Nhà sư Wilatha, người thực hiện các hoạt động cứu và nuôi dưỡng, chăm sóc các loài rắn tại tu viện bắt đầu từ 5 năm trước.
Từ đó, tu viện Seikta Thukha TetOo được coi là địa chỉ tin cậy để cả người người dân và các cơ quan chính phủ gửi gắm những chú rắn sau khi bắt được.
Những chú rắn được nuôi dưỡng ở đây đa dạng về chủng loại như trăn, rắn hổ mang, rắn hổ lục…
Trong đó, phần lớn là loài trăn Miến Điện.
Mặc dù bị coi là loài xâm lấn ở một số nơi trên thế giới, nhưng trăn Miến Điện vẫn được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế liệt vào danh sách "dễ bị tổn thương" ở Đông Nam Á.
Một con trăn Miến Điện được giải cứu nằm trên tượng Phật.
Vậy tại sao nhà sư Wilatha lại tạo dựng nơi trú ẩn cho loài vật này?
Nhà sư giải thích: "Khi bắt được rắn, người dân có thể sẽ cố gắng tìm cách để giết hoặc bán chúng".
Vì vậy, khu bảo tồn loài vật này ra đời nhằm mục đích giúp mọi người tích thêm phúc đức, không làm việc sát sinh đồng thời bảo vệ chu kỳ sinh thái tự nhiên.
Với tất cả tình yêu thương và lòng trắc ẩn, nhà sư còn coi những con rắn này như “con cái” của mình.
Theo các nhà bảo tồn, Đông Nam Á đã trở thành một trung tâm toàn cầu trong việc buôn bán trái phép động vật hoang dã, trong đó rắn thường được buôn lậu sang các nước láng giềng như Trung Quốc và Thái Lan.
Mặc dù hiện nay mỗi tháng sẽ có khoảng 300 đô la Mỹ được quyên góp cho việc nuôi rắn nhưng nhà sư Wilatha vẫn khẳng định, chỉ giữ chúng đến khi cảm thấy chúng sẵn sàng để trở về thế giới tự nhiên.
Kalyar Platt, thành viên của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã, cũng cho biết: “Sống gần người khiến loài rắn cảm thấy căng thẳng,” chính vì vậy cần thiết phải đưa chúng trở lại rừng càng sớm càng tốt.
Mặc dù nỗ lực thực hiện các hoạt động bảo vệ loài rắn tại đây, nhưng nhà sư vẫn không thôi trăn trở sau khi đưa chúng trở về thiên nhiên bởi: "Nếu kẻ xấu bắt được, có thể chúng lại sẽ bị bán ra chợ đen”.
Thảo Lương