Nợ lều chõng
'Mùa thi gần đến em thơ - Cái hôn âu yếm xin chờ năm sau' (Xuân Diệu)
Nhìn quang cảnh sĩ tử bốn phương dập dìu hội tụ về thành phố chuẩn bị vào trường thi, lòng tôi không khỏi bồn chồn nhớ lại những mùa thi cách đây đằng đẳng hơn năm sáu thập niên.
Ngày ấy, chúng tôi từ lúc đầu tiên mới tập tễnh cặp sách vào lớp 1 bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, thế hệ học trò chúng tôi trải qua khá nhiều kỳ thi qui định. Học trò có thi đỗ mới được lên lớp.
Mới vào tiểu học (Primaire), bắt đầu học lớp Một. Sau ba năm, học trò phải qua một kỳ thi để lấy Văn bằng Sơ đẳng Tiểu học (Certificat d’étude primaire élémentaire) mới được lên lớp Bốn (Cours Moyen) họ tại trường tỉnh. Cuối lớp Năm, học trò trải qua một cuộc thi tuyển rất khó đỗ (Concours d’admission) để được vào lớp Đệ Thất (Classe de Septìeme) bậc trung học (Enseignement secondaire).
Sang trung học, ngoài các khóa thi học sinh giỏi do nhà trường tuyển chọn học sinh có năng khiếu đặc biệt về các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ Anh hoặc Pháp giữa các trường trung học (Concours général). Kỳ thi này thường tổ chức tại Sài Gòn.
Sau bốn năm học Đệ Nhất cấp (nay là Phổ thông Cơ sở), đến cuối lớp Đệ Tứ (lớp 9 bây giờ), học sinh thi Trung học Đệ nhất cấp. Đỗ bằng Trung học Đệ Nhất cấp mới sang chương trình Đệ Nhị cấp bắt đầu từ lớp Đệ Tam (lớp 10 hiện nay) với sự phân ban: A (Lý Hóa Sinh), B (Toán Lý Hóa), C (Văn, Sinh ngữ Anh hoặc Pháp và Sử Địa) và D (Văn, Cổ ngữ Hán hoặc La-tin). Học ở bậc Đệ nhị cấp hai năm, cuối lớp Đệ Nhị, học sinh thi Tú tài 1 (Baccalaureát de la premìere partie) và phải đỗ mới lên lớp.
Cuối lớp Đệ Nhất, tức lớp cuối cùng của bậc trung học, học sinh thi Tú tài 2 (Baccalaureát de la deuxìeme partie). Đậu Tú tài 2 là hoàn thành chương trình bậc trung học phổ thông, học sinh có thể tùy ý chọn ngành thích hợp với năng lực và sở thích của mình để thi vào Đại học như Y, Dược, Sư phạm…
Trước đây, cũng có một vài trường như Đại học Sài Gòn, Cần Thơ, Huế, Đà Lạt… cho sinh viên tự do chọn ngành vào học mà không phải thi. Sau khoảng 4, 5 năm học, trừ năm dự bị đầu tiên, nếu học đạt yêu cầu từng năm theo các môn với số tín chỉ quy định, sinh viên được cấp bằng Cử nhân (Licence).
Đậu xong Cử nhân, các tân khoa có thể tiếp tục xin ghi danh Cao học (Maitrise) là một bước gay go hơn có giáo sư bảo trợ tại Sài Gòn theo văn bằng chuyên môn đã đỗ (tại Đại học Cần Thơ trước 1975, chưa có điều kiện cho sinh viên ghi danh theo bậc Cao học (nay gọi theo tiếng Anh là Thạc sĩ – Master).
Trong suốt 5 năm học tiểu học và 7 năm trung học, học sinh hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi, hạnh kiểm tốt, có thể xin được cấp học bổng (bourse) 9 tháng trong năm học. Trong thập niên từ 1950 đến 1960, học bổng cấp cho một học sinh trung học khoảng 400 đồng/mỗi tháng (một tô hủ tiếu lớn hồi ấy giá 2 đ). Một năm 9 tháng học, học sinh được lãnh 3.600 đ sau thời điểm năm học kết thúc.
Tại Trường Trung học Phan Thanh Giản – Cần Thơ hồi ấy (sau 1975 lần lượt đổi thành Trường Cấp 3 Thành phố, PTTH Châu Văn Liêm). Nếu ngoan giỏi thực sự, học sinh hưởng được mấy niềm vui thanh cao vào cuối mỗi năm học: ngoài việc hằng tuần, hằng tháng được phát giấy khen, bảng danh dự, tên họ học sinh ưu tú được nêu trên bảng danh dự trang trí lộng lẫy, treo tại một nơi trang trọng nhất ở trường học.
Lĩnh một phần thưởng đáng giá gồm giấy bút, sách truyện, tự điển, đồ chơi lành mạnh… tại rạp hát Huỳnh Lạc hoặc Tây Đô với hiện diện của các nhân sĩ, nhà hảo tâm và phụ huynh học sinh lĩnh thưởng. Ngoài suất học bổng trong năm lĩnh trọn, học sinh giỏi được thưởng thêm một vé đi nghỉ mát tại Vũng Tàu hay Đà Lạt.
Vinh dự nhất trong quãng đời học tập là thi đỗ tức là cái bằng chứng thể hiện cụ thể năng lực chuyên cần thực sự của đời học sinh. Tân khoa sẽ vinh dự “mặc áo gấm trở về làng”, gặp lại cha mẹ, ông bà, láng xóm, làm rạng rỡ họ bà con họ tộc nơi quê nhà.
Ấn tượng đậm nét mà đời học trò không thể nào quên là từ lúc đi thi xong ở trường mới về nhà, nỗi bồn chồn canh cánh của bọn sĩ tử chúng tôi cứ triền miên kéo dài trong khoảng thời gian chờ đợi kết quả.
Đau đáu lo lắng trong lòng vì không những phải thức khuya, dậy sớm, ăn ngủ không yên trước ngày thi đã đành, nhưng sau khi thi xong tâm trạng các cậu Tú, cậu Cử tương lai cũng không lúc nào có thể vô tư yên ổn.
Bữa cơm ăn cho lấy có mà chẳng cần cảm nhận ra mùi vị, cả giấc ngủ cũng chập chờn, mộng mị triền miên vì trí óc lúc nào cũng nghĩ về đề thi, bài thi đã làm, đúng sai chỗ nào. Đầu óc, tâm trạng trĩu nặng nỗi lo cho sự nghiệp văn chương chữ nghĩa. Bạn bè gặp lại nhau sau khi thi xong là hỏi thăm về bài thi mỗi đứa đã làm thế nào. Có đứa mặt mày đăm chiêu, thỉnh thoảng lại lấy giấy bút ra lẩm bẩm một mình, tự đánh giá chất lượng rồi tự cho điểm bài thi của mình!
Căng thẳng nhất là trong buổi tối chờ đợi kết quả thi Tú tài được gởi về bằng điện tín từ Sài Gòn tại Bưu điện Cần Thơ trước đây (góc đường ngã tư Phan Đình Phùng – Ngô Quyền hiện nay). Cả một mảng lề đường trước Bưu điện chật ních người đợi có cả phụ huynh, đến đây sớm từ ban chiều. Xe đạp, xe máy đậu san sát bên đường, thí sinh chờ kết quả chen lấn nhau vào tới cận sát vách phòng làm việc của điện tín viên. Chỉ các anh học sinh đi bộ mới nhích được vào sát vách cơ quan.
Anh này mặt mày tái mét bơ phờ sau những đêm thức trắng ôn thi, miệng đang nhóp nhép nhai vội ổ bánh mì chan nước tương của chú Lường đậu xe gần cạnh vì chưa kịp ăn cơm chiều tại gia đình. Chị nọ ốm yếu không chen được vào gần nơi nghe thông báo, miệng chí chóe nhắc lại số ghi danh nhờ người bạn trai lực lưỡng bên trong nghe hộ kết quả…
Bận rộn nhất cho thí sinh thi Tú tài 1 và Tú tài 2 là sau khi biết chắc chắn mình đậu bài Viết trong buổi tối chờ nghe kết quả thi tại Bưu điện hôm ấy, còn phải lo thi tiếp Vấn đáp ngay sáng hôm sau tại Sài Gòn.
Mỗi kỳ thi Tú tài ngày trước, thí sinh phải trải qua ba đợt. Đợt 1, thi các môn chính; đợt 2, môn phụ tại tỉnh nhà và đợt 3, phải khăn gói sách vở lên Sài Gòn thi Vấn đáp vào ngay sáng hôm sau. Thật là nhiêu khê! Vì lẽ, nghe đậu bài viết là thí sinh mới đi được hơn nửa đường.
Cả bọn thí sinh Tú tài vừa có kết quả đậu bài Viết như chúng tôi phải quày quả trở về nhà, chuẩn bị đi xe đò, vượt gần 200 cây số để có mặt cho kịp kỳ thi hạch miệng tại Sài Gòn. Tức tốc, tôi xuống ngay bến xe đò Cần Thơ tìm những thương hiệu: Đức Hiệp, Thiên Tân, Nhơn Hòa, Đại Đồng, Thuận Thiên… tại đường cây Bả Đậu (nay là đường Châu Văn Liêm – Nguyễn An Ninh) tìm mua vé trước, rồi vụt về nhà ngay cho kịp chuyến xe đêm.
Chiếc xe khách Đức Hiệp mang anh em chúng tôi lặng lẽ rời bến, lầm lì chạy lên bắc (phà) Cần Thơ đợi chuyến qua sông… Gió đêm hiu hiu thổi nhẹ trong cảnh trời rộng sông dài in bóng lờ mờ những hàng thủy liễu xa xa trên các tiểu đảo: Một dải trường giang khoe nước biếc/ Mấy chòm tiểu đảo gợi hồn thơ. Trước mắt tôi, sông Hậu mênh mông như tấm thảm rộng trải dài, hiền hòa lặng sóng nhưng lòng tôi bấy giờ vẫn gợn sóng không yên…
Thoáng chốc, Tây Đô đã cách xa chúng tôi ở bên kia sông. Chiếc bắc chở nặng xe cộ và hành khách lừ đừ cập bến. Những chiếc xe khách, xe hàng nối đuôi chậm rãi bò lên bến phà, lên đường bắt đầu cuộc hành trình đêm. Cây cối, nhà cửa của thành phố mờ dần, rồi chìm khuất trong bóng đêm mịt mùng giăng phủ. Tiếng ồn ào cố hữu của nơi đô thành rộn rịp im lắng dần trước tiếng động cơ xe đò gầm gừ miên man quyện lẫn với tiếng gió đêm xao xác những hàng xoài, so đũa chen chút hai bên đường.
Chú Năm Tiều, tài xế trung niên già giặn kinh nghiệm nổi tiếng chạy nhanh, thỉnh thoảng tăng tốc độ lên trên trăm cây số giờ khi xe hơi băng qua con đường tốt chú vốn quen thuộc. Cả bọn học sinh đậu bài viết Tú tài tuy đã ngồi được trên xe đò nhưng lòng dạ cũng băn khoăn. Dù trên mặt mỗi đứa đôi lúc cũng lóe lên chút niềm vui qua vài nụ cười chưa trọn, có đứa trong miệng còn đang lẩm nhẩm lại bài vấn đáp chuẩn bị cho sáng hôm sau, dù chưa biết chắc chắn mình sẽ thi hạch miệng tại Trường Pétrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đường Lê Hồng Phong) hay Trường Chu Văn An (đường Trần Bình Trọng). Anh thì mắt lim dim, ngủ gà ngủ gật, quẹo đầu trên băng ghế gần như sắp ngã luôn sang người khách không quen ngồi ghế bên cạnh, chị thì mặt mày hốc hác, đôi mắt trỏm lơ, tóc tai bung thùa, cố giữ vững thế ngồi tại chỗ như để tiếp tục lẩm nhẩm ôn thầm bài học…
Có một điều chắc chắn là trong tâm trí mỗi sĩ tử chúng tôi vẫn đang sáng lên một niềm tin sắt đá: Đi không chẳng lẽ lại về không/Cái nợ cầm thư phải trả xong (Nguyễn Công Trứ) mà không bao giờ có ý nghĩ bi quan về sự nghiệp lều chõng của một nhà thơ nổi tiếng: Ngày mai tớ hỏng tớ đi ngay (Trần Tế Xương). Biết trong đời học sinh, thi rớt là nỗi đau tinh thần sâu nặng hơn tất cả các nỗi đau khác trên đời: Đệ nhất buồn là cái hỏng thi nhưng tôi vẫn đinh ninh kiên định trong lòng: Thua ván này, ta đem bày ván khác…
Ngày thi Vấn đáp Tú tài 2, tôi được hạch miệng tại Trường Trung học Pétrus Ký – một trung học lớn với ba dãy lầu và một sân trường thoáng rộng rợp bóng cây xanh. Các giáo sư phụ trách hỏi bài miệng đều không quen, nên anh em chúng tôi từ các tỉnh lẻ lên thi Vấn đáp không tránh khỏi băn khoăn trước nỗi lo lạ cảnh lạ thầy.
Nhưng với ý chí miệt mài nấu sử sôi kinh của một học trò ham học luôn được cấp học bổng nguyên năm học xuyên suốt từ khi mới tập tễnh bước chân vào tiểu học đến lúc ra trường, tôi đã may mắn vượt qua cửa ải gian nan, trở thành cậu Tú Đôi để sau đó còn chuẩn bị thi tiếp vào trường sư phạm.
Tốt nghiệp với mảnh bằng sư phạm để làm nghề dạy học, cởi bỏ lớp áo thư sinh hoen màu mực tím của một thời thơ ấu, tôi có cơ hội được làm giám thị (thầy giáo coi thi), rồi giám khảo chấm thi, thay chỗ thầy cô có tuổi đáng kính về hưu trong vào những mùa thi mỗi năm. Ngày ấy, khi học sinh bắt đầu nghỉ học ba tháng hè, giáo viên trung học bọn tôi còn phải nhận trách nhiệm đi coi thi vài hôm tại các tỉnh xa.
Đến địa điểm công tác, anh em giáo viên có thể được bố trí tá túc ngay tại trường thi hoặc ở nhà khách. Tôi thích thư thả tự do nên cùng vài giáo viên đồng điệu chọn cách thứ hai. Ngày đêm, ngoài giờ làm việc, anh em thong dong thả bách bộ dạo chơi ngoài phố hoặc vào quán cóc bình dân ngồi uống cà phê tán hươu tán vượn.
Cũng có một số giám thị khác đành ở miết lại trong cơ quan, không dám ló mặt ra đường vì sợ bất ngờ bị ăn gạch đá hay lòi tói bởi nguyên nhân xuất phát từ thái độ ứng xử chưa thật khéo léo tế nhị đối với thí sinh trong lúc còn ở trong phòng thi. Với chúng ta, ngẫm nghĩ kỹ lại thì thi cử xưa nay mang ý nghĩa một cuộc thẩm định năng lực chuyên môn.
Văn bằng là chứng cớ xác nhận trình độ của thí sinh qua các kỳ thi mà các vị giám khảo được coi là quan ngự sử của trường thi, từ đó làm cơ sở một bước để tấn phong học hàm, học vị cho các nhà khoa bảng.
Dù vậy, văn bằng được cấp phát từ những cuộc thi không phải lúc nào cũng là khuôn vàng thước ngọc đo chính xác được kiến thức tài năng thực sự của con người. Chắc chắn, bất cứ ai trong chúng ta cũng ước mong sao những cho những Tiến sĩ – Trạng nguyên của thời đại trong hoàn cảnh không gian thời gian nào cũng sẽ không là những ông tiến sĩ giấy và văn bằng của người nào sử dụng cũng không để bị coi như chỉ là một tờ hàng mã.
Với những người dựa vào mảnh bằng hay bằng cấp giả mưu đồ lợi ích cá nhân đích thực không khác những quái thai dị dạng của con người, ai cũng mong không có lý do chính đáng nào để họ hiện hữu trong một xã hội an bình, tươi đẹp và phồn vinh.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/no-leu-chong-18946.html