Nợ bảo hiểm - 'quýt làm cam chịu'

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa đưa ra những con số đáng báo động về tình trạng nợ bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, cả nước có 2,79 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên, chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong đó có gần 213,4 nghìn người bị treo quyền lợi vì nợ khó thu hồi. Việc chậm đóng diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp với số tiền phải tính lãi là hơn 13,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,91% tổng số phải thu. Riêng tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn là hơn 4.000 tỷ đồng.

Nói những con số này đáng báo động vì nhiều lẽ! Trước hết, lao động bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội sẽ không được hưởng những quyền lợi họ lẽ ra được hưởng. Ví dụ, nếu không may ốm đau phải đi viện, họ sẽ không được bảo hiểm thanh toán chi phí khám chữa bệnh khi công ty nợ tiền bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, khi cơ quan bảo hiểm không thể thu hồi được khoản nợ này từ doanh nghiệp (vì nhiều lý do, chẳng hạn doanh nghiệp đã phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn…) thì người lao động sẽ không chốt được sổ bảo hiểm xã hội. Vì vậy, họ sẽ không được hưởng lương hưu... Hàng trăm nghìn người về hưu không biết sống bằng gì là vấn đề an sinh xã hội rất lớn trong tương lai.

Đáng lo ngại nữa là tình trạng doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể khiến người lao động mất niềm tin vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Tháng nào doanh nghiệp cũng trừ tiền bảo hiểm của người lao động nhưng họ vẫn nợ cơ quan bảo hiểm. Tình cảnh “quýt làm cam chịu” - doanh nghiệp nợ bảo hiểm, người lao động chịu thiệt - có thể đẩy họ đi đến quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần cho an toàn! Gánh nặng an sinh vì vậy sẽ càng lớn hơn.

Thực tế hiện nay, bên cạnh chế tài xử phạt hành chính, người lao động còn được bảo vệ thông qua tổ chức công đoàn, cơ quan bảo vệ quyền lợi đồng hành với người lao động tại doanh nghiệp. Pháp luật hiện hành cho phép người lao động có quyền đình công, tự mình khởi kiện, hoặc cơ quan công đoàn có quyền khởi kiện vụ án lao động tại tòa án có thẩm quyền trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động. Khung pháp luật như vậy được đánh giá là khá linh hoạt. Tuy nhiên vai trò của công đoàn, cơ quan thực thi hữu quan và những bên có trách nhiệm bảo vệ người lao động vẫn còn mờ nhạt - và tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội nghiêm trọng nêu trên là một hệ quả.

Giải quyết vấn đề lao động bị nợ bảo hiểm xã hội là việc cấp bách đặt ra lúc này để bảo đảm quyền lợi, ổn định an ninh, trật tự địa phương, đặc biệt với gần 213,4 nghìn người bị treo quyền lợi vì nợ khó thu hồi. Hơn nữa, không giải quyết hiệu quả vấn đề này sẽ dẫn đến tình trạng “nhờn luật”, làm vấn nạn nợ đọng, trốn nộp bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp càng trầm trọng hơn.

Các chuyên gia trong lĩnh vực lao động và các cơ quan liên quan đã đề xuất một số giải pháp. Chẳng hạn, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội để hỗ trợ người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu bổ sung phương án phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp hoặc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về chuyện nợ đóng bảo hiểm, từ chối cho những doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội tham gia đấu thầu. Đặc biệt, quá trình sửa Luật Bảo hiểm xã hội tới đây rất cần có những điều chỉnh phù hợp để xử lý được tình trạng này.

Đi cùng với những giải pháp nêu trên, điều đặc biệt quan trọng là phát huy hiệu quả vai trò của công đoàn, cơ quan thực thi hữu quan và những bên có trách nhiệm bảo vệ người lao động. Nếu không làm được như vậy thì tình cảnh “quýt làm cam chịu” trong vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội sẽ không bao giờ chấm dứt!

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/no-bao-hiem---quyt-lam-cam-chiu-i317058/