Ninh Thuận chủ động nguồn nước cho sản xuất vụ mùa năm 2024

Để sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ mùa năm 2024 đạt hiệu quả, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng một số giải pháp điều tiết nước phục vụ sản xuất cho hơn 25.211ha cây trồng các loại trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) có dung tích 219 triệu m3 được xây dựng hiện đại nhất Việt Nam cung cấp nước tưới chủ lực phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Ninh Thuận.(Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) có dung tích 219 triệu m3 được xây dựng hiện đại nhất Việt Nam cung cấp nước tưới chủ lực phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Ninh Thuận.(Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Tính đến ngày 30/8, dung tích nước tại 23 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hơn 139 triệu m3, chiếm 33,4% tổng dung tích thiết kế. Hiện, hồ CK7, huyện Ninh Phước và hồ Ông Kinh, huyện Ninh Hải đã hết nước; các hồ Nước Ngọt, Lanh Ra, Bầu Zôn, Sông Biêu, Suối Lớn và Bầu Ngứ đang dưới mực nước chết. Mực nước tại hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) đang ở cao trình 1.029,97m, tương đương dung tích 62,36 triệu m3, đạt 37,8% so với dung tích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là 24,9%.

Sắp xếp mức độ ưu tiên nguồn nước cấp

Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận Lê Phạm Hòa Bình cho biết, theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, công ty sẽ điều tiết cấp nước theo thứ tự ưu tiên: Nước cho sinh hoạt, dịch vụ của người dân; nước cho vật nuôi; nước cho các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh và nước cho sản xuất nông nghiệp. Trong nông nghiệp, ưu tiên cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao, cây màu và cuối cùng mới đến cây lúa.

Cán bộ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận thao tác kỹ thuật xử lý, điều tiết nguồn nước tại hồ Tân Giang, huyện Ninh Phước để phục vụ cho các vùng sản xuất hưởng lợi từ nguồn nước tưới do hồ Tân Giang cung cấp. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Cán bộ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận thao tác kỹ thuật xử lý, điều tiết nguồn nước tại hồ Tân Giang, huyện Ninh Phước để phục vụ cho các vùng sản xuất hưởng lợi từ nguồn nước tưới do hồ Tân Giang cung cấp. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Theo đó, tổng lượng nước cấp cho sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc vật nuôi và các ngành công nghiệp, dịch vụ trong vụ mùa năm 2024 trên địa bàn tỉnh khoảng 17,65 triệu m3.

Cụ thể, cấp nước sinh hoạt cho người dân là 14,93 triệu m3, lấy nguồn nước tại 9/23 hồ chứa (hồ Sông Cái, Sông Sắt, Trà Co, Sông Trâu, Bà Râu, Ma Trai, Tân Giang, Nước Ngọt, Cho Mo) và các tuyến kênh Tây thuộc hệ thống đập dâng Sông Pha; kênh Nam và kênh Bắc thuộc hệ thống Nha Trinh; cấp nước uống cho gia súc, gia cầm là 1,83 triệu m3 và cấp nước cho dịch vụ-du lịch và công nghiệp là 0,89 triệu m3, lấy nước tại 5/23 hồ chứa (hồ Nước Ngọt, Cho Mo, Sông Trâu, Bà Râu, Núi Một) và các tuyến kênh Bắc, kênh Nam thuộc hệ thống Nha Trinh.

Với tình hình nguồn nước tại các hồ chứa hiện nay và nguồn nước dự kiến được bổ sung đến các hồ chứa trong thời gian tới, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận sẽ tổ chức điều tiết cấp nước tưới cho hơn 25.211ha cây trồng trong vụ mùa năm nay, gồm: 14.406,97ha cây lúa; 8.104,35ha cây màu và 2.700,07ha cây lâu năm.

Tỉnh Ninh Thuận luôn khuyến khích nông dân trồng các loại cây màu ngắn ngày đem lại giá trị kinh tế cao. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Tỉnh Ninh Thuận luôn khuyến khích nông dân trồng các loại cây màu ngắn ngày đem lại giá trị kinh tế cao. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Đối với các hệ thống đập dâng trên sông Ông và Sông Cái, gồm các đập: Bình Phú, 19/5, Đồng F , Sông Pha, Nha Trinh và Lâm Cấm hưởng lợi từ nguồn nước của Nhà máy thủy điện Đa Nhim sẽ điều tiết cấp nước cho toàn bộ diện tích đất sản xuất thuộc khu tưới của các đập dâng với tổng diện tích tưới là hơn 13.725ha (trong đó, có 8.596,96ha cây lúa; 3.929,96ha cây màu và 1.198,27ha cây lâu năm).

Cây nho đang được nhân rộng diện tích tại Ninh Thuận, bởi nho có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập cao cho nông dân nơi đây. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Cây nho đang được nhân rộng diện tích tại Ninh Thuận, bởi nho có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập cao cho nông dân nơi đây. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Riêng hệ thống thủy lợi Tân Mỹ sẽ điều tiết cấp nước tưới cho diện tích đất sản xuất của khu tưới đập dâng Tân Mỹ và tạo nguồn cho trạm bơm Phước Hòa với tổng diện tích tưới là 1.895,61ha cây lúa, cây màu và cây lâu năm; đồng thời, điều tiết cấp nước cho diện tích lúa tại khu tưới Tân Mỹ tập trung của cánh đồng Chà Vum, Nha Húi-Mỹ Hiệp trên địa bàn xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn.

Còn các đập thời vụ và một số trạm bơm trên các sông thuộc huyện Bác Ái và Thuận Bắc sẽ được điều tiết nước để phục vụ sản xuất cho hơn 559ha tại hai huyện nêu trên.

Bảo đảm nước cho sản xuất vụ mùa

Căn cứ lượng nước tại các hồ chứa hiện nay và nguồn nước đến của các hồ chứa khi được bổ sung trong thời gian tới, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận tổ chức điều tiết cấp nước tưới 2 giai đoạn.

Nông dân tỉnh Ninh Thuận thu hoạch lúa vụ hè thu năm 2024 để chuẩn bị sản xuất vụ mùa đúng lịch thời vụ. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Nông dân tỉnh Ninh Thuận thu hoạch lúa vụ hè thu năm 2024 để chuẩn bị sản xuất vụ mùa đúng lịch thời vụ. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Trong giai đoạn 1, từ ngày 25/8 đến ngày 25/9, điều tiết nguồn nước tưới của 7 hồ: Sông Sắt, Trà Co, Cho Mo, Thành Sơn, Núi Một, Ba Chi; Lợi Hải cùng 5 hồ chứa cấp, gồm: Hồ Phước Trung, Phước Nhơn, Sông Trâu, Bà Râu, Tân Giang để tưới cho 7.549,67ha (trong đó, 4.078,55ha cây lúa; 244,17ha cây màu và 1.026,95ha cây lâu năm).

Riêng 6 hồ chứa: Hồ Lanh Ra, Tà Ranh, Bầu Zôn, Sông Biêu, Suối Lớn, Bầu Ngứ đang dưới mực nước chết và lượng nước chưa bảo đảm để triển khai sản xuất thì tập trung tưới cho cây lâu năm, đồng thời sử dụng nguồn nước của các hồ Ma Trai và CK7 để phục vụ cho nước sinh hoạt, nước uống gia súc, vật nuôi.

Nông dân huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) phơi lúa sau khi thu hoạch vụ hè thu năm 2024. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Nông dân huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) phơi lúa sau khi thu hoạch vụ hè thu năm 2024. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Trong giai đoạn 2, nếu trước ngày 5/10, lượng nước các hồ chứa được bổ sung khi có mưa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận sẽ điều tiết cấp nước tại 7 hồ chứa, gồm: Hồ Lanh Ra, Bầu Zôn, Tà Ranh, Tân Giang, Sông Biêu, Bầu Ngứ, Suối Lớn để phục vụ xuống giống giai đoạn 2 có tổng diện tích là 1.481,30ha (trong đó: 1.024,30ha cây lúa và 457ha cây màu).

Khi đó, tổng diện tích cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của các hồ chứa do Công ty quản lý là 9.030,97ha cây lúa, cây màu và cây lâu năm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Đặng Kim Cương cho biết: “Căn cứ cơ cấu cây trồng và khung lịch thời vụ gieo trồng vụ mùa năm 2024, đơn vị đã khẩn trương phối hợp các địa phương liên quan khuyến cáo người dân tập trung thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa, cây màu đã đủ độ chín của vụ hè thu, đồng thời đẩy nhanh tiến độ làm đất kết hợp nạo vét kênh mương nội đồng để tổ chức gieo sạ vụ mùa theo đúng khung lịch chính vụ từ ngày 25/8 đến 25/9, chậm nhất không quá ngày 5/10/2024”.

Theo đó, khu vực sản xuất được thụ hưởng nguồn nước tưới của kênh chính Bắc, kênh chính Nam thuộc hệ thống đập Nha Trinh; kênh Tân Hội thuộc hệ thống đập Lâm Cấm sẽ gieo sạ từ ngày 30/8 đến ngày 25/9, chậm nhất không quá ngày 5/10/2024.

Đối với diện tích sản xuất tại huyện Thuận Nam được điều tiết sử dụng nước tưới từ các hồ Tân Giang, Sông Biêu, Bầu Ngứ, Suối Lớn, CK7, Núi Một và các xã Phước Hữu, Phước Dân, huyện Ninh Phước sử dụng nước tưới của hồ Tân Giang thì thời gian gieo sạ lúa vụ mùa sớm hơn so với vụ mùa chính vụ khoảng 10-15 ngày, tùy vào tình hình thời tiết thực tế tại địa phương và lượng nước được bổ sung tại các hồ chứa

Tại huyện Thuận Bắc, sử dụng nước tưới của các hồ Sông Trâu, Bà Râu, Ba Chi, Lợi Hải thì thời gian gieo sạ lúa vụ mùa muộn hơn so với vụ mùa chính vụ khoảng 10-15 ngày (từ ngày 25/8 đến ngày 5/10).

“Tại những vùng trũng thường bị ngập úng khi xuất hiện lũ hoặc không kịp thời vụ mùa 2024, sẽ phối hợp cùng địa phương rà soát, thống nhất chuyển sang gieo trồng vụ đông xuân 2024-2025 sớm, để bảo đảm sản xuất đạt hiệu quả. Kiên quyết, không điều tiết nước đối với diện tích gieo trồng ngoài kế hoạch và các vùng không chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo kế hoạch”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Đặng Kim Cương, nói.

NGUYỄN TRUNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ninh-thuan-chu-dong-nguon-nuoc-cho-san-xuat-vu-mua-nam-2024-post827862.html