, ân Tổ quốc. Đây là lễ hội mang đậm nét truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Tọa đàm với nhiều chia sẻ: Đại đức Thích Nguyên Huấn, Trưởng ban Pháp chế GHPGVN tỉnh với đề tài: Vu lan - Mùa hiếu hạnh; Thượng tọa Thích Hạnh Tú với đề tài: Hoa hồng mùa báo hiếu; cư sĩ Võ Tấn Khanh, Giảng viên Trường Trung cấp Phật học Ninh Thuận, với đề tài: Hiếu tâm và Vu lan; Ni trưởng Thích nữ Mỹ Đức về đề tài: Hiếu đạo vô tận của Bồ-tát Địa Tạng; Ni sư Thích nữ Liên Tuyền, Trưởng ban Kinh tế - Tài chính GHPGVN tỉnh với Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Vu lan; Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thanh Nhị với Chữ hiếu trong học đường.
Dịp này, đối trước chư tôn đức chứng minh, đại diện Ban Tổ chức đã dâng lời tác bạch khánh tuế và cử hành nghi thức bông hồng cài áo tưởng nhớ tứ trọng ân.
Hình ảnh tại buổi tọa đàm "Chữ hiếu trong đạo Phật”: