Nợ bảo hiểm xã hội được bảo lưu hưởng bảo hiểm thất nghiệp?
Từ 15/2/2024, trường hợp lao động nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), nhưng sau đó được xác nhận thời gian đóng bổ sung bảo hiểm thất nghiệp sẽ được bảo lưu hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đó là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 15/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung Thông tư 28/2015 và Nghị định 28/2015/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có hiệu lực từ ngày 15/2/2024 .
Khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2023 đã bổ sung thêm 1 trường hợp được tính bảo lưu BHTN. Đó là trường hợp người lao động được cơ quan BHXH xác nhận bổ sung thời gian đóng BHTN sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nếu người lao động có thời gian đóng BHTN từ 36 tháng trở lên làm căn cứ để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì thời gian đóng bảo hiểm được cơ quan BHXH xác nhận bổ sung sẽ được bảo lưu, để làm cơ sở tính hưởng BHTN, khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Nếu người lao động có thời gian đóng BHTN dưới 36 tháng làm căn cứ để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì thời gian đóng bảo hiểm được cơ quan BHXH cũng xác nhận bổ sung được bảo lưu.
Tuy nhiên theo Thông tư, có 2 trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng BHTN. Cụ thể là người lao động đóng BHTN trên 144 tháng thì chỉ được giải quyết hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, còn số tháng còn lại chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ không được bảo lưu.
Số tháng lẻ chưa hưởng BHTN được bảo lưu tại quyết định hưởng sẽ không được bảo lưu khi người lao động thuộc 1 trong 3 trường hợp: Không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp; bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Các trường hợp không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì thời gian đóng BHTN được bảo lưu, không bao gồm số tháng đóng BHTN chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được cơ quan BHXH bảo lưu.
Đáng chú ý, theo Thông tư 15, từ ngày 15/2/2024, không còn trường hợp người lao động được miễn thông báo về tình hình tìm kiếm việc hàng tháng. Thay vào đó, các trường hợp này được bổ sung vào nhóm các trường hợp không phải trực tiếp thông báo hàng tháng về việc tìm kiếm việc làm.
Người lao động tuy không phải trực tiếp thông báo tình hình tìm kiếm việc làm nhưng phải thông tin cho trung tâm dịch vụ việc làm (thông qua điện thoại, thư điện tử, fax...) về lý do không phải trực tiếp đến thông báo và trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày cuối cùng của hạn thông báo.
Theo Thông tư, trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại một địa phương, mà đề nghị và được hỗ trợ học nghề tại địa phương khác, thì trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động được hỗ trợ học nghề gửi 1 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm, nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp đã chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau đó đề nghị và được hỗ trợ học nghề tại địa phương khác nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đề nghị hỗ trợ học nghề gửi 1 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm, nơi ban hành quyết định hưởng.