Ninh Thuận tạo đột phá trong chính quyền số
Công tác chuyển đổi số tại Ninh Thuận được tập trung chỉ đạo quyết liệt và đã tạo đột phá trong chính quyền số.
Trong năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Ninh Thuận đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 9 quyết định; 17 kế hoạch; Sở ban hành trên 50 quyết định và 15 kế hoạch triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, Bưu chính - Viễn thông, Thông tin - Báo chí - Xuất bản. Trọng tâm là Kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận năm 2024.
Ngày 4/4/2024, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trong năm 2024, Ninh Thuận tập trung công tác chuyển đổi số phù hợp theo hướng chuyển đổi số quốc gia với chủ đề năm 2024 là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số.
Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”; và chủ đề của tỉnh năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Thương mại điện tử - thanh toán không dùng tiền mặt; số hóa các ngành kinh tế; quản trị số; dữ liệu số, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
Tiếp tục xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Ninh Thuận tổng thể, toàn diện, tập trung hoàn thiện hạ tầng số; khai thác, chia sẻ, kết nối sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu; ưu tiên thúc đẩy thực hiện phát triển chính quyền số, kinh tế số, nhất là các ngành kinh tế, lĩnh vực trọng điểm; phục vụ hoạt động của người dân, doanh nghiệp trên nền tảng số hóa cơ sở dữ liệu dịch vụ; nâng chỉ số chuyển đổi số của tỉnh (DTI) năm 2024 thuộc nhóm khá của cả nước.
Ở lĩnh vực chính quyền số, Ninh Thuận đặt ra mục tiêu 100% phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các cơ quan nhà nước trong tỉnh được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử.
100% văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước các cấp được ký số thay thế văn bản giấy (trừ văn bản mật); Đẩy mạnh ứng dụng hệ thống điện tử lãnh đạo, quản lý, điều hành, giám sát công việc; ứng dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử, hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống hội nghị trực tuyến…
Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 60%; Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận, xử lý trực tuyến đạt 70%. 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 95% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 75% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 100% hệ thống báo cáo của tỉnh được kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
Kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ số bao gồm các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm; Tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục đạt 50%. Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với chính quyền số đạt 90%.
Tại hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2024 được Sở TT&TT tổ chức vào tháng 9/2024, ông Đào Xuân Kỳ, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện nay, kinh tế số Ninh Thuận phát triển trên 4 trụ cột: Công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số.
Tỉnh đã xây dựng hạ tầng dùng chung với công nghệ điện toán đám mây sử dụng cho toàn tỉnh; hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) được triển khai, bảo đảm cho các hệ thống thông tin được bảo vệ theo mô hình 4 lớp, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thông tin để kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ninh Thuận cũng đã thành lập 446 tổ chuyển đổi số cộng đồng với 2.439 thành viên. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang để cung cấp dịch vụ Internet cố định băng rộng và dịch vụ truy nhập Internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn có dân cư; triển khai thí điểm phát sóng 5G tại 75 trạm; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 87,5%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng cố định đạt 81,7% cao hơn mức trung bình cả nước là 81%, xếp hạng 15 toàn quốc.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, trong năm 2024, Ninh Thuận đã tạo ra đột phá về chính quyền số. Theo đó, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên địa bàn tỉnh chiếm 79,23%, vượt 9,23% so với chỉ tiêu phát triển Chính quyền số năm 2024 (70%).
Trên Cổng dịch vụ công tỉnh có 1.126 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trong đó có 582 DVCTT toàn trình và 544 DVCTT một phần (100% DVCTT toàn trình được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động).
Đến nay, Ninh Thuận đã đồng bộ trạng thái và tích hợp 985/1.126 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 87,48%. Việc trao đổi, xử lý văn bản trên môi trường mạng (trừ văn bản mật) đạt 100% đối với cấp tỉnh, 96,78% đối với cấp huyện và 97,36% đối với cấp xã. Việc sử dụng chữ ký số cá nhân toàn tỉnh đạt 98,07% (trong đó cấp tỉnh: 100%; cấp huyện: 97,36%; cấp xã: 98,07%).
Ninh Thuận cũng đã kết nối, tích hợp, khai thác 20 trường thông tin cơ bản trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 100% dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để phục vụ trong việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ninh-thuan-tao-dot-pha-trong-chinh-quyen-so-2357700.html