Nỗ lực bảo tồn đàn voọc gáy trắng ở Hướng Hóa
Thời gian qua, tình trạng đàn voọc gáy trắng thường xuyên xuất hiện ở địa bàn xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa rượt đuổi, cắn người đi đường khiến người dân hoang mang, lo lắng. Để giải quyết vấn đề này, các ngành chức năng và địa phương liên quan đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như bảo tồn đàn voọc gáy trắng.
Từ mấy tháng nay, mỗi khi tham gia giao thông đoạn qua thôn Cha Lỳ, Sê Pu, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, người dân thường phải theo mang gậy để đề phòng, xua đuổi voọc khi bị tấn công bất ngờ. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hướng Lập Nguyễn Quốc Cảm, người trực tiếp tham gia trực luân phiên cùng các thành viên tổ bảo vệ xua đuổi voọc hằng ngày trên đoạn đường này cho biết: “Từ nhiều tháng nay, các lực lượng kiểm lâm, biên phòng, cán bộ xã Hướng Lập và người dân hai thôn Cha Lỳ, Sê Pu phải phối hợp thay nhau trực theo ca, ghi chép đầy đủ thông tin về thời gian đàn voọc xuất hiện, khu vực hoạt động, số lượng con hiện có, thực hiện các giải pháp xua đuổi để đảm bảo an toàn cho người dân qua lại. Qua theo dõi cho thấy, đàn voọc gáy trắng thường xuyên xuất hiện từ 6h sáng đến 18h trong ngày, gây thương tích cho nhiều người dân trên địa bàn với tính chất và mức độ khá phức tạp”.
Đàn voọc gáy trắng có khoảng 3 con, trong đó 2 con nhỏ có trọng lượng khoảng 5kg/con, con lớn có trọng lượng khoảng 12 - 15kg, thuộc loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, nhóm IB được quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐCP, thuộc danh mục các loài được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP và thuộc phụ lục II, CITES. Chúng hiện sinh sống trong rừng gỗ tự nhiên núi đá thuộc lô 4, khoảnh 4, Tiểu khu 624, địa bàn thôn Chà Lỳ và thôn Sê Pu, xã Hướng Lập.
Theo người dân địa phương, những con voọc này mỗi khi nghe tiếng động cơ của xe mô tô qua lại thì di chuyển rất nhanh trên cây ở hai bên đường rồi nhảy ra rượt đuổi, cắn vào bắp chân người tham gia giao thông.
Trước tình hình trên, UBND xã Hướng Lập đã chủ động phối hợp với Trạm Kiểm lâm Hướng Lập, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bắc Hướng Hóa, Đồn Biên phòng Hướng Lập tuyên truyền, vận động người dân không được săn, bắn, bẫy bắt loài động vật này, cắm bảng biểu thông báo khu vực có đàn voọc xuất hiện ở hai đầu tuyến đường, tập trung lực lượng canh gác để xua đuổi chúng vào rừng sâu. Tuy nhiên, do địa hình núi đá khá hiểm trở, có nhiều hang lớn nhỏ, voọc dễ dàng ẩn nấp bên trong, khi nghe tiếng động cơ của xe mô tô thì quay lại dọc bìa rừng gần đường ẩn nấp, rượt đuổi, cắn người qua lại, gây hoang mang cho người dân.
Đến tháng 9/2020, UBND huyện Hướng Hóa chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa chủ trì phối hợp với Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, Đồn Biên phòng Hướng Lập, UBND xã Hướng Lập và đại diện 2 thôn Cha Lỳ, Sê Pu tổ chức họp bàn biện pháp đẩy đuổi đàn voọc. Các biện pháp được triển khai gồm tiếp tục tuyên truyền người dân không được săn, bắt, bẫy voọc, điều động lực lượng trên 40 người tổ chức phát quang lau lách, bụi rậm hai bên ven đường để mở rộng hướng quan sát các điểm voọc thường xuất hiện nhằm hạn chế điểm tiếp xúc với người tham gia giao thông. Để đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là các em học sinh thường xuyên qua lại khu vực, các lực lượng chức năng đã làm hàng rào lưới chắn với chiều cao 2,5m và thành lập các tổ bảo vệ xua đuổi voọc, túc trực tại các điểm voọc thường xuyên xuất hiện, tấn công người và tuyên truyền cho người dân để mọi người nâng cao cảnh giác.
Đến nay đã có 15 người bị voọc tấn công nhưng chưa xác định được nguyên nhân, tác nhân gây ra sự nhiễu loạn tập tính và tấn công người của loài vật này. Đầu tháng 12/2020, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẽ Bàng đã đi kiểm tra hiện trường khu vực có các cá thể voọc, trao đổi chuyên môn với các đơn vị liên quan và đã xây dựng phương án xử lý. Phương án được tính đến là bắn thuốc gây mê đàn voọc, sau đó đưa ra Khu nuôi thả bán hoang dã Núi Đôi thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẽ Bàng chăm sóc, sau khi đảm bảo về sức khỏe thì nghiên cứu thả lại môi trường tự nhiên thích hợp tại Hướng Hóa theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi cân nhắc thực hiện phương án bắn thuốc mê cho thấy nhược điểm là nếu quá liều hoặc bắn trúng vào đầu hoặc tim thì voọc dễ bị chết.
Tại hội nghị tham vấn chuyên gia và bàn phương án bảo tồn các cá thể voọc gáy trắng tổ chức vào cuối tháng 12/2020 tại huyện Hướng Hóa, phương án tối ưu được đề cập là tạo môi trường thân thiện, rải thức ăn thường xuyên để đàn voọc tiếp cận, tổ chức theo dõi xem các cá thể voọc có ăn thức ăn đó hay không. Khi voọc đã có thói quen ăn thức ăn cố định ở khu vực đó thì sẽ tiến hành dùng lồng để bẫy bắt sống. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hướng Lập Nguyễn Quốc Cảm cho biết thêm, hiện đơn vị đã thực hiện phát quang bãi đất trống tạo mặt bằng để triển khai phương án này.
Được biết, trong thời gian tới Khu BTTN Đakrông và Khu BTTN Bắc Hướng Hóa được UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị cấp có thẩm quyền nâng cấp thành vườn quốc gia. Việc thuần hóa các cá thể voọc gáy trắng này có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn loài động vật rừng quý hiếm để góp phần tăng tính đa dạng và đặc hữu của tự nhiên.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=154492