Nổ lò hạt nhân Iran và những hệ lụy đe dọa làm 'chao đảo' thế giới

Hãng tin AP đăng tải, một vụ nổ bí ẩn và hỏa hoạn tại cơ sở hạt nhân chủ chốt của Iran có thể khiến Tehran phải tạm ngừng việc xây dựng lò li tâm tối tân; tuy nhiên, gần như chắc chắn sẽ không thể làm chậm lại tốc độ mở rộng dự trữ uranium làm giàu thấp của Cộng hòa Hồi giáo.

Giới hạn số lượng uranium làm giàu là một trong những điều kiện quan trọng mà các cường quốc thế giới đạt được với Iran trong một thỏa thuận 5 năm về trước. Tuy nhiên, giờ đây thỏa thuận đang đứng bên bờ vực đổ vỡ sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương đưa Mỹ rút khỏi.

Quy mô kho dự trữ càng lớn thì thời gian "vượt rào" – khoảng thời gian đủ để Iran sản xuất một vũ khí hạt nhân như mong muốn, càng bị thu hẹp. Và mặc dù Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của mình là phục vụ mục đích hòa bình, họ đã tái đe dọa rút khỏi một hiệp ước giải giáp vũ khí khi Mỹ cố gắng gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran dự kiến hết hạn vào tháng 10 năm nay.

Tất cả những điều trên làm dấy lên nguy cơ về một cuộc đối đầu trong thời gian sắp tới.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy sự phá hủy mà vụ nổ gây ra cho khu phức hợp tại Natanz, tỉnh Isfahan của Iran (ảnh: AP)

Hình ảnh vệ tinh cho thấy sự phá hủy mà vụ nổ gây ra cho khu phức hợp tại Natanz, tỉnh Isfahan của Iran (ảnh: AP)

Phản ứng trước tai nạn tại khu phức hợp Natanz ở tỉnh Isfahan, ban đầu các quan chức Iran tìm cách giảm nhẹ quy mô vụ hỏa hoạn. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, vụ nổ đã làm hư hại các hạ tầng cơ sở của lò li tâm mới ở Natanz.

Một vài ngày sau đó, Iran thừa nhận, vụ cháy xảy ra tại khu phức hợp đồng thời đề cập tới khả năng phá hoại. Mặc dù vậy, Tehran vẫn cẩn trọng không trực tiếp đổ tội cho Mỹ hay Israel. Đáng chú ý, giới lãnh đạo Israel từng đưa ra dấu hiệu rằng họ có liên quan tới vụ việc tại Natanz với việc phóng thành công một vệ tinh gián điệp vào không gian hồi đầu tuần.

Một lời cáo buộc trực tiếp từ Tehran sẽ gia tăng áp lực đáp trả lên Cộng hòa Hồi giáo – điều mà rõ ràng họ chưa muốn làm ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, vụ nổ và hỏa hoạn không ảnh hưởng tới các lò li tâm thế hệ đầu chạy bằng gas nằm dưới mặt đất của Natanz. Bên cạnh đó, việc làm giàu uranium cũng đã được khôi phục lại ở cơ sở Fordo được xây dựng sâu trong một ngọn núi để tránh bị không kích. Iran còn tiếp tục thử nghiệm với các lò li tâm tối tân đã được xây dựng trước đó.

"Vụ nổ tại Natanz trên tất cả là một cú đánh vào các kế hoạch của Iran nhằm tiến tới một giai đoạn cao hơn trong dự án hạt nhân của mình", ông Sima Shine, người đứng đầu chương trình hạt nhân Iran tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Israel.

Ông tỏ ra cẩn trọng: "Mặc dù vậy, nó sẽ không ngăn cản Iran tiếp tục làm giàu uranium bởi vì họ đã bắt đầu vi phạm hiệp định hạt nhân".

Hồi tháng 6, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết, Iran sở hữu hơn 1.500 kg uranium làm giàu thấp. Thỏa thuận năm 2015 giới hạn Iran chỉ được phép có 300 kg uranium làm giàu ở 3,67% - thấp hơn nhiều so với mức độ sử dụng trong vũ khí hạt nhân là 90%.

Giờ đây với 1.500 kg, Iran đã có đủ nguyên vật liệu để chế tạo một vũ khí hạt nhân đơn lẻ nếu họ muốn làm vậy. Tuy nhiên, khối lượng dự trữ này vẫn ít hơn nhiều so với thời kỳ trước khi thỏa thuận 2015 được kí kết. Thời điểm đó, Tehran có đủ uranium để chế tạo hơn một chục quả bom hạt nhân nhưng cuối cùng đã chọn không vũ khí hóa kho dự trữ của mình.

Iran cũng cần phải gia tăng làm giàu uranium – động thái chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của các thanh sát viên quốc tế vẫn đang được quyền tiếp cận các cơ sở hạt nhân tại đây. Và hơn hết, họ sẽ phải chế tạo được một quả bom. Nhưng khoảng thời gian "vượt rào" cần thiết để sản xuất một vũ khí – ước tính là ít nhất một năm như trong thỏa thuận 2015, đang dần thu hẹp lại.

Mọi thứ diễn ra sau một loạt các sự kiện vào năm ngoái trong đó gây chú ý nhất là vụ không kích của Mỹ giết chết một tướng lĩnh cấp cao hàng đầu của Iran tại Baghdad hồi tháng 1 và sau đó là cuộc tấn công trả đũa bằng tên lửa của Tehran nhằm vào quân đội Mỹ tại Iraq. Những căng thẳng vẫn hiện hữu ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành tại Mỹ và Iran.

Tehran đã ra tín hiệu sẵn sàng sử dụng chương trình hạt nhân của mình như một đòn bẩy khi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc lên Iran sẽ hết hạn vào tháng 10. Lệnh cấm đó đã khiến Iran không thể mua được các hệ thống vũ khí chủ chốt từ nước ngoài như phi cơ chiến đấu và xe tăng.

Giữa chiến dịch gây sức ép từ Mỹ, Iran cũng đã đe dọa trục xuất các thanh sát viên của IAEA và rút khỏi Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT). Cho tới giờ, Triều Tiên là quốc gia duy nhất từng rời khỏi hiệp ước này.

Tuy nhiên, việc trục xuất các thanh sát viên và dừng hoạt động các camera đang theo dõi các cơ sở hạt nhân sẽ khiến quốc tế không thể theo dõi được liệu Iran có đẩy mạnh làm giàu hạt nhân tới mức sản xuất vũ khí hay không. Tuy nhiên, điều đó cũng có thể dẫn tới tình trạng Iran bị Trung Quốc và Nga "quay lưng". Bắc Kinh và Moscow đều kêu gọi các bên duy trì thỏa thuận hạt nhân.

Mỹ đang hy vọng có thể gia hạn lệnh cấm vận vũ khí và gọi các đe dọa của Iran là "chiến thuật mafia". Nhưng bản thân Washington lại cảnh báo sẽ tái khởi động lại tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc lên Tehran nếu lệnh cấm vận không được tiếp tục.

Trước thềm bầu cử tháng 11, Tổng thống Trump có khả năng sẽ thực hiện những đe dọa trên nhằm nhấn mạnh rằng ông đã hoàn thành đúng cam kết của mình trong chiến dịch tranh cử năm 2016.

Đáp lại, Cộng hòa Hồi giáo rất có thể cũng sẽ chấp nhận những rủi ro. "Chiến dịch ngoại giao của Mỹ cũng như sự phá hoại từ Israel và các cuộc tấn công liên tiếp vào lính Mỹ tại Iraq – tất cả sẽ làm gia tăng căng thẳng với Iran và đem tới một sự bất ổn cho những tính toán của giới lãnh đạo Tehran", tổ chức tư vấn chính sách Âu Á nhận định hôm thứ 3 (14/7). "Điều đó có thể khiến Iran có những hành động nguy hiểm trong lĩnh vực hạt nhân hoặc các đòn trả đũa… tại Iraq và trong khu vực".

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/no-lo-hat-nhan-iran-va-nhung-he-luy-de-doa-lam-chao-dao-the-gioi-20200716163739105.htm