Ninh Thuận cải thiện rõ nét môi trường đầu tư kinh doanh

Thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về giao thông, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội. Tính đến ngày 30.6.2024, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Ninh Thuận đạt 36,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn mức bình quân cả nước (29,4%); kịp thời giao đất cho các nhà đầu tư triển khai thi công, nhất là các dự án Khu đô thị Phủ Hà, Sông Dinh, Đầm Cà Ná…; môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn được cải thiện rõ nét…

Đó là những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2024 của UBND tỉnh Ninh Thuận được Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam báo cáo tại Kỳ họp thứ 19 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024) của HĐND tỉnh.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 36,3% kế hoạch

6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với 36 nhiệm vụ trọng tâm đột phá; 191 nhiệm vụ cụ thể và 54 công trình/dự án động lực quan trọng. Tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tập trung vào 3 khâu đột phá.

Đại biểu phát biểu tại Hội nghị Gặp mặt doanh nghiệp quý II.2024 của UBND tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: HM

Đại biểu phát biểu tại Hội nghị Gặp mặt doanh nghiệp quý II.2024 của UBND tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: HM

Theo đó, đối với đột phá hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các trọng điểm phát triển. Xác định đây là một trong những nội dung quan trọng để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển, khơi thông nguồn lực đất đai, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024 vào cuối tháng 4.2024; giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, các dự án ưu tiên, không gian phát triển mới của tỉnh, để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh; đồng thời, rà soát các Quy hoạch mang tính chất kỹ thuật chuyên ngành để triển khai lập, hoàn thiện, bảo đảm đồng bộ với Quy hoạch tỉnh; hoàn thiện hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu, hồ sơ Quy hoạch tỉnh; chủ động rà soát các Quy hoạch cấp Quốc gia, quy hoạch vùng đã được phê duyệt, bảo đảm đồng bộ với Quy hoạch tỉnh… Thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về giao thông, cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội.

Về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công gắn với đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng,UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành các Kế hoạch xác định và tập trung chỉ đạo công tác đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gắn với đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong các khâu thủ tục đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án trọng điểm về giao thông, du lịch, các dự án vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các dự án trong khu, cụm công nghiệp. Nhất là đã đẩy nhanh tiến độ các dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải; đường vành đai phía Bắc; đường Tân Sơn đi Tà Năng. Đến nay, Dự án Môi trường bền vững đã hoàn thành cơ bản trước ngày 30.6, chuẩn bị nghiệm thu, bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác vận hành theo quy định, đang tiếp tục hoàn thiện, được Ngân hàng Thế giới đánh giá rất cao quyết tâm của tỉnh; góp phần cải thiện rõ nét hệ thống giao thông, thoát nước, môi trường cho đô thị thành phố Phan Rang - Tháp Chàm... Tính đến ngày 30.6.2024, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt 36,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn mức bình quân cả nước (29,4%).

Đối với đột phá về khơi thông nguồn lực đất đai, đã kịp thời giao đất cho các nhà đầu tư để triển khai thi công, nhất là các dự án Khu đô thị Phủ Hà, Sông Dinh, Đầm Cà Ná…

Địnhkỳ đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn

UBND tỉnh Ninh Thuận tập trung chỉ đạo mạnh mẽ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi, ổn định cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, nhà đầu tư; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu đầu tư với tinh thần “Chính quyền phục vụ - đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân”, xác định “sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp cũng chính là sự thành công của tỉnh”. Mô hình “một cửa” và “một cửa liên thông” đã đạt được những kết quả thiết thực, tạo được sự hài lòng của công dân; rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện các thủ tục đầu tư kinh doanh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam cho biết, UBND tỉnh thành lập 3 tổ công tác gồm: Tổ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các sở, ban, ngành và địa phương; Tổ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; Tổ cải cách TTHC. Đồng thời, chỉ đạo thành lập các Tổ công tác do Giám đốc các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố làm tổ trưởng để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Định kỳ hàng tháng, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp mặt đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Với các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được cải thiện rõ nét. Chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh tăng 19 bậc so với năm 2022, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 02/14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung, nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Các chỉ số CCHC cấp tỉnh năm 2023 tiếp tục được duy trì ổn định, nằm trong nhóm khá của cả nước: chỉ số PAPI vị trí thứ 06; chỉ số SIPAS vị trí thứ 27 và chỉ số PAR INDEX vị trí thứ 36/63 tỉnh, thành phố; hiện chỉ số DTI (chuyển đổi số) chưa công bố.

Thanh Mai

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/ninh-thuan-cai-thien-ro-net-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-i382317/