Nỗ lực bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất
Thời gian gần đây, BQL KKT đã chủ trì tổ chức kiểm tra định kỳ việc bảo vệ môi trường tại 60 doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN, KKT, KCX. Kết quả kiểm tra cho thấy, về cơ bản, các doanh nghiệp thực hiện đúng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Theo Ban Quản lý khu kinh tế (BQL KKT) Tây Ninh, thời gian qua, thực hiện chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường đối với KKT, khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), UBND tỉnh đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật về môi trường; cương quyết xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong KKT, KCN; ưu đãi về đất đai cho nhà máy xử lý chất thải trong KCN, tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường tại các KKT, KCN. Do đó mà hiện nay, chất lượng môi trường ở các KKT, KKC và KCX cơ bản được bảo đảm.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 KCN đang hoạt động và 2 khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK). Việc lập và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại các khu này được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Thời gian gần đây, BQL KKT đã chủ trì tổ chức kiểm tra định kỳ việc bảo vệ môi trường tại 60 doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN, KKT, KCX. Kết quả kiểm tra cho thấy, về cơ bản, các doanh nghiệp thực hiện đúng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, có 4 doanh nghiệp bị lập biên bản vi phạm hành chính. Trong đó có 3 doanh nghiệp bị đề xuất phạt hành chính với tổng số tiền 230 triệu đồng; 1 doanh nghiệp bị đề xuất phạt 100 triệu đồng.
Về thực trạng hoạt động của các công trình xử lý chất thải và các biện pháp bảo vệ môi trường khác tại các KKC, KKT, KCX, BQL KKT tỉnh cho biết, KCN Trảng Bàng đã xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống xử lý nước thải với công suất 7.500m3/ngày đêm; tổng lượng nước thải thực tế đang được xử lý là 5.500m3/ngày đêm. KCX& CN Linh Trung III đã xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống xử lý nước thải với công suất 10.000m3/ngày đêm; công suất đã đưa vào vận hành là 5.000m3/ngày đêm; tổng lượng nước thải thực tế đang được xử lý là 3.500m3/ngày đêm.
KCN Thành Thành Công đã xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống xử lý nước thải với công suất 16.000m3/ngày đêm; công suất đã đưa vào vận hành là 16.000m3/ngày đêm; tổng lượng nước thải thực tế đang được xử lý là 6.500m3/ngày đêm.
KCN Phước Đông đã xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống xử lý nước thải với công suất 9.900m3/ngày đêm; tổng lượng nước thải thực tế đang được xử lý là 3.500m3/ngày đêm. KCN Chà Là đã xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống xử lý nước thải công suất 2.500m3/ngày đêm; công suất đã đưa vào vận hành là 2.000m3/ngày đêm; tổng lượng nước thải thực tế đang được xử lý là 700m3/ngày đêm.
Về chất thải rắn, các doanh nghiệp tự hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý. Về xử lý khí thải, nguồn phát sinh bụi chủ yếu từ các phương tiện vận chuyển và từ hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp với ngành nghề như sản xuất khung tranh, tái chế cao su, giấy... Tuy nhiên, về cơ bản, các doanh nghiệp ý thức được yêu cầu bảo vệ môi trường trong lao động sản xuất và đã có biện pháp xử lý đạt quy chuẩn quy định, xây dựng cơ sở hạ tầng thuận lợi cho việc lưu thông và vận chuyển hàng hóa.
Bên cạnh đó, nguồn ô nhiễm khí thải ở các KCN, KKT, KCX chủ yếu do quá trình đốt nhiên liệu và vận hành lò hơi. Loại khí thải này do các doanh nghiệp sản xuất trong ngành nghề dệt nhuộm, may mặc, giặt, sản xuất cao su... có sử dụng lò hơi với nhiên liệu đốt là củi, than đá, dầu FO phát sinh bụi, SO2, CO2, CO, NOx, HF... gây ảnh hưởng đến môi trường. Mặt khác, trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp có sử dụng hóa chất nên làm phát sinh hơi dung môi. Tuy vậy, các doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý khí thải tại nguồn. Khí thải sau xử lý bảo đảm đạt tiêu chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra xác nhận.
Đến nay, có 5/6 KCN đang hoạt động (KCN Trảng Bàng, KCN Thành Thành Công, KCX Linh Trung III, KCN Phước Đông, KCN Chà Là), 9 doanh nghiệp (Công ty CP Dệt Trần Hiệp Thành, Công ty TNHH Gain Lucky, Công ty TNHH Brotex, Công ty TNHH Lu Thai, Công ty TNHH Global Hantex, Công ty TNHH Newwide Việt Nam, Công ty TNHH JiFa Thành An, Công ty TNHH Dệt may Rise Sun Hồng Kông, Công ty CP Việt Nam Mộc Bài) đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, kết nối dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát liên tục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát nước thải từ KCN.
Có thể nói, công tác quản lý Nhà nước về môi trường đã từng bước đi vào nề nếp. Các cơ quan có liên quan tăng cường công tác thẩm định kế hoạch bảo vệ môi trường cho các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường; ngăn chặn, kiểm soát và xử lý được chất thải, chất thải nguy hại. Công tác thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường đã được tăng cường, đã phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm.
Cũng theo BQL KKT tỉnh, chất lượng môi trường không khí ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh qua các đợt quan trắc gần đây không có sự biến đổi nhiều. Độ ồn, chỉ tiêu bụi và các chất ô nhiễm khác đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn hiện hành QCVN 05:2013/BTNMT. Kết quả đo đạc và phân tích chất lượng môi trường nước thải cho thấy nồng độ các chất ô nhiễm cơ bản đều nằm trong ngưỡng giá trị giới hạn cho phép theo QCVN 40:2011/BTNMT, cột A. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp, kết quả quan trắc cho thấy nồng độ tổng p vượt giá trị giới hạn cho phép lần lượt 3,4; 2,9 và 2,4 lần so với QCVN 40:2011/BTNMT, cột A.
Về chất thải rắn phát sinh, Khu công nghiệp (KCN) Trảng Bàng có lượng chất thải rắn thông thường khoảng trên 4.000 tấn/năm; chất thải nguy hại của các nhà máy trong KCN này phát sinh khoảng 316,873 tấn/năm. Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III thải ra lượng chất thải rắn trên 3.000 tấn/năm, chất thải nguy hại 142 tấn/năm. KCN Thành Thành Công thải ra lượng chất thải rắn trên 19.000 tấn/năm, chất thải nguy hại trên 6.740 tấn/năm.
KCN Phước Đông có lượng chất thải rắn thông thường phát sinh khoảng 10.665 tấn/năm; bùn thải từ nhà máy cấp nước và nhà máy xử lý nước thải tập trung khối lượng khoảng 25 tấn/tháng. KCN này đã xây dựng Trạm trung chuyển chất thải rắn, trang bị thùng chứa trong các doanh nghiệp trong khu và yêu cầu doanh nghiệp phân loại rác thải tại nguồn.
KCN cũng đã hợp đồng với Công ty cổ phần Công trình đô thị Tây Ninh thu gom, vận chuyến và xử lý rác. Lượng chất thải nguy hại từ KCN này phát sinh khoảng 1.500 tấn/năm. KCN đã hợp đồng với Công ty TNHH Môi trường xanh Huê Phương Việt Nam thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Các doanh nghiệp sản xuất trong KCN tự quản lý và hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý chất thải.
KCN Chà Là có tổng lượng chất thải rắn phát sinh 2.600 tấn/năm, tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh 640 tấn/năm. KCN TMTC có tổng lượng chất thải rắn là 0,6 tấn/năm, chất thải nguy hại 0,6 tấn/năm.
Đến nay, BQL KKT tỉnh đã xây dựng hoàn chỉnh dự thảo quy chế phối hợp bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn và đã lấy ý kiến của các sở, ngành và UBND các huyện liên quan góp ý. Về cơ bản, các sở, ngành, địa phương thống nhất với thảo quy chế.
Riêng Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ban Quản lý khu kinh tế chờ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi trình UBND tỉnh ban hành quy chế. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có ý kiến về việc ủy quyền cho BQL Khu Kinh tế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường.