Nợ công của Pháp vượt xa mức trần
Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE) ngày 20/12 công bố số liệu cho thấy nợ công của Pháp tiếp tục tăng trong quý III/2024, tạo thêm thách thức cho tân Thủ tướng Francois Bayrou.
Theo viện trên, trong quý III/2024, nợ công của nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) ở mức 3.300 tỷ euro (tương đương khoảng 3.400 tỷ USD), tăng 71,7 tỷ euro.
Nợ công của Pháp đang ở mức tương đương 113,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III/2024, tăng so với mức 112,2% GDP trong quý II/2024 và cao hơn nhiều so với mức trần 60% GDP mà Liên minh châu Âu (EU) đặt ra.
Ngày 19/12, Thủ tướng Bayrou bày tỏ hy vọng cuối tuần này hoặc chậm nhất là trước Giáng sinh, một chính phủ mới sẽ được bổ nhiệm để dẫn dắt đất nước vượt qua bế tắc chính trị hiện nay.
Một trong những vấn đề khó khăn hiện nay của Pháp là thâm hụt ngân sách. Với mức thâm hụt hơn 6% GDP, con số này năm nay vượt xa dự báo của Chính phủ Pháp và các nhà phân tích độc lập. Không những thế Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán mức thâm hụt này sẽ duy trì ở mức trên 6% GDP đến cuối thập kỷ, vượt xa ngưỡng tối đa 3% GDP theo quy định của Ủy ban châu Âu (EC).
Thâm hụt lớn làm tăng thêm nợ công của Pháp, dự kiến sẽ tương đương 115% GDP vào năm tới, cao hơn khoảng 17 điểm phần trăm so với năm 2018. Theo IMF, đến năm 2029, con số này sẽ đạt mức tương đương 124% GDP. Do đó, chi phí trả lãi dự kiến sẽ tăng từ 1,9% GDP lên 2,9% GDP, dựa trên kỳ vọng tăng trưởng kinh tế khả quan.
Ngân hàng
Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Pháp xuống chỉ còn 0,7% vào năm 2025. Nếu các nhà phân tích của ngân hàng này đúng, chi phí trả lãi sẽ còn nặng nề hơn và tỷ lệ nợ công/GDP cũng tiếp tục cao hơn.
Pháp không phải là quốc gia duy nhất đang đẩy mạnh chi tiêu. Ngay cả những nước nổi tiếng thận trọng về tài chính như Áo, Đức và Hà Lan cũng chứng kiến thâm hụt nới rộng trong những năm gần đây.
Đại dịch COVID-19 và khủng hoảng năng lượng sau cuộc xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy các chính phủ chi tiêu nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng tăng chi tiêu để giảm sự ủng hộ ngày càng tăng cho các đảng phái dân túy, đồng thời đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh và quốc phòng.
Tất cả các quốc gia EU đã trình kế hoạch tái cấu trúc tài chính lên EC. Pháp đặt mục tiêu tham vọng, cắt giảm thâm hụt ngân sách 0,5 điểm phần trăm GDP mỗi năm, đủ để ổn định mức nợ công hiện tại. Tuy nhiên, kế hoạch này dường như khó khả thi về mặt chính trị. Không chỉ Pháp, Đức và Italy cũng đang đối mặt với áp lực tài chính lớn.
Chuyên gia Jean-François Robin của ngân hàng Natixis dự đoán chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp so với lợi suất trái phiếu chính phủ Đức sẽ thu hẹp trong năm tới, trước khi gia tăng trở lại trước cuộc bầu cử quốc hội có khả năng được tổ chức vào mùa Hè 2025.
Sự thu hẹp tạm thời này không phản ánh triển vọng kinh tế của nước Pháp, mà là do Pháp được hưởng lợi từ việc nằm ở trung tâm của Eurozone, cùng với Đức. Ông Davide Oneglia của công ty tư vấn TS Lombard cho rằng vị trí này có nghĩa là Pháp có thể vay với lãi suất gần bằng Đức, trong khi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hơn nhiều.
Nỗ lực kiềm chế thâm hụt ngân sách là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng chính trị tại Pháp. Ưu tiên trước mắt của Thủ tướng Bayrou là thông qua một dự luật đặc biệt để đảo ngược ngân sách tài khóa 2024, sau đó chuẩn bị bước vào cuộc chiến khó khăn hơn về ngân sách tài khóa 2025.
Ngoài ra, các vấn đề nóng khác như cải cách hưu trí và chính sách nhập cư cũng sẽ là những thách thức lớn đối với tân Thủ tướng Bayrou.
Đầu tháng 12/2024, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Đức và Pháp, cho rằng khủng hoảng chính trị và nhu cầu toàn cầu suy yếu đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của hai nền kinh tế này. Theo OECD, căng thẳng thương mại gia tăng có thể làm gián đoạn nền kinh tế thế giới.
OECD dự đoán kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 0,7% vào năm 2025, giảm so với dự báo trước đó là 1,1%. Trong khi đó, tổ chức này cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Pháp trong năm 2025 từ 1,2% xuống còn 0,9%.
Hai nền kinh tế Đức và Pháp đã phải vật lộn với hàng loạt thách thức trong năm qua, trong đó những yếu tố chi phối lớn nhất đến hoạt động kinh tế là tình hình chính trị, giá năng lượng cao, đầu tư chậm lại và nhu cầu suy yếu ở các thị trường nước ngoài quan trọng.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/no-cong-cua-phap-vuot-xa-muc-tran/357570.html