Ninh Thuận gỡ khó để đưa dự án hồ chứa Sông Than vào tích nước chống hạn

UBND tỉnh Ninh Thuận đang giải quyết các khó khăn để sớm đưa dự án hồ chứa nước Sông Than tích nước chống hạn.

Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận kiểm tra tiến độ thi công dự án Hồ chứa nước Sông Than. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận kiểm tra tiến độ thi công dự án Hồ chứa nước Sông Than. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Dự án Hồ chứa nước Sông Than (ở xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn) là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận có vốn đầu tư trên 1.040 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm B, thời gian thực hiện được duyệt từ năm 2018 - 2022. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án bị tác động bởi một số nguyên nhân bất khả kháng, làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện và giải ngân vốn. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư và tiến độ dự án, tỉnh Ninh Thuận thống nhất điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn và điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2022 thành từ năm 2018 - 2024.

Đập tràn xả lũ hồ chứa nước Sông Than đang được các nhà thầu gấp rút thi công. Ảnh: TTXVN phát

Đập tràn xả lũ hồ chứa nước Sông Than đang được các nhà thầu gấp rút thi công. Ảnh: TTXVN phát

Dự án hồ chứa nước Sông Than do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư, được xây dựng với quy mô dung tích trên 85 triệu m3 nước. Đây là công trình thủy lợi có dung tích thiết kế lớn thứ 2 trong tổng số 23 hồ chứa hiện có trên địa bàn tỉnh.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, lẽ ra dự án được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án xuất hiện tiêu chí dự án quan trọng quốc gia do thực hiện chuyển đổi trên 431 ha đất rừng; trong đó có 112 ha đất rừng phòng hộ. Theo đó, từ năm 2018 tỉnh hoàn tất các thủ tục chuyển đổi rừng trình Quốc hội. Đến ngày 17/11/2020 Quốc hội mới đồng ý chuyển mục đích diện tích đất rừng trên để thực hiện dự án tại Nghị quyết số 135/2020/QH14.

Thi công đập tràn xả lũ hồ Sông Than. Ảnh: TTXVN phát

Thi công đập tràn xả lũ hồ Sông Than. Ảnh: TTXVN phát

Sau khi Quốc hội đồng ý chủ trương, UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp tục trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, thẩm định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác. Đến cuối năm 2023 mới được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết tại Công văn số 682/TTg-NN ngày 26/7/2023.

Bên cạnh đó, dự án có diện tích và số lượng hộ dân thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng khá lớn, quá trình thực hiện xảy ra tranh chấp, phải thực hiện quy trình giải quyết khiếu kiện, khiếu nại kéo dài. Đến nay, dự án còn 6 hộ chưa nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự án cũng triển khai trong thời điểm cao điểm bùng phát đại dịch COVID, việc giãn cách xã hội dẫn đến thiếu lao động, khó khăn trong việc huy động thiết bị thi công.

Thi công đập tràn xả lũ hồ Sông Than. Ảnh: TTXVN phát

Thi công đập tràn xả lũ hồ Sông Than. Ảnh: TTXVN phát

Hơn nữa, địa tầng tại các mỏ vật liệu khi khai thác thực tế có sự biến thiên rất lớn về chiều dày và tính chất cơ lý… nên trữ lượng và chất lượng đất đắp đập chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó phải khảo sát, đánh giá bổ sung các mỏ vật liệu mới làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Ngoài ra, nhà thầu thi công cũng gặp khó khăn về tài chính nên không đáp ứng được tiến độ thi công được duyệt.

Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay, để tiếp tục triển khai hoàn thành dự án, ngày 14/3/2024 UBND tỉnh có văn bản số 1123/UBND-KTTH đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn thực hiện dự án sang năm 2024; đồng thời bổ sung kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 vốn ngân sách Trung ương cho dự án để đủ điều kiện bố trí vốn và đã được chấp thuận.

Cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh tỉnh Ninh Thuận đã có Quyết định số 556/QĐ-UBND về việc tạm ứng ngân sách tỉnh năm 2024 cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh để thực hiện dự án này. Theo đó, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-HĐND điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ngày 10/6/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 340/QĐ-UBND về việc phân bổ chi tiết kế hoạch năm 2024 vốn ngân sách địa phương vào cơ cấu tổng mức đầu tư dự án với kinh phí 68.341 triệu đồng để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án trước mùa mưa lũ năm 2024.

Ông Lê Xuân Toàn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, khó khăn lớn nhất đối với dự án là về chuyển đổi đất rừng, về vốn đầu tư đã được cơ bản giải quyết. Ban Quản lý dự án yêu cầu các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công là lập kế hoạch thi công chi tiết trình chủ đầu tư và các đơn vị.

Vì thời gian để hoàn thành dự án không còn nhiều, chỉ khoảng 4 tháng nữa, do vậy Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong việc theo dõi, giám sát tiến độ thi công của các nhà thầu, so sánh khối lượng thực hiện hằng ngày trên công trường với tiến độ lập kế hoạch của nhà thầu thi công, nếu chậm trễ Ban Quản lý dự án sẽ có phương án xử lý. Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị tư vấn thường xuyên có mặt tại công trình để theo dõi, giám sát chất lượng công trình, xử lý xuyên suốt những vấn đề phát sinh trong quá trình thi công.

Đối với vướng mắt về bồi thường, giải phóng mặt bằng của 6 hộ dân còn lại trong vùng ngập của lòng hồ chứa nước Sông Than, với diện tích khoảng 16 ha, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận sẽ cùng với UBND huyện Ninh Sơn tiếp tục tuyên truyền, vận động những hộ dân sớm bàn giao mặt bằng. Đồng thời sẽ có biện pháp cưỡng chế nếu có trường hợp cản trở dự án thi công, gây khó khăn và chậm tiến độ thi công dự án.

Hiện nay, dự án đã giải ngân đạt trên 988 tỷ đồng, bao gồm cả vốn phân bổ từ ngân sách địa phương; khối lượng thực hiện các hạng mục xây lắp của toàn công trình đạt khoảng 92%. Cụ thể, hạng mục đập đất, cống xả sâu kết hợp dẫn dòng, đập phụ 1, đập phụ 2, kênh thông hồ, đường tránh ngập lòng hồ; nhà quản lý, hàng rào; đập bê tông không tràn thuộc đoạn tiếp giáp đập đất dài 162m đã thi công hoàn thành. Riêng phần bê tông mặt đường kết hợp quản lý và đường vào hành lang; nhà chứa máy phát điện, hệ thống điện chiếu sáng mặt đập và hệ thống xi lanh chưa thể triển khai xây dựng, do phần đập bê tông thi công chưa xong.

Dự án hồ chứa nước Sông Than sau khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết cơ bản tình trạng thiếu hụt nguồn nước trước tác động ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu; phục vụ nước tưới cho khoảng 4.500 ha đất canh tác và nước sinh hoạt ổn định cho khoảng 20.000 hộ dân ở vùng hạ lưu của huyện Ninh Sơn.

Đồng thời, công trình một khi hoàn thành sẽ là điều kiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ là Cơ quan phát triển Pháp (AFD) trong việc chấp thuận tài trợ cho dự án “Chống hạn, xói lở, ngập lụt thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Ninh Thuận”. Cụ thể là việc xây dựng tuyến ống dài khoảng 20 km nối liên thông dẫn nước từ hồ Sông Than tiếp nước bổ sung cho các hồ Tà Ranh và hồ Bầu Zôn (huyện Ninh Phước), đảm bảo ổn định nước tưới cho trên 1.500 ha đất canh tác của các hồ. Đặc biệt góp phần tạo nguồn cấp nước phục vụ cho nhu cầu dùng nước của người dân, nước phục vụ cho công nghiệp và dịch vụ du lịch ở vùng phía Nam tỉnh.

Công Thử/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ninh-thuan-go-kho-de-dua-du-an-ho-chua-song-than-vao-tich-nuoc-chong-han/337185.html