Nỗ lực bảo đảm an toàn cho nhân dân

Do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió nên trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa to và rải rác có dông. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, đợt mưa này có khả năng kéo dài đến ngày 18, 19-8. Trước tình hình trên, ngành chức năng cùng các địa phương trong tỉnh đã triển chủ động triển khai các giải pháp nhằm ứng phó với nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các vùng đồi núi và ngập úng ở vùng trũng thấp.

Sau trận mưa lớn, đất đá trên đồi keo gần nhà đã bị sạt lở xuống gần đường đi của gia đình bà Nguyễn Thị Lai, ở xóm Hải Hòa, xã Khe Mo (Đồng Hỷ).

Sau trận mưa lớn, đất đá trên đồi keo gần nhà đã bị sạt lở xuống gần đường đi của gia đình bà Nguyễn Thị Lai, ở xóm Hải Hòa, xã Khe Mo (Đồng Hỷ).

Có nhà xây sát chân đồi nên vào mùa mưa bão, gia đình bà Nguyễn Thị Lai, ở xóm Hải Hòa, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để có biện pháp chủ động trong sản xuất, sinh hoạt. Trao đổi với chúng tôi, bà Lai cho biết: Để đảm bảo an toàn, trên quả đồi phía sau nhà tôi trồng keo để hạn chế tình trạng xói mòn, sạt lở đất. Tuy nhiên, nếu sau khi khai thác mà keo chưa kịp lớn, gặp trời mưa kéo dài đồi nhà tôi vẫn có thể bị sạt lở đất đá, rất nguy hiểm.

Lo lắng của bà Lai cũng là nỗi niềm của nhiều hộ dân sống ở vùng có nguy cơ sạt lở đất, đá trên địa bàn tỉnh. Tìm hiểu thực tế tại huyện Phú Lương, chúng tôi nhận thấy, trên địa bàn địa phương này có nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở đất gồm: Mỏ khai thác, hồ chứa bùn thải ở các xã Phủ Lý, Động Đạt, thị trấn Đu và sạt lở mái taluy đất đào đắp tại một số tuyến đường ở các xã Yên Trạch, Yên Ninh, Yên Đổ, Phú Đô. Còn khu vực lũ quét, lũ ống thường xảy ra ở xã Yên Ninh. Ngoài ra, khu vực ngập úng, lũ lụt hay xảy ra ở thị trấn Đu, thị trấn Giang Tiên, Phấn Mễ, Cổ Lũng.

Anh Phan Văn Tường, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Phú Lương cho biết: Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, chúng tôi đã yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các xã, thị trấn chủ động đặt các biển cảnh báo nguy hiểm, biển cấm đối với các điểm cầu tràn, ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tốt phương tiện, lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng cứu các khu vực xảy ra thiên tai.

Tại huyện vùng cao Võ Nhai, nhiều khu vực cũng có khả năng úng lụt, lũ quét nhất là các xóm dọc Quốc lộ 1B, xã La Hiên, thị trấn Đình Cả; xóm Đồng Chăn, xã Lâu Thượng... Anh Nông Minh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Võ Nhai cho biết: Trước thực trạng trên, huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước, nạo vét hố ga, cống rãnh bị bồi lắng, lắp đặt mới hệ thống cống. Đặc biệt, đối với công trình hồ Quán Chẽ, xã Dân Tiến, khi mưa to kéo dài, nước hồ dâng cao, tràn không kịp thoát lũ sẽ dẫn tới nguy cơ vỡ hồ, gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của nhân dân ở 2 xã Dân Tiến và Bình Long. Vì vậy, phương án được huyện đưa ra là khi nước lũ dâng cao sẽ huy động các lực lượng hỗ trợ cùng các phương tiện như xuồng máy, áo phao, phao cứu sinh để kịp thời sơ tán nhân dân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ riêng 2 huyện nói trên mà cả 9 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh đều có những điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Trong đó, theo đánh giá của cơ quan chức năng, toàn tỉnh có trên 10.600 hộ với hơn 35.400 người có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai như: Sạt lở đất, lũ quét, ngập úng…. Ngoài ra, các vị trí, địa điểm có nguy cơ mất an toàn khi có mưa lớn, lũ, lũ quét xảy ra còn có 399 cầu tràn, 59 cầu treo.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết: Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành việc tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình liên quan đến PCTT như đê điều, hồ đập, hệ thống điện, thông tin liên lạc, các tuyến đường giao thông trọng điểm. Đồng thời, tổ chức khơi thông, giải phóng các vật cản trên các sông suối, đảm bảo thoát lũ. Cùng với đó, xác định rõ các khu vực trọng điểm xung yếu, nguy hiểm để bố trí lực lượng kiểm tra công trình trước, sau lũ và tuần tra canh gác, sẵn sàng giúp nhân dân sơ tán khi cần thiết. Cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, bà con cũng cần chủ động theo dõi tình hình thời tiết, có biện pháp chằng chống nhà cửa và bảo vệ cây trồng, vật nuôi, giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Lương Hạnh

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/no-luc-bao-dam-an-toan-cho-nhan-dan-273486-85.html