Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đưa Tiền Giang phát triển đột phá, thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ
Sáng 24/3, tại thành phố Mỹ Tho, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, đại diện lãnh đạo một số địa phương; hơn 500 doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1762/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được xây dựng phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch, kế hoạch ngành quốc gia, quy hoạch, kế hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các quy hoạch, kế hoạch liên quan.
Quyết định nêu mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị. Là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Theo quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trở thành nơi đáng sống, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Quy hoạch tập trung thực hiện 3 đột phá phát triển: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại 3 vùng, hành lang kinh tế trọng điểm; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, nhất là trong các ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh.
Tỉnh xác định phát triển công nghiệp hiện đại, tập trung, quy mô lớn, thân thiện với môi trường; trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh Tiền Giang. Phát triển dịch vụ dựa trên các lĩnh vực chính: Du lịch, thương mại, logistics trong đó phát triển mạnh du lịch. Đẩy mạnh liên kết với thành phố Cần Thơ và các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để hình thành các tuyến du lịch sinh thái, miệt vườn, nghỉ dưỡng trong tỉnh và liên tỉnh. Đầu tư hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại có tính lan tỏa, thúc đẩy sản xuất lưu thông hàng hóa; đẩy mạnh thương mại điện tử, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tăng cường phát triển logistics nhằm phát huy tối đa vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho vận giữa vùng ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; trở thành lĩnh vực chủ lực của tỉnh.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Phát triển nông nghiệp đi đôi với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa. Phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng các ngành, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Văn hóa, Thể thao, Khoa học - Công nghệ, Lao động, việc làm và an sinh xã hội, Thông tin - truyền thông và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thực hiện đầy đủ các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đặc biệt hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, thông tin truyền thông, tạo cơ hội việc làm và nâng cao mức sống cho người dân…
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vị trí và tầm quan trọng của công tác quy hoạch, nhất là trong 3 năm vừa qua với 111 quy hoạch, cho thấy công sức của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị, sự tham gia ủng hộ của các doanh nghiệp, người dân, các nhà tư vấn. Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch có vai trò dẫn dắt, định hướng rất quan trọng; có mục đích để khai thác không gian mặt đất, mặt biển, trong lòng đất; quy hoạch có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược; quy hoạch phải đi trước một bước.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “3 bám sát”: bám sát đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; bám sát tình hình thực tiễn địa phương, đất nước, khu vực và thế giới; nhu cầu nguyện vọng của nhân dân. Tư tưởng lớn là, phải đặt người dân là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; quy hoạch phải phù hợp xu thế phát triển của ngành, lĩnh vực, vùng, đất nước, thế giới.
Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch phải tìm ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để thúc đẩy sự phát triển; phát hiện ra những mâu thuẫn, thách thức, hạn chế, yếu kém để tìm cách hóa giải; xây dựng các danh mục, dự án, chương trình cụ thể để từ đó xúc tiến đầu tư; huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch; tổ chức thực hiện quy hoạch khoa học, hiệu quả. Luôn đặt sự vật và con người trong sự vận động và phát triển; do đó quy hoạch cũng có thể phải thay đổi, không phải bất biến; vừa phải thực hiện nghiêm quy hoạch nhưng phải cập nhật để điều chỉnh quy hoạch phù hợp trên cơ sở đánh giá tác động một cách khoa học.
Về quy hoạch tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng nêu rõ, tỉnh đã chuẩn bị một cách công phu, bài bản, khoa học, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan; đã tìm ra các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội; cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế. Tiền Giang là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nên hội tụ các yếu tố của Vùng: là “vựa lúa”, “vựa trái cây” và “vựa tôm-cá” của cả nước cùng với hệ sinh thái phong phú đa dạng, khung cảnh sông nước hiền hòa, người dân thân thiện, mến khách, có truyền thống yêu nước hào hùng và những giá trị văn hóa đặc sắc miền sông nước...
Tiền Giang có bản sắc với nhân dân cần cù, chịu khó, chân thành, truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng…; là nơi kết nối trong khu vực; có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, có lợi thế phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, do đó nguồn lực của tỉnh dồi dào, nhất là con người. Tiền Giang đã và đang tận dụng tốt những tiềm năng, lợi thế, nhất là nhờ có Quy hoạch tỉnh đã chỉ ra các thuận lợi cũng như các khó khăn như biến đổi khí hậu, sạt lở, sụt lún và ngập mặn diễn biến phức tạp; hạ tầng chiến lược về giao thông, xã hội, y tế, giáo dục còn hạn chế; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; chưa hình thành các trung tâm công nghiệp lớn phục vụ phát triển nông nghiệp; chưa kết nối được chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực, toàn cầu. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thuận lợi; thu hút đầu tư còn hạn chế.
Thủ tướng thống nhất cao với mục tiêu tổng quát của Quy hoạch: Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị. Là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, văn minh, hiện đại.
Thủ tướng nhấn mạnh trọng tâm là huy động và sử dụng mọi nguồn lực hợp pháp thúc đẩy động lực tăng trưởng truyền thống là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, đột phá các động lực tăng trưởng mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, chống biến đổi khí hậu; nhấn mạnh tinh thần “2 tăng cường” là: tăng cường phát triển yếu tố con người theo hướng nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, coi trọng bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, sản xuất và cung ứng theo chuỗi.
Thủ tướng cũng nêu rõ 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng chiến lược bao trùm, toàn diện gồm giao thông, y tế, giáo dục, xã hội, nhà ở…. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ các ngành sản xuất nông nghiệp, nhất là chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sản phẩm phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo sự ổn định và phát triển.
Về triển khai quy hoạch, Thủ tướng nêu rõ nền tảng vững chắc của tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều thành tựu trong nhiều năm qua và cần phải phát huy; đất nước ta sau gần 40 năm đổi mới đạt được thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Điều này tạo cho chúng ta có niềm tin, hy vọng trong quá trình phát triển. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý không được lơ là, chủ quan vì Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi và quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế, để từ đó chúng ta nhận thức rõ, có giải pháp vượt qua thách thức.
Thủ tướng cũng nêu rõ 5 bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển đất nước: nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sự nghiệp cách mạng của dân, do dân và vì dân; tăng cường đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong và ngoài nước; vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định.
Thủ tướng nêu rõ, tỉnh Tiền Giang phải tạo mọi điều kiện, cơ hội cho các nhà đầu tư đến làm ăn; do đó phải có tư duy phù hợp, tư duy để tạo ra nguồn lực; giảm chi phí tuân thủ; giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh; nỗ lực để có hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch.
Đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng rất hoan nghênh đã đến Tiền Giang làm ăn để cùng phát triển; nhắc lại tinh thần “3 cùng”: cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển; cần có chiến lược kinh doanh lâu dài với Tiền Giang; tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị thông minh; đóng góp, tư vấn cho tỉnh về xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách; luôn đồng hành, ủng hộ tỉnh. Thủ tướng mong doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đã hứa, cam kết thì phải thực hiện, đã làm thì phải ra sản phẩm "cân, đong, đo, đếm, lượng hóa” được.
Các bộ, ngành Trung ương phải phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ các vướng mắc, có các cơ chế, chính sách hợp lý; tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực thực thi các cấp, tăng cường kiểm tra, giám sát; không để xảy ra cơ chế “xin-cho” dễ phát sinh tiêu cực. Đối với nhân dân, tỉnh phải phổ biến, quán triệt quy hoạch sâu rộng hơn để nhân dân hiểu, nắm rõ bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần “"Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm - Dân thụ hưởng”. Thủ tướng lưu ý tỉnh phải tuân thủ Quy hoạch nhưng không quá cứng nhắc.
Thủ tướng đánh giá cao việc công bố Quy hoạch tỉnh Tiền Giang với sự nỗ lực của các bên liên quan; tin tưởng quy hoạch này sẽ tạo khí thế mới, động lực mới, niềm tin mới, thắng lợi mới cho tỉnh Tiền Giang.
Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.