Ninh Thuận nhộn nhịp mùa nông sản phục vụ Tết
Những ngày này, nông dân tỉnh Ninh Thuận đang dồn lực chăm sóc vườn trồng các loại rau, củ, quả, hoa kiểng… để bán vào dịp vui đón Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 với hy vọng thu hoạch đạt năng suất cao, bán được giá, tăng thu nhập để mua sắm, vui xuân đầm ấm.
Nay, hàng trăm héc-ta đất cát cằn cỗi ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) được phủ một mầu xanh tươi tốt của cây măng tây xanh, củ cải trắng,…
Màu xanh ở vùng rau, củ, quả
Trong vụ sản xuất nông sản để cung ứng vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, nông dân xã An Hải trồng hơn 800ha các loại cây măng tây xanh, hành lá, đậu phụng, cà rốt, củ cải trắng, cà chua,…; xã cũng đã hình thành vùng trồng rau an toàn rộng 300ha, trong đó, có 100ha cây măng tây xanh được công nhận sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả mô hình tưới nước tiết kiệm, nên đạt năng suất cao.
Nông dân Báo Lâm Truyền ở thôn Tuấn Tú trồng 4 sào (4.000m2) cây củ cải trắng, chia sẻ: “Vườn cải hơn một tháng tuổi đang phát triển củ, sẽ thu hoạch vào đúng dịp giáp Tết. Mấy hôm nay, thương lái tìm đến đặt cọc để thu mua với giá từ 3 – 4.000 đồng/kg, nhưng tôi chưa bán, vì giá có thể tăng lên 5 – 6.000 đồng/kg vào những ngày cận tết. Dự tính sẽ thu hoạch khoảng 10 tấn củ. Với giá bán 5.000 đồng/kg, tôi lãi hơn 20 triệu đồng”.
Ông Từ Văn Hay, Phó giám đốc Hợp tác xã Tuấn Tú cho biết: Giá măng tây xanh đang ổn định từ 45-50.000 đồng/kg. Mỗi ngày, hợp tác thu mua từ 150 – 200kg để cung ứng cho thị trường. Vào những ngày cận tết, sẽ thu mua khoảng 300kg/ngày để giao cho khách hàng đã ký kết hợp đồng thu mua.
Hàng trăm hộ ở xã An Hải phấn khởi trước những vườn trồng cà rốt, hành, ngò rí…. xanh tốt, thương lái đặt cọc thu mua giá cao hơn năm trước, đem lại thu nhập cao.
Tối 15/1, tại cánh đồng trồng cây kiệu ở xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn chợt bừng sáng bởi hàng trăm lao động đội trên đầu những chiếc đèn pin tỏa ra các luống trồng, những chiếc đèn pin cứ lúc lắc theo bước chân những người nhổ củ kiệu, quét hàng trăm luồng ánh sáng đan xen nhau rọi xuống những luống trồng kiệu, hòa cùng tiếng cười, nói, giọng hát, đã tạo nên bức tranh nghệ thuật độc đáo giữa màn đêm rộng lớn trên vùng sơn cước, rất thú vị.
Chủ vườn Huỳnh Phước trồng 2ha, cho biết: “Cây kiệu trồng quanh năm, nhưng vụ đông–xuân là vụ chính. Vốn đầu tư từ 300-330 triệu đồng/ha, sau 5 tháng chăm sóc, thu hoạch bình quân từ 10-30 tấn củ/ha. Do đặc trưng riêng, nên phải thu hoạch vào ban đêm thì chất lượng thơm ngon, độ cay nồng của củ kiệu mới được giữ rất lâu. Đây là đợt thu hoạch cao điểm nên tôi thuê hơn 100 lao động xuống đồng hai đêm liền, mới thu hoạch xong”.
Cây kiệu được nhổ lên khỏi luống trồng và cắt tỉa rễ chỉ để giữ lại củ, chủ vườn trả công 3.000 đồng/kg, mỗi buổi tối có thể nhổ từ 100-130kg/người (tùy theo củ kiệu to hoặc nhỏ), nhiều lao động có thêm việc làm lúc nhàn rỗi, tăng thêm thu nhập.
Vào thời điểm tháng 11/2023, thương lái thu mua củ kiệu loại một, loại hai từ 33 – 35.000/kg, hiện, giảm xuống còn từ 22 – 28.000/kg. Theo nông dân, có thể do suy thoái kinh tế, nên số lượng đơn hàng từ các tỉnh phía nam giảm gần 50%.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn huyện Ninh Sơn Dương Đăng Minh cho biết: Với diện tích từ 100-200 ha/năm, cây kiệu là một trong những cây trồng chủ lực của nông dân tại địa phương.
Tạo dáng cho cây nho kiểng
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Đặng Kim Cương, cho biết: “Toàn tỉnh có hơn 1.060 ha trồng nho, sản lượng khoảng 26.500 tấn quả/năm, định hướng đến năm 2030 sẽ tăng lên 2.000 ha, trong đó đẩy mạnh nhân rộng trồng các giống nho mới để hình thành các vùng trồng nho chất lượng. Từ lợi thế cây đặc thù, chủ các vườn nho đã đầu tư làm nho kiểng bằng cách tạo hàng nghìn chậu nho kiểng mi–ni có nhiều hình dáng mới lạ để phục vụ người dân có nhu cầu trưng nho kiểng vào dịp Tết. Khoảng 5 trở lại đây, bên cạnh cây mai, đào, quất…, cây nho kiểng là sản phẩm được nhiều người ưa chuộng để trong nhà vào ngày Tết.
Thường thì trước Tết Nguyên Đán khoảng ba tháng, nhiều vườn nho đã nhộn nhịp đón khách đến đặt hàng nho kiểng để trưng vào ngày Tết. Theo đó, các “nghệ nhân chân đất” chọn những cây nho có thân, cành, lá khỏe để uốn thân, cành,… tạo ra những kiểu dáng độc, lạ, tiếp đó, trồng cây nho vào chậu kiểng, chăm sóc cho cây đơm hoa, kết quả rồi giao cho khách hàng vui xuân.
Anh Nguyễn Ngọc Hoài ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, thành viên của Hợp tác xã nho A8 tại địa phương cho biết: “Hợp tác xã đã chuẩn bị hơn 8.000 chậu nho kiểng lớn, nhỏ tạo nhiều dáng khác nhau, như: chậu nho ba tầng, chậu nho có hình trụ điện gió, điện mặt trời để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế về phát triển năng lượng xanh, sạch của Ninh Thuận trong thời gian qua và đang hướng đến trở thành trung tâm năng lượng quốc gia. Giá thấp nhất là 400.000 đồng/chậu và cao nhất là 4 triệu đồng/chậu”.
Năm nay, các nhà vườn chọn các giống nho đỏ, nho hồng nhật có màu sắc sặc sỡ, hấp dẫn để tạo dáng nho kiểng đẹp, giữ được lượng khách hàng ổn định, nên nông dân rất phấn khởi.
Năm nay, không chỉ có khách hàng tại các tỉnh, thành phố khu vực phía nam đặt hàng mà nhiều khách hàng ở các tỉnh phía bắc như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… cũng đặt hàng nho kiểng để trưng tết. So với mai, đào thì cây nho dễ chăm sóc hơn, sau tết, có thể trồng lấy bóng mát rất phù hợp.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ninh-thuan-nhon-nhip-mua-nong-san-phuc-vu-tet-post792435.html