Nợ chiếm 77%, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) thoát lỗ Quý 2 nhờ doanh thu tài chính

Tỷ trọng nợ trong cơ cấu nguồn vốn của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) lên tới 77%. Công ty cũng vừa thoát lỗ Quý 2 chỉ nhờ doanh thu hoạt động tài chính.

Thoát lỗ quý 2 nhờ doanh thu tài chính

Sau thời gian ghi nhận khoản thua lỗ kỷ lục, CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Mã: TDC) vừa báo lãi trở lại trong Quý 2. Tuy nhiên, lợi nhuận này ghi nhận bởi lãi từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Cụ thể, trong Quý 2/2024, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận doanh thu 115 tỷ đồng, giảm 14,2% so với năm trước. Giá vốn hàng bán vẫn ở mức cao khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 1,1 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Dù vậy, biên lợi nhuận gộp cũng đã cải thiện từ 25,4% lên 28,7%.

 Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) thoát lỗ Quý 2/2024 nhờ doanh thu hoạt động tài chính. (Ảnh TL)

Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) thoát lỗ Quý 2/2024 nhờ doanh thu hoạt động tài chính. (Ảnh TL)

Đáng chú ý doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến tới 72 lần, đạt 124,9 tỷ đồng tại Quý 2. Lượng gia tăng đột biến này ghi nhận bởi lợi nhuận từ hợp đồng hợp tác kinh doanh, chiếm 123,2 tỷ đồng.

Chi phí tài chính ngược lại được tiết giảm, chỉ còn 56,2 tỷ đồng. Toàn bộ trong chi phí tài chính đều là chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt chiếm 13,9 và 14 tỷ đồng. Kết quả, TDC báo lãi sau thuế 74,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đang lỗ 281,4 tỷ.

Có thể thấy, sở dĩ TDC có thể thoát lỗ trong Quý 2 là nhờ khoản lợi nhuận đột biến từ hợp đồng hợp tác kinh doanh trong chỉ tiêu Doanh thu tài chính.

Lũy kế doanh thu 6 tháng đầu năm của TDC đạt 234,2 tỷ đồng, lãi sau thuế 50,1 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lợi nhuận ghi nhận trong Quý 2. So sánh với mục tiêu kinh doanh cả năm, doanh thu 1.993 tỷ đồng, lãi sau thuế 218 tỷ thì hiện tại TDC mới hoàn thành 11,8% mục tiêu doanh thu cùng 22,9% mục tiêu lợi nhuận năm.

Khoản thua lỗ kỷ lục 403 tỷ chỉ trong 1 năm, TDC liên tục chậm trả lãi trái phiếu

Dù đã có lãi trong Quý 2/2024 nhưng khoản lợi nhuận này của TDC không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là đầu tư phát triển bất động sản mà lại đến từ doanh thu tài chính.

Trước đó, trong năm 2023 và 3 tháng đầu 2024, TDC cũng đã ghi nhận những khoản lỗ khổng lồ.

Cụ thể tại năm 2023, công ty chỉ đạt doanh thu 301 tỷ nhưng lỗ tới 403 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên TDC báo lỗ và cũng là khoản lỗ kỷ lục, cao nhất trong suốt 13 năm lên sàn chứng khoán. Tại Quý 1/2024, TDC đạt doanh thu 131 tỷ đồng và cũng báo lỗ sau thuế gần 37 tỷ đồng.

Khoản lỗ lớn tại đầu 2023 đã kéo lùi toàn bộ kết quả kinh doanh mà TDC đạt được từ trước đến nay. Đồng thời cũng gây ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của TDC.

Cụ thể, công ty đã liên tục chậm trả lãi trái phiếu 3 lần đối với lô trái phiếu TDC.BOND.2020.700. Trong đó, tiền lãi trái phiếu phải trả tại ngày 15/2/2023 là 23,8 tỷ đồng. TDC chỉ trả 7 tỷ đồng đúng hạn và sau đó trả toàn bộ vào ngày 23/2/2023.

Đến ngày 15/5/2023, công ty có 24,2 tỷ đồng tiền lãi tới hạn nhưng chỉ trả 10,2 tỷ đồng. Phần còn lại được trả hết tại ngày 26/5/2023. Tương tự đến ngày 15/11/2023, công ty phải trả 20,29 tỷ đồng lãi trái phiếu nhưng cũng chỉ trả 3 tỷ đồng và hoàn tất trả tại ngày 17/11/2023.

Thời hạn chậm trả lãi trái phiếu diễn ra từ vài ngày cho đến một tuần nhưng cũng cho thấy đôi chút vấn đề về sức khỏe tài chính của TDC.

Tại cuối Quý 2/2024, nợ phải trả cũng đang chiếm tỷ trọng cao với 2.822 tỷ đồng, tương đương 77,1% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm 858 tỷ đồng, nợ vay dài hạn chiếm 692 tỷ đồng. Trong khi vốn chủ hiện tại chỉ ghi nhận 839 tỷ.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/no-chiem-77-kinh-doanh-va-phat-trien-binh-duong-tdc-thoat-lo-quy-2-nho-doanh-thu-tai-chinh-post305159.html