Nợ chính quyền địa phương ở Trung Quốc là rủi ro tài chính hàng đầu của châu Á
Các nhà đầu tư trên khắp châu Á xem khối nợ ngày càng phình to của các chính quyền thành phố ở Trung Quốc là rủi ro tài chính hàng đầu của khu vực châu Á trong năm nay.
Nợ nần ở các công ty tài chính thuộc sở hữu các chính quyền địa phương (LGFV) ở Trung Quốc được xem là rủi ro tài chính hàng đầu ở châu Á trong cuộc khảo sát của Bloomberg với 53 nhà kinh tế, nhà quản lý tiền và nhà chiến lược tại các tổ chức tài chính bao gồm các quỹ đầu tư quốc gia, các ngân hàng và quỹ hưu trí.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 9 đến 15-5. Các LGFV bán trái phiếu huy động vốn để tài trợ cho các dự án bất động sản và cơ sở hạ tầng ở địa phương.
Giới nhà đầu tư lo ngại trong năm nay, LGFV có thể lần đầu tiên vỡ nợ đối với trái phiếu phát hành công khai. Điều này có khả năng gây bất ổn cho hệ thống tài chính của Trung Quốc.
Với một loạt dữ liệu cho thấy đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang chững lại, một lần nữa, nợ nần của các chính quyền thành phố ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thu hút mối quan tâm.
S&P Global Ratings ước tính tổng nợ của các LGFV tăng lên 46 nghìn tỉ nhân dân tệ (6,5 nghìn tỉ đô la Mỹ) vào cuối năm ngoái. Trong đó, trái phiếu trong nước đáo hạn vào năm 2023 đang ở mức cao kỷ lục, khoảng 4,3 nghìn tỉ nhân dân tệ. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính tổng nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc khoảng 23 nghìn tỉ đô la, nếu bao gồm các khoản vay ngầm của hàng nghìn công ty tài chính do các tỉnh, thành phố và ngân hàng chính sách nhà nước thành lập.
Carl Liu, nhà kinh tế ở Công ty môi giới KGI Securities nói: “Chúng tôi cho rằng khả năng trả nợ của các LGFV là rất yếu và có vẻ như họ dựa vào nguồn vay mới để trả nợ nhưng điều này làm tăng rủi ro vỡ nợ”.
Áp lực trả nợ của các LGFV tăng lên trong những năm gần đây khi kỳ hạn trái phiếu trung bình bị rút ngắn. Số trường hợp chậm thanh toán nợ của các LGFV trong năm nay dự kiến sẽ tăng cao so với các năm trước do đại dịch Covid-19 làm xói mòn nguồn thu của một số chính quyền địa phương.
Khó khăn của các LGFV được ghi nhận trên thị trường trái phiếu. Theo Laura Li, nhà phân tích của S&P Global Ratings, các khoản vay của các LGFV ở các tỉnh từ Quý Châu đến Quảng Tây và Vân Nam có lãi suất trung bình trên 5% vào năm 2022, cho thấy khó khăn của họ trong nỗ lực huy động vốn từ thị trường vốn.
Năm 2021, thành phố Hạc Cương của Hắc Long Giang, sát biên giới với Nga, buộc phải tiến tái cấu trúc tài chính chưa có tiền lệ do khối nợ tăng cao lên mức gấp đôi nguồn thu hàng năm.
Người dân của Hạc Cương đang cảm nhận rõ gánh nặng của việc thắt chặt tài chính. Các tài xế taxi ở đây cho biết họ bị phạt nhiều hơn về các lỗi vi phạm luật giao thông. Các giáo viên trường công lập lo lắng về tin đồn cắt giảm việc làm. Trong khi đó, công nhân vệ sinh đường phố bị chậm lương hai tháng.
Hạc Cương có thể là phần nổi của tảng băng chìm trong vấn đề nợ của chính quyền địa phương, có nguy cơ trở thành lực cản đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nhiều năm tới.
“Nhiều thành phố rồi sẽ trở nên giống như Hạc Cương trong một vài năm tới”, Houze Song, một nhà kinh tế của MacroPolo, một tổ chức tư vấn thuộc Viện Paulson, nói. Ông lưu ý rằng dân số đang già đi và suy giảm của Trung Quốc có nghĩa là nhiều thành phố không có lực lượng lao động để duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và cải thiện doanh thu thuế.
Căng thẳng tài chính ở các chính quyền địa phương đang kìm hãm khả năng tăng ngân sách chi tiêu để củng cố đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Theo báo cáo của Rhodium Group (Mỹ), khoảng một nửa các chính quyền thành phố ở Trung Quốc gặp khó khăn trong việc quản lý chi phí trả lãi cho khối nợ của họ hồi năm ngoái.
Báo cáo được thực hiện dựa vào kết quả phân tích các báo cáo hàng năm của 205 thành phố ở Trung Quốc và gần 3.000 LGFV.
Báo cáo cho biết một nửa trong số các thành phố này đối mặt với chi phí trả nợ chiếm đến hơn 10% tổng nguồn thu của họ, một ngưỡng mà các nhà nghiên cứu cho rằng sẽ gây khó khăn trong việc quản lý chi phí trả nợ. Đáng chú ý, hai thành phố , Lan Châu và Quế Lâm đối mặt với chi phí trả nợ cao hơn tổng thu nhập của họ vào năm ngoái.
Theo Rhodium, sự gia tăng gánh nặng trả nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc là do các hạn chế trong đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng bất động sản hồi năm ngoái làm giảm doanh thu từ thuế và hoạt động bán đấu giá đất.
Báo cáo của Rhodium cho thấy chi phí vay ước tính tại các LGFV đã giảm năm thứ ba liên tiếp, xuống 5,36% vào năm 2022, nhưng vẫn cao hơn lãi suất cho vay trung bình đối với doanh nghiệp là 4,12%. Đó là do vì các LGFV có xu hướng vay nhiều hơn từ các ngân hàng ngầm.
Một LGFV ở thành phố Côn Minh đã thanh toán nợ trái phiếu vào phút cuối hồi tháng trước, làm dấy lên lo ngại về rủi ro tín dụng. Theo phân tích của Rhodium, Côn Minh đang đối mặt với gánh nặng trả nợ cao thứ tư trong số các thành phố của Trung Quốc vào năm 2022.
“Sự yếu kém tài chính hiện tại của các địa phương khiến Bắc Kinh không thể sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế. Trên thực tế, đây là lý do chính khiến thiếu vắng chính sách hỗ trợ tài chính lớn cho đà phục hồi của Trung Quốc trong năm nay”, các nhà nghiên cứu của Rhodium cho hay.
Các nhà kinh tế đã hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay, xuống gần hơn với mục tiêu chính thức của chính phủ là khoảng 5%. Họ điều chỉnh lại dự báo sau khi dữ liệu kinh tế gần đây của Trung Quốc cho thấy sự sụt giảm trong sản lượng công nghiệp và đầu tư, bao gồm cả cơ sở hạ tầng. Dữ liệu về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 5 này báo hiệu sự suy yếu hơn nữa trong hoạt động sản xuất, phần lớn trong số đó cung cấp cho lĩnh vực xây dựng.
Theo Bloomberg