Nỗ lực bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) đường bộ đang bị xâm phạm đã ảnh hưởng đến an toàn giao thông, làm giảm khả năng khai thác và gây suy yếu tuổi thọ công trình trên địa bàn của tỉnh. Để khắc phục tình hình trên, Đội Tuần kiểm thuộc Ban Quản lý, bảo trì giao thông được thành lập để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Đội Tuần kiểm thực hiện tuần đường, kiểm tra, bảo vệ KCHTGT và hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) của các tuyến đường thuộc Ban QLBTGT quản lý gồm hơn 126 km trên các Quốc lộ (QL) 49C, QL 9D, QL15D…; 253 km của 19 đường tỉnh; 48 km đường nội TP. Đông Hà và đường nội thị thị xã Quảng Trị.
Theo Thông tư 04/2019/TT-BGTVT ngày 23/1/2019 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tuần đường, tuần kiểm để bảo vệ KCHTGT đường bộ, Đội Tuần kiểm có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ KCHTGT đường bộ; vận hành khai thác công trình đường bộ; tiếp nhận, xử lý hoặc báo cáo, đề xuất người quản lý sử dụng công trình đường bộ xử lý các kiến nghị của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên. Ngoài ra, còn bảo vệ KCHTGT đường bộ; lập biên bản vi phạm việc quản lý, sử dụng KCHTGT đường bộ; yêu cầu tổ chức, cá nhân dừng hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả và khôi phục vị trí ban đầu. Kiến nghị các biện pháp phòng, chống, xử lý vi phạm việc quản lý, bảo vệ KCHTGT đường bộ…
Giám đốc Ban QLBTGT Hoàng Anh Quang cho biết, hằng năm số trường hợp vi phạm KCHTGT đường bộ, HLATĐB trên các tuyến đường được giao quản lý rất lớn, trên dưới 150 trường hợp, như xây dựng trái phép trên HLATĐB; đấu nối trái phép vào đường tỉnh, quốc lộ; họp chợ lấn chiếm lòng lề đường…Việc tuần tra, xử lý các vi phạm luôn đúng pháp luật. Hiện nay, Ban QLBTGT có 2 cán bộ thực hiện công việc tuần kiểm và một số cán bộ kỹ thuật kiêm nhiệm. Từ khi Đội Tuần kiểm được thành lập đến nay, việc tuần tra, kiểm tra bảo vệ KCHTGT đường bộ được thực hiện thường xuyên và liên tục; kịp thời phát hiện các hư hỏng nhỏ để xử lý, tránh phát sinh hư hỏng lớn, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Đội còn phối hợp với lực lượng Thanh tra Sở Giao thông Vận tải; đơn vị quản lý, bảo dưỡng; chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, định kỳ hoặc đột xuất xử lý các vi phạm về HLATGT đường bộ.
Cụ thể, đội tham gia giải tỏa việc lấn chiếm lòng, lề đường trên QL 9 (đoạn Sòng - Cửa Việt) đi qua các xã: Gio Mai, Gio Việt; trên QL 49C đi qua các xã Triệu Trạch, Triệu Tài, Hải Ba, Hải Quế. Đội còn tham gia kiểm tra an toàn giao thông các tuyến nội thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị. Làm việc với các đơn vị thi công về việc đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường khi thi công các công trình trên địa bàn không để đất, đá vật liệu đổ ra lấn chiếm đường.
Theo ông Hoàng Anh Quang, trong quá trình quản lý khai thác, công tác quản lý HLATĐB gặp một số khó khăn, vướng mắc. Về khách quan, các tuyến đường do ban quản lý phân bổ đều trên toàn tỉnh dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra thường xuyên. Thời tiết Quảng Trị luôn khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lụt, thời gian mưa luôn kéo dài, gây sụt lở, ách tắc giao thông, làm tăng chi phí cho công tác bảo trì công trình đường bộ.
Về chủ quan, đã xảy ra trường hợp người dân được cấp quyền sử dụng đất có phạm vi nằm trong HLATĐB, do đó khi có điều kiện về kinh tế, họ xây hàng rào, trụ cổng hoặc quán xá để kinh doanh nằm trong đất của HLATĐB. Các đơn vị quản lý đường bộ khi phát hiện, xử lý vi phạm thường chỉ lập biên bản và bàn giao cho địa phương giải quyết. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý của chính quyền địa phương không cao hoặc không xử lý được do phần đất xây dựng đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực tế cho thấy công tác quản lý đất đai của nhiều địa phương còn lỏng lẻo, chưa đúng quy hoạch. Thậm chí khi chưa có quy hoạch vẫn cho phép các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà cửa, công trình nằm trong HLATĐB, trong khi ngành chưa xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ, đường gom. Công tác quản lý, bảo vệ HLATĐB của các cấp, ngành và chính quyền địa phương chưa được phân rõ trách nhiệm cụ thể, còn chồng chéo.
Để chi tiết hóa các chủ trương, chính sách cũng như Luật Giao thông đường bộ, các văn bản pháp luật liên quan về HLATĐB đều quy định trách nhiệm của UBND các cấp, các ngành chức năng về quản lý, bảo vệ KCHTGT, nhưng thực tế UBND cấp huyện, xã, thị trấn chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ này. Dẫn đến không ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân xây dựng các công trình trái phép trong HLATĐB. Việc cấp đất cho người dân không có sơ đồ thửa đất hoặc chỉ giới quy định phạm vi được xây dựng các công trình, nên người dân không biết hoặc biết mà vẫn cố tình xây dựng trái phép nhưng chưa được giải quyết thấu đáo.
Với các tuyến đường tỉnh sau khi được nâng lên thành quốc lộ thì HLATĐB được mở rộng theo cấp đường, ảnh hưởng đến phần đất của người dân sống hai bên đường. Các công trình đường bộ khi mở rộng do hạn chế về kinh phí nên chỉ giải phóng mặt bằng trong phạm vi ảnh hưởng của dự án; không di dời nhà cửa, vật kiến trúc ra khỏi HLATĐB nên điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến KCHTGT đường bộ. Theo các nhà chuyên môn, việc vi phạm HLATĐB đã và đang phá vỡ quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, quy hoạch dân cư đô thị nên các cấp chính quyền cần thực hiện kịp thời, đúng nhiệm vụ của mình để số vụ vi phạm HLATĐB ngày càng giảm, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=151287