Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư thông qua chỉ số DDCI
UBND tỉnh phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức Hội nghị Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Đồng Nai năm 2023.
Đây là năm đầu tiên Đồng Nai triển khai đánh giá năng lực, chất lượng điều hành của các sở, ban, ngành và địa phương thông qua Bộ chỉ số DDCI.
Nhiều kết quả tích cực
Theo báo cáo kết quả chỉ số DDCI cấp sở, ban, ngành, địa phương của Đồng Nai năm 2023, có tổng số hơn 1,1 ngàn phiếu trả lời, thể hiện mức độ hưởng ứng và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với chương trình khảo sát DDCI của tỉnh ở mức cao.
Phương pháp xây dựng hệ thống chỉ số và tiêu chí đánh giá DDCI được lựa chọn tương tự các chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trên cơ sở áp dụng linh hoạt, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của sở, ngành, địa phương trong tỉnh với 10 chỉ số thành phần của cấp địa phương và 9 chỉ số thành phần cấp sở, ngành.
Trong đó, 10 chỉ số thành phần của cấp địa phương gồm: tiếp cận thông tin và minh bạch thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động, sáng tạo và hiệu lực của hệ thống chính quyền địa phương; vai trò của lãnh đạo UBND địa phương.
Có 9 chỉ số thành phần cấp sở, ngành gồm: tiếp cận thông tin và minh bạch thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của hệ thống sở, ban, ngành; vai trò của người đứng đầu sở, ban, ngành.
Theo đó, đối với khối các địa phương, Trảng Bom là đơn vị có chỉ số DDCI cao nhất tỉnh với 76,48 điểm. Xếp thứ 2 là huyện Nhơn Trạch với 76,4 điểm. Đứng thứ 3 là thành phố Long Khánh với 70,6 điểm. Các huyện Vĩnh Cửu và Cẩm Mỹ lần lượt đứng vị trí thứ 4 và thứ 5.
Với khối các sở, ban, ngành, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai là đơn vị đứng đầu với 87,45 điểm; xếp ngay sau là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai với 85,69 điểm; Sở Công thương đứng thứ 3 với 79,57 điểm. Cục Hải quan Đồng Nai và Sở Văn hóa, thể thao và du lịch là 2 đơn vị còn lại trong tốp 5.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, qua kết quả khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh, điểm trung bình của khối sở, ban, ngành là 70,23 điểm. Kết quả xếp hạng có 10/20 đơn vị có điểm đánh giá trên điểm trung bình.
Điểm trung bình của khối địa phương là 59,44 điểm. Đây là số điểm khá cao, ghi nhận sự đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đối với sự điều hành của UBND các địa phương. Kết quả xếp hạng có 6/11 địa phương có điểm trên trung bình.
Giám đốc VCCI chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Trần Ngọc Liêm cho biết, năm 2023 là năm đầu tiên Đồng Nai tiến hành khảo sát và đánh giá DDCI nhưng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhận được nhiều sự quan tâm từ phía lãnh đạo tỉnh. Đồng thời, quy trình, cách thức triển khai khảo sát, đánh giá bộ chỉ số của Đồng Nai đã vận dụng linh hoạt, hiệu quả từ những kinh nghiệm của những địa phương đã triển khai trước đó.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH chia sẻ, kết quả đứng thứ 3 về chỉ số xanh của Đồng Nai năm vừa qua thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các doanh nghiệp của Đồng Nai. Đồng Nai phải tiếp tục nỗ lực để đạt nhiều tiêu chí, mục tiêu quan trọng khác hơn. Từng doanh nghiệp, từng người dân và chính quyền các cấp cần nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh sẽ đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh, mang lại giá trị tốt cho tương lai phát triển của Đồng Nai.
Tiếp tục đánh giá sát sườn, cụ thể
Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai Châu Minh Nguyện cho hay, Bộ chỉ số DDCI của Đồng Nai được doanh nghiệp đón nhận như một kênh phản hồi đáng tin cậy để doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh đến các cấp chính quyền trong tỉnh. DDCI là công cụ hữu hiệu để giúp cơ quan, chính quyền địa phương nhận diện các nhóm vấn đề và nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho từng sở, ban, ngành và chính quyền địa phương.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc so sánh, đối chiếu với chỉ số DDCI, việc đối chiếu với các chỉ số khác như: chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số xanh (PGI) cấp tỉnh cũng rất có ý nghĩa để rút ra những nhận định xác thực hơn. Đồng thời, giúp chính quyền địa phương có thêm góc nhìn tổng thể trên cơ sở quan sát được sự thay đổi, cải thiện các chỉ số để đưa ra những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính một cách phù hợp, hiệu quả…
Ông Trần Ngọc Liêm chia sẻ thêm, để nâng cao hiệu quả đánh giá Bộ chỉ số DDCI, trong thời gian tới, địa phương cần có thêm những đánh giá phù hợp hơn. Trong đó có thể bổ sung thêm các chỉ số phụ, các tiêu chí so sánh, đánh giá giữa các đơn vị, địa phương với nhau. Đặc biệt, địa phương cần sớm đưa vào đánh giá chỉ số xanh, bởi đây là một chỉ số quan trọng gắn với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh, các sở, ban, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của bộ chỉ số DDCI trong thực hiện nhiệm vụ. Sự phấn đấu, thi đua nâng cao chỉ số DDCI của từng ngành, từng địa phương sẽ góp phần giúp môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện, nâng cao; thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến Đồng Nai. Các sở, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục thi đua, nỗ lực hơn nữa trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.