Ninh Thuận đặt mục tiêu lựa chọn nhà đầu tư Dự án LNG Cà Ná trong quý II/2024
Ninh Thuận đặt mục tiêu lựa chọn và phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư Dự án LNG Cà Ná trong quý II/2024. Dự án đã được điều chỉnh vốn đầu tư thành 51.793 tỷ đồng (tương đương 2.238 triệu USD).
UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong năm 2024, ngành năng lượng là một trong 6 ngành, lĩnh vực trọng tâm được địa phương ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng.
Để phát triển năng lượng, Ninh Thuận đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án năng lượng đã có trong Quy hoạch Điện VIII. Theo đó, điện gió tập trung vào 6 dự án đang triển khai gồm Nhà máy điện gió Công Hải 1 - giai đoạn 1 (3 MW); Nhà máy điện gió Công Hải 1 - giai đoạn 2 (25 MW); Nhà máy điện gió Việt Nam POWER số 1 (30 MW); Nhà máy điện dùng năng lượng tái tạo Phước Nam - Enfinity - Ninh Thuận (65 MW); Nhà máy điện gió Đầm Nại 3 (39,4 MW) và Đầm Nại 4 (27,6 MW).
Thủy điện tập trung hoàn tất thủ tục đối 2 dự án là Nhà máy Thủy điện Thượng Sông Ông 2 (7 MW) và Nhà máy Thủy điện Phước Hòa (22 MW).
Đối với dự án điện mặt trời, địa phương hoàn thành Dự án Điện mặt trời Phước Thái 2 và 3 (tổng công suất 120 MW, đã tổ chức triển khai thi công trong tháng 12/2023); hoàn tất thủ tục kêu gọi đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Trung (40 MW) và Phước Hữu 2 (184 MW).
Đáng chú ý, UBND tỉnh Ninh Thuận đề ra mục tiêu lựa chọn và phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư Dự án LNG Cà Ná trong quý II/2024.
Liên quan đến dự án này, ngày 22/10/2023, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ký quyết định số 1419 về điều chỉnh sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án. Theo đó, Dự án LNG Cà Ná có tổng chi phí thực hiện dự án là 51.793 tỷ đồng (tương đương 2.238 triệu USD).
Được biết, theo Quyết định số 2162, ngày 8/12/2020 của UBND tỉnh Ninh Thuận, Dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW có tổng vốn đầu tư khoảng hơn 49.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Thuận đôn đốc tiến độ khởi công công trình chính của Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái (1.200 MW); kêu gọi đầu tư Dự án Nhà máy thủy điện tích năng Phước Hòa (1.200 MW).
Đồng thời, UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay, địa phương cũng kiến nghị Bộ, ngành Trung ương liên quan về ưu tiên kế hoạch vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng truyền tải điện 500 kV, 220 kV, đặc biệt là các dự án lưới điện quan trọng để truyền tải điện vào khu vực miền Nam (đường dây 500 kV Ninh Sơn - Chơn Thành và trạm biến áp 500 kV Ninh Sơn; đường dây 500 kV từ trạm biến áp 500 kV Thuận Nam; trạm biến áp 500 kV Ninh Sơn).
Trong năm 2023, ngành năng lượng tăng 16,14% và đóng góp 2,59% GRDP cho tỉnh Ninh Thuận. Các dự án năng lượng chuyển tiếp tại tỉnh Ninh Thuận đã khai thác với tổng công suất 485 MW gồm Dự án Điện mặt trời Thuận Nam - Trung Nam (172 MW); Điện mặt trời Thiên Tân 1.2, 1.3, 1.4 (200 MW); Điện gió Habaram (93 MW); Thủy điện Mỹ Sơn (20 MW).
Hạ tầng truyền tải điện được triển khai như đường dây 110kV 174 Tháp Chàm - Ninh Phước; đường dây mạch 2 Ninh Phước - Tuy Phong - Phan Rí; cải tạo nâng tiết diện đường dây 110 kV Đa Nhim - Hạ Sông Pha - Ninh Sơn - Tháp Chàm; cải tạo nâng tiết diện đường dây 110 kV Đa Nhim - Trạm 220 kV Tháp Chàm; đường dây 110 kV trạm 220 kV Tháp Chàm - Ninh Phước; đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm.
Song, UBND tỉnh Ninh Thuận vẫn nhìn nhận, ngành năng lượng vẫn gặp khó khăn do cơ chế giá điện gió, điện mặt trời và kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII chưa ban hành ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và triển khai các dự án năng lượng mới.