Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học

Sóc Trăng được đánh giá là tỉnh có hệ sinh thái đa dạng và phong phú. Nhiều khu vực như: rừng ngập mặn Cù Lao Dung, bãi biển Mỏ Ó, rừng tràm Mỹ Phước… đang có những giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) phong phú với các loài động vật, thực vật quý cần được bảo tồn.

ĐDSH là khái niệm chỉ sự phong phú của các sinh vật sống trong tự nhiên trên trái đất, từ các sinh vật nhỏ bé đến các loại động vật, thực vật và hệ sinh thái mà ở đó chúng có mặt. Tại Sóc Trăng, nhiều khu vực được nghiên cứu cho thấy đa dạng nhiều loài động thực vật quý hiếm, có giá trị cao. Tiêu biểu như rừng tràm Mỹ Phước (Mỹ Tú) có tất cả 127 loài thực vật, 8 loài thú, 70 loài chim, 15 loài lưỡng cư và bò sát, 25 loài cá, 81 loài côn trùng... trong đó có nhiều loài quý hiếm như: cốc đế, cầy hương, cầy giông tây nguyên, mèo cá và rái cá thường. Rừng tràm Mỹ Phước có 4 sinh cảnh là rừng tràm, rừng dừa nước, lung (nước ngọt) và rừng đặc dụng. Đặc biệt, Mỹ Phước là nơi duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long có sinh cảnh giao thoa giữa rừng tràm và rừng dừa nước.

Rừng phòng hộ ven biển có hệ sinh thái khá đa dạng. Ảnh: Thiện Hải

Rừng phòng hộ ven biển có hệ sinh thái khá đa dạng. Ảnh: Thiện Hải

Không chỉ ở Mỹ Tú, các khu vực khác trên địa bàn tỉnh cũng được ngành chức năng khảo sát nghiên cứu về sự ĐDSH. Theo đó, rừng ngập mặn ở huyện Cù Lao Dung và bãi bồi ven biển huyện Trần Đề được đánh giá là nơi có hệ sinh thái đa dạng, là nơi cư trú của nhiều loại thủy sản, hải sản và các động vật quý hiếm sinh sống dưới tán rừng. Hệ sinh thái ở 2 khu vực này mang lại các giá trị và dịch vụ to lớn cho đời sống của người dân, là vườn ươm và phát triển của nhiều loài thủy hải sản, tạo cảnh quan cho du lịch và tham quan học tập, là tấm lá chắn phòng hộ vùng ven biển.

Với vai trò quan trọng như trên, những năm qua công tác bảo tồn, phát triển bền vững ĐDSH được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm thực hiện. Tỉnh cũng đã thực hiện những dự án, mô hình quan trọng, trong đó các khu vực ĐDSH nêu trên cũng được nghiên cứu và thực hiện Dự án “Thành lập Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh rừng tràm Mỹ Phước”; Dự án “Thành lập Khu Dự trữ thiên nhiên rừng ngập mặn Cù Lao Dung”.

Rừng phòng hộ ở Cù Lao Dung là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật quý hiếm. Ảnh: Thiện Hải

Rừng phòng hộ ở Cù Lao Dung là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật quý hiếm. Ảnh: Thiện Hải

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Dự án “Thành lập Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh rừng tràm Mỹ Phước” là dự án nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng đặc trưng (giao thoa giữa tràm và dừa nước) và bảo tồn các loài quý hiếm, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu. Ngoài ra, dự án còn hoạch định chiến lược phát triển du lịch, giáo dục bảo tồn ĐDSH và truyền thống lịch sử của dân tộc. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững. Riêng Dự án “Thành lập Khu Dự trữ thiên nhiên rừng ngập mặn Cù Lao Dung” nhằm bảo tồn, quản lý và phát triển bền vững hệ sinh thái đất ngập nước tại khu rừng ngập mặn và bãi bồi ven biển của tỉnh. Khu vực dự án nghiên cứu thuộc địa bàn các xã: An Thạnh 3, An Thạnh Nam (Cù Lao Dung) và xã Trung Bình (Trần Đề) với diện tích hơn 25.000ha.

Sau thời gian triển khai thực hiện và lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành và địa phương liên quan, hiện nay, các dự án trên đang được Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ, làm các bước tiếp theo để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường. Với tiềm năng, lợi thế của tỉnh đã được nghiên cứu đánh giá, có thể thấy rằng, sự ĐDSH không chỉ mang đến cho con người nguồn tài nguyên để tiêu dùng, không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn cả những giá trị về tinh thần. Chính vì thế, việc bảo tồn tính ĐDSH không phải là nhiệm vụ của riêng các nhà quản lý, các nhà khoa học mà cần phải có sự chung tay đóng góp của cả cộng đồng.

Thiện Hải

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/no-luc-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-37035.html