Nỗ lực áp dụng ISO, xây dựng nền hành chính hiện đại

Nền hành chính có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, những năm qua, việc xây dựng nền hành chính hiện đại luôn được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc cải cách hành chính hiện nay là áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001 phục vụ cải cách hành chính.

Bộ phận một cửa Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Văn Báu

Bộ phận một cửa Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Văn Báu

Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001

Để nâng cao hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, từ năm 2002, Lâm Đồng đã quan tâm triển khai việc xây dựng áp dụng ISO 9001 vào hoạt động của cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm 2007, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 45 đơn vị phải triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 giai đoạn 2007 - 2010. Năm 2011, tiêu chuẩn được nâng cấp, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt kế hoạch xây dựng, áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước với 49 đơn vị phải triển khai áp dụng. Sau khi phiên bản TCVN 9001:2015 có hiệu lực, UBND tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước áp dụng phiên bản mới vào hoạt động. Đặc biệt, Quyết định số 218/QĐ-UBND ban hành ngày 31/1/2018 phê duyệt Kế hoạch xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 vào hoạt động của UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã chú trọng xây dựng nền hành chính hiện đại từ cơ sở.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 158 đơn vị hành chính đã tiến hành xây dựng, áp dụng ISO, bao gồm: UBND tỉnh, 33 cơ quan hành chính (sở, ban, ngành) thuộc tỉnh, 12 UBND cấp huyện và 112/147 UBND cấp xã.

Dự kiến trong năm 2019, 100% UBND cấp xã xây dựng, áp dụng ISO; đến cuối 2020, 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015. Để đảm bảo việc triển khai áp dụng ISO có hiệu lực, hiệu quả, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Lâm Đồng đã phối hợp tổ chức 8 lớp tập huấn về xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 cũng như mô hình chung về hệ thống quản lý chất lượng cho các cơ quan hành chính nhà nước. Qua đó, thu hút 169 lượt đơn vị, 788 lượt cán bộ, công chức tham gia và tổ chức kiểm tra tại chỗ 160 lượt cơ quan hành chính nhà nước để nắm bắt tình hình xây dựng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng.

Áp dụng ISO vào quản lý hành chính, năng lực của cán bộ, công chức được đánh giá chính xác hơn thông qua việc xử lý các công việc được giao (ảnh chụp tại UBND tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: T.An

Áp dụng ISO vào quản lý hành chính, năng lực của cán bộ, công chức được đánh giá chính xác hơn thông qua việc xử lý các công việc được giao (ảnh chụp tại UBND tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: T.An

Đẩy mạnh áp dụng phục vụ cải cách hành chính

Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, việc áp dụng ISO vào hoạt động của các cơ quan hành chính đã giúp các đơn vị tự kiểm tra, giám sát, đánh giá mức độ, thời gian hoàn thành công việc, nâng cao khả năng giải quyết công việc theo đúng trình tự, thời gian. Phương pháp chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo đã từng bước đổi mới theo hướng hiện đại hóa, giúp lãnh đạo đơn vị kiểm soát chặt chẽ quá trình xử lý công việc, đảm bảo theo đúng tiến độ, quy định của Nhà nước. Trách nhiệm của các cán bộ, công chức được phân công, phân cấp rõ ràng, tránh tình trạng đùn đẩy; trình độ về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao; hoạt động quản lý hành chính của các phòng, ban chuyên môn, UBND cấp xã có nhiều chuyển biến tích cực; hiệu lực và hiệu quả quản lý hành chính nhà nước được nâng cao rõ rệt; thái độ giao tiếp với người dân ngày càng tốt đẹp, gần gũi, thân thiện hơn; năng lực của cán bộ, công chức được đánh giá chính xác hơn thông qua việc xử lý các công việc được giao. Các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị được cụ thể hóa đã tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức giải quyết công việc đúng trình tự, thẩm quyền, quy định của pháp luật; giúp đơn vị giảm các giấy tờ, hồ sơ không cần thiết và tiết kiệm thời gian giải quyết công việc; đồng thời kiểm soát thuận lợi các quá trình giải quyết công việc từ đầu vào đến đầu ra.

Việc triển khai áp dụng ISO 9001 vào hoạt động các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng giúp vận hành cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiệu quả hơn, nhất là ở khâu phối hợp giữa các đơn vị, tránh sự chồng chéo. Từ đó rút ngắn thời gian giải quyết công việc, đảm bảo đúng luật, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Qua các đợt đánh giá nội bộ, các đơn vị đã kịp thời phát hiện những điểm không phù hợp và có biện pháp khắc phục, phòng ngừa, cải tiến quy trình làm việc, cập nhật kịp thời những văn bản pháp luật mới có liên quan, bãi bỏ các quy trình đã lỗi thời. Thúc đẩy việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trang thiết bị văn phòng; quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của từng vị trí công tác. Việc thu thập xử lý số liệu, sắp xếp, lưu trữ các loại văn bản quy phạm pháp luật có hệ thống, khoa học, hợp lý hơn, giảm tình trạng bỏ sót, thất lạc, thuận lợi hơn trong việc cập nhật các văn bản mới. Giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, hồ sơ giải quyết nhanh chóng, đúng hạn, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

ThS. Phạm Thị Nhâm - Chi Cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Lâm Đồng cho biết: Kết quả đạt được từ việc áp dụng hệ thống quản lý ISO 9001 trong suốt hơn 15 năm qua là cơ sở vững chắc để trong thời gian tới Lâm Đồng thực hiện tích hợp giữa các quy trình ISO và chính phủ điện tử, từng bước chuyển sang ISO điện tử. Tăng cường đào tạo, tập huấn cho cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh về nhận thức, hướng dẫn, đánh giá nội bộ, giúp các đơn vị hiểu rõ hơn về tiêu chuẩn TCVN 9001:2015, để áp dụng có hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng cải cách hành chính của tỉnh. Tiến hành tổ chức đào tạo, tập huấn cho UBND cấp huyện, để các địa phương trong tỉnh có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát việc xây dựng, áp dụng ISO của các UBND cấp xã. Thống nhất cách thức xây dựng quy trình giải quyết công việc của các đơn vị, đặc biệt là đối với các thủ tục liên thông, nhằm đảm bảo quá trình giải quyết công việc thuận lợi và nhanh chóng.

THÁI AN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201911/no-luc-ap-dung-iso-xay-dung-nen-hanh-chinh-hien-dai-2973595/