Ninh Thuận khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở đê kè
Do triều cường tác động mạnh, thời gian qua, nhiều đoạn đê, kè ven sông, ven biển ở các địa phương của tỉnh Ninh Thuận đã xảy ra tình trạng sụt lún, sạt lở nhiều.
Trong khi đó, thời điểm này tỉnh Ninh Thuận đang vào mùa mưa bão. Nếu không khẩn trương xử lý, khắc phục kịp thời, nguy cơ mất an toàn đến tính mạng và tài sản của người dân sinh sống dọc theo tuyến đê kè sẽ khó tránh khỏi.
Tại cảng cá Cà Ná mở rộng thuộc xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, hơn 15m kè K3 đã bị sạt lở mái và ống buy gia cố chân kè. Còn tại tuyến đê kè biển ở phường Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, theo khảo sát của chính quyền địa phương, hiện nay có 13 điểm sạt lở, trong đó có 6 điểm sạt lở mới trên địa bàn các khu phố 7, 8, 9, 10 với diện tích gần 50 m2 và 7 điểm sạt lở từ các năm trước, nhưng chỉ được khắc phục tạm thời, có nguy cơ tiếp tục sụt lún.
Ông Phạm Văn Định, ở khu phố 1, phường Đông Hải, cho biết tình trạng sạt lở đê biển ở Đông Hải liên tục xảy ra hàng năm. Dưới tác động của triều cường, sóng biển đánh thẳng vào mạn kè cuốn lớp cát, đá trong thân và đế kè ra ngoài, tạo thành những khoảng trống lớn. Thời điểm này đang vào mùa mưa bão nên người dân rất lo sợ, nếu xảy ra sạt lở lớn sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của hơn 1.400 nhân khẩu ở địa phương.
Theo UBND phường Đông Hải, thực tế tuyến đê, kè ven biển ở địa phương được xây dựng từ rất lâu, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Thời gian qua, UBND tỉnh đã giao cho Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) thực hiện tu sửa, khắc phục các điểm sạt lở nhưng mỗi khi biển động, triều cường tác động mạnh lại gây sạt lở ở những điểm khác. Vì lẽ đó, người dân sinh sống ven đê rất hoang mang, lo lắng mỗi khi có tin bão lũ về.
Không chỉ sạt lở đê, kè ven biển, tình trạng bờ sông sạt lở cũng xảy ra khá nhiều. Tại bờ hữu và bờ tả của sông Lu 1, thuộc khu phố 1, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, hiện có 3 đoạn bị sạt lở từ 80-100 m. Còn tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, bờ hữu suối Giang cũng bị sạt lở khoảng 500 m, ảnh hưởng đến đời sống và tính mạng người dân.
Theo bà Trương Thị Thanh Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân trong vùng bị sạt lở, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư xây dựng công trình gia cố đoạn đê phường Đông Hải và đê bảo vệ bờ biển thôn Phú Thọ, phường Đông Hải; đồng thời xử lý khẩn cấp, khắc phục lại vị trí sạt lở, không để tình trạng sạt lở lan rộng.
Chủ đầu tư là Chi cục Thủy lợi đang đốc thúc đơn vị thi công khẩn trương sửa chữa, gia cố lại 5 vị trí sạt lở mái đê phía biển phường Đông Hải bị sụt lún và bong tróc với diện tích hơn 240 m2; đổ lại bê tông mặt đường M250 dày 20 cm tại vị trí K0+862 với diện tích hơn 37 m2. Bên cạnh đó, đơn vị chức năng gia cố đoạn đê bị sạt lở tại thôn Phú Thọ bằng bê tông độn đá hộc, để đảm bảo an toàn công trình và đời sống người dân trong mùa mưa bão.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão. Về lâu dài, UBND tỉnh Ninh Thuận cần có giải pháp hữu hiệu, tính toán đầu tư bài bản để sửa chữa, nâng cấp toàn bộ các tuyến đê, kè cũ kỹ, nhất là tại các vùng xung yếu để tránh tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra.