Ninh Thuận có loại nhựa cây ăn như tổ yến, giá bán từ 220 nghìn đồng/kg
Là một loại nhựa cây nhưng khi ăn khá giống với tổ yến, có tác dụng giải nhiệt vào mùa hè nóng nực nên rất nhiều người tìm mua bằng được.
Thời gian gần đây, khi cả nước bước vào những ngày nắng nóng cao điểm của mùa hè, trên thị trường xuất hiện một loại thức uống giải khát thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, đó là mủ trôm.
Đặt mua thử 5 lạng mủ trôm với giá 110 nghìn đồng, chị Bùi Thị Thơm, trú tại Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, khi xem mấy video ngắn trên mạng xã hội, chị thấy mọi người thi nhau mua mủ trôm về pha nước uống cho mát, giải nhiệt, nhìn hấp dẫn nên chị cũng đặt mua luôn.
Mủ trôm nấu cùng hạt chia và táo đỏ, kỷ tử, ăn rất tốt cho sức khỏe. (Ảnh: Ngân Ngân).
“Tôi về làm theo hướng dẫn, chế biến đủ món để uống như mủ trôm hạt chia táo đỏ, mủ trôm đường phèn, mủ trôm lá dứa, mủ trôm sương sáo, cả nhà ai cũng thích. Thức uống ngon thế này mà giờ tôi mới biết”, chị Thơm cho hay.
Theo chị Thơm, mủ trôm pha nước uống có vị ngọt thanh mát gần giống với nước yến sào pha sẵn bán theo lọ, dai giòn, sần sật, khi ăn rất đã miệng, có thể thay thế cho các loại thạch, trân châu.
“Trước đây tôi đọc mấy bài quảng cáo bán yến sào chưng sẵn có cam kết không pha trộn mủ trôm thì không hiểu mủ trôm là gì. Giờ được ăn thử mới thấy đúng là giống tổ yến thật”, chị Thơm nói.
Mủ trôm được tạo hình và phơi trên giá cao. (Ảnh: Cúc Hoa).
Nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng, mủ trôm cũng được rao bán trên các chợ online khá rầm rộ với giá từ 150-350 nghìn đồng/kg dưới dạng thanh dài, thái hạt lựu hoặc dạng bột.
Bán mủ trôm với giá 180 nghìn đồng/kg, chị Cúc Hoa, trú tại Ninh Thuận cho biết, mủ trôm được coi là đặc sản của vùng đất Ninh Thuận, là nhựa tiết ra từ vỏ và thân của cây trôm.
“Mủ trôm có giá trị dinh dưỡng xếp sau yến tự nhiên nhưng giá thành mủ trôm lại cực kỳ rẻ, còn yến lại là món quà xa xỉ không phải ai cũng có điều kiện để dùng được. Mủ trôm giúp ăn ngon, ngủ ngon, thanh nhiệt cơ thể”, chị Hoa nói.
Mủ trôm trở thành thức uống được nhiều người tìm mùa thời điểm mùa hè.
Theo chị Hoa, để chế biến mủ trôm, khi mua về phải rửa sơ rồi ngâm với nước lạnh từ 12-15 giờ. Sau đó, lấy lá dứa đun sôi, cho đường phèn vào, khuấy đều và tắt bếp. Mủ trôm cho vào chai, cất vào ngăn mát tủ lạnh uống sẽ ngon hơn.
Trồng 1.000 cây trôm lấy mủ tại vườn nhà vẫn không đủ bán, chị Nguyễn Thị Thúy Ngân, trú tại Lương Cang, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) cho biết, cây trôm phải trồng trên 4 năm mới cho khai thác mủ, một năm chỉ thu hoạch được 2 lần.
Chị Ngân bên vườn trôm của gia đình.
“Những tháng cây trôm rụng lá, thay lá và những tháng mùa mưa là không thu hoạch được mủ trôm. Để thu hoạch mủ, người trồng phải cạo vỏ cây rồi đục lỗ vào thân cây ở nhiều vị trí khác nhau, gắn chai nhựa vào để hứng”, chị Ngân phân tích.
Theo chị Ngân, để thu hoạch được mủ trôm chất lượng tốt nhất thì mủ trôm khi khai thác tại cây phải được làm rất kỹ từ công đoạn đục lỗ, gắn ống để tránh bụi bẩn. Sau khi lấy mủ về sẽ lại phải làm sạch một lần nữa mới tạo hình, mang đi phơi dẻo trên mâm hoặc giá cao cho sạch sẽ.
Để thu hoạch mủ trôm, cần khoan lỗ trên thân cây và gắn chai nhựa lên. (Ảnh: Ngân Ngân).
Phơi dẻo xong, mủ trôm được mang vào cắt để tạo hình ra nhiều mẫu như thanh dài, cắt đoạn ngắn hoặc cắt hạt lựu, tùy theo đơn đặt hàng của khách. Tất cả các công đoạn phải thật sạch sẽ để ra thành phẩm tốt nhất.
“Từ 3kg mủ trôm tươi mới được thành phẩm 1kg mủ trôm khô. Vậy nên để làm ra được sản phẩm mủ trôm sạch thì chi phí sản xuất cũng rất cao. Vườn nhà tôi mỗi đợt thu hoạch được tầm 4 tạ mủ trôm, bán lẻ với giá 220 nghìn đồng/kg nhưng vẫn không đủ bán”, chị Ngân thông tin.
Mủ trôm thành phẩm có màu trắng đục, sạch sẽ và thơm ngon. (Ảnh: Ngân Ngân).
Mủ trôm có nhiều loại nhưng ngon nhất là loại mới thu hoạch, phơi khô kỹ, có màu trắng đục và quan trọng là phải sạch. Không mua loại có màu vàng đục vì có khả năng mủ trôm để lâu hoặc bảo quản không tốt, bị ẩm mốc, có vị chua không ngon. Nên mua ở các địa chỉ uy tín, tin cậy để tránh mua phải mủ trôm kém chất lượng.