Ninh Thuận hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh
Hội Nông dân các cấp tỉnh Ninh Thuận phối hợp các ngành, đơn vị, địa phương tuyên truyền, vận động hội viên đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; mở lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi và các hoạt động dịch vụ nông nghiệp, tạo điều kiện giúp hội viên xây dựng mô hình sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập.
Hội Nông dân các cấp tỉnh Ninh Thuận phối hợp các ngành, đơn vị, địa phương tuyên truyền, vận động hội viên đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; mở lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi và các hoạt động dịch vụ nông nghiệp, tạo điều kiện giúp hội viên xây dựng mô hình sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập.
Nhiều mô hình liên kết sản xuất chuyên canh được hình thành. Các hợp tác xã, tổ hợp tác từng bước phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Theo Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, hai năm qua, Hội Nông dân các cấp đã giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giải quyết cho gần 750 lượt hộ vay vốn triển khai 70 dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản và dịch vụ với tổng dư nợ hơn 20 tỷ đồng. Hội thực hiện tín chấp với các ngân hàng giúp hội viên vay vốn với tổng dư nợ đến nay là hơn 1.500 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã xây dựng được 38 mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp do các hợp tác xã triển khai. Các mô hình liên kết sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi, góp phần hình thành nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù được gắn sao OCOP cấp tỉnh như: Nho NH 01-152 Thái An; hành tím Thanh Hải; táo mật Ninh Sơn; trà măng tây Linh Ðan; rượu vang Ba Mọi... Qua đó, thương hiệu sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương đã được xây dựng.
Năm 2021, Hội Nông dân tỉnh tăng cường phối hợp các sở, ngành, ngân hàng, doanh nghiệp để tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ hội viên vay vốn, hỗ trợ thiết bị, vật tư nông nghiệp; tạo điều kiện giúp hội viên đẩy mạnh liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín; kết hợp mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi... để nhân rộng cách làm hay, mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả cao; xây dựng các chương trình, kế hoạch hỗ trợ hội viên khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh.
Quảng Ninh kích cầu du lịch
Tập trung đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết của HÐND tỉnh về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch năm 2021, chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp tại Quảng Ninh đồng loạt thực hiện các gói kích cầu du lịch, nhằm thu hút khách nội địa ngay khi mở lại các hoạt động du lịch, dịch vụ. Trong đó, tỉnh tiếp tục áp dụng miễn, giảm giá vé tham quan vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh (thành phố Hạ Long), Khu Di tích và danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí) trong năm 2021. Du khách tham quan các điểm du lịch này sẽ được giảm giá vé từ 50 đến 100% tùy từng thời điểm. Ðồng thời, tỉnh tiếp tục hỗ trợ vé tuyến xe buýt từ Cảng hàng không quốc tế Vân Ðồn đến Hạ Long, Dốc Ðỏ (Uông Bí) và ngược lại.
Nhiều doanh nghiệp du lịch dịch vụ tung ra các gói kích cầu mới nhằm thu hút du khách. Từ ngày 11-3, Quảng Ninh cho phép mở lại hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, đồng thời mở lại các hoạt động du lịch, khuyến khích thu hút du khách từ các tỉnh trong cả nước (trừ những vùng, địa phương có dịch). Các cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí như rạp chiếu phim, quán bar, dịch vụ in-tơ- nét, trò chơi điện tử, vũ trường, ka-ra-ô-kê trên địa bàn tỉnh (trừ thị xã Ðông Triều) được phép hoạt động, nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tỉnh Quảng Ninh.
Với gói kích cầu được ban hành từ đầu năm 2021, cùng với việc lên kế hoạch triển khai chuỗi 150 sự kiện, hoạt động văn hóa, giải trí, thể thao và sự chung tay của các doanh nghiệp, Quảng Ninh mở rộng thị trường khách nội địa để sớm phục hồi ngành du lịch. Quý I-2021, Quảng Ninh phấn đấu đón hơn một triệu lượt du khách.