Nỗ lực cao nhất để người dân sớm ổn định cuộc sống

Mặc dù không nằm trong vùng tâm bão, nhưng tỉnh Tuyên Quang vẫn chịu thiệt hại nặng do ảnh hưởng của bão số 3, đặc biệt với sản xuất nông nghiệp. Lực lượng chức năng của tỉnh đã kịp thời ứng trực và giúp đỡ người dân khắc phục sự cố do bão gây ra.

Nhiều thiệt hại nặng

Tranh thủ mưa tạnh, cán bộ, dân quân và bà con trong thôn Tân Tiến, xã Ninh Lai (Sơn Dương) cùng nhau hỗ trợ gia đình anh Triệu Văn Hải lợp lại mái nhà vừa bị tốc do mưa bão. Anh Hải chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ chứng kiến một cơn bão nào có sức tàn phá lớn như lần này. Cả thôn ngổn ngang cây đổ, hàng chục nhà dân bị tốc mái, cây đổ khắp nơi. Rất may mắn, ngay sáng 8-9, xã đã huy động phương tiện máy móc, các lực lượng quân đội, công an cùng chung tay giúp gia đình tôi và bà con bị ảnh hưởng khắc phục hậu quả”.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn thăm hỏi người dân thị trấn Sơn Dương bị ảnh hưởng của lũ.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn thăm hỏi người dân thị trấn Sơn Dương bị ảnh hưởng của lũ.

Từ sáng sớm 8-9, tất cả cán bộ, công an, dân quân người dân xã Sơn Nam (Sơn Dương) đổ ra đường, ra ngõ bắt tay vào khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 để lại. Đồng chí Dương Chí Thành, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nam thông tin, xã Sơn Nam bị thiệt hại nặng nề nhất là 35 nhà dân, công trình phụ bị tốc mái, hơn 150 ha lúa hoa màu bị gãy, đổ. Xã đã huy động toàn bộ lực lượng bắt tay vào dọn dẹp đường, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại.

Theo Báo cáo từ các địa phương, tính đến 17 giờ sáng ngày 9-9, trên địa bàn tỉnh có 2 người ở thôn Cầu Cao II, xã Bạch Xa (Hàm Yên) bị mất tích do nước lũ cuốn trôi. Ảnh hưởng từ gió mạnh và mưa lớn đã làm hư hỏng 751 công trình, nhà ở của các hộ dân. Mưa lớn cũng gây ngập úng, gãy đổ trên 2.100 ha lúa, ngô, rau màu; trên 250 ha cây lâm nghiệp bị đổ gãy; 156 con gia cầm, gia súc bị thiệt hại. Ngoài ra mưa kèm gió lớn khiến 271m kênh bị hư hỏng; nhiều cột điện, cây xanh, cây cảnh quan, cây bóng mát bị gãy, đổ.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo huyện Sơn Dương kiểm tra diện tích lúa bị đổ tại xã Ninh Lai (Sơn Dương).

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo huyện Sơn Dương kiểm tra diện tích lúa bị đổ tại xã Ninh Lai (Sơn Dương).

Đồng chí Trần Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Xa cho biết, hiện 2 cầu tràn trên địa bàn xã mực nước tràn qua cầu vẫn rất cao, xã đã bố trí lực lượng Công an, dân quân túc trực 24/24 để cảnh báo người dân. Đến 9 giờ ngày 9-9, Công an, dân quân và Nhân dân 2 xã Bạch Xa, Yên Thuận vẫn đang tiếp tục tìm kiếm anh Nguyễn Văn Nhúc và con gái Nguyễn Bảo Trang bị lũ cuốn trôi.
Huyện Sơn Dương là địa bàn bị thiệt hại nặng nề nhất. Cơn bão số 3 đã làm 131 nhà ở, công trình phụ, trường học, nhà văn hóa thôn tốc mái. Mưa bão làm 22 cột điện bị đổ; trên 1.000 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, đổ; 150 ha cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng; hơn 1.900 cây xanh, cây cảnh quan, cây bóng mát đổ, gãy.

Kịp thời ứng trực và giúp đỡ người dân

Trước những thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra, ngay khi mưa ngớt, gió lặng, huyện Sơn Dương đã huy động tổng lực các lực lượng tập trung cao độ để khắc phục hậu quả mưa bão, sớm ổn định đời sống Nhân dân. Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương Giang Tuấn Anh đã kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn huyện. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bằng mọi biện pháp phải tiếp tục theo sát tình hình để bảo đảm an toàn cho dân.

Lãnh đạo huyện Sơn Dương thăm hỏi, động viên gia đình ông Triệu Văn Hải, thôn Tân Tiến, xã Ninh Lai bị ảnh hưởng bão.

Lãnh đạo huyện Sơn Dương thăm hỏi, động viên gia đình ông Triệu Văn Hải, thôn Tân Tiến, xã Ninh Lai bị ảnh hưởng bão.

“Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải sớm khắc phục hậu quả mưa bão, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân. Hơn lúc nào hết, đây là lúc người dân cần sự hỗ trợ, các lực lượng chức năng phải làm hết lòng, hết sức với trách nhiệm cao nhất vì Nhân dân” - đồng chí Giang Tuấn Anh nhấn mạnh.

Chiều 8-9, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kiểm tra, đánh giá tình hình mưa bão, khắc phục ảnh hưởng, thiệt hại bão số 3 tại huyện Sơn Dương. Kiểm tra việc khắc phục hậu quả mưa bão ở các xã Ninh Lai, Thiện Kế, Sơn Nam, đồng chí Nguyễn Đại Thành yêu cầu, UBND huyện phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn và Nhân dân tập trung khắc phục hậu quả, ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ gia đình bị ảnh hưởng, nhanh chóng khôi phục hệ thống đường điện, giao thông. Đồng thời, tiến hành đánh giá, thống kê cụ thể, sát thực những thiệt hại do bão gây ra đối với tài sản, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Đối với diện tích lúa bị đổ ngả, cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân buộc dựng lại…

An toàn là trên hết

Thời điểm này, mưa lớn vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, hầu hết các địa phương đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Để phòng tránh nguy cơ sạt lở đất, lũ, lũ quét, toàn tỉnh đã di dời 360 hộ đến nơi tránh trú an toàn.

Đồng chí Vũ Quang Đảm, Bí thư Đảng ủy xã Tân Tiến (Yên Sơn) cho biết, xã đã chủ động tuyên truyền 4 hộ dân có nguy cơ sạt lở ở thôn Ngòi Cái di chuyển đến nơi an toàn trước khi bão đi vào đất liền. Xã tuyên truyền người dân thường xuyên cập nhật diễn biến của bão để có các phương án gia cố, chằng chống vật dụng trong gia đình, phát huy tinh thần tương thân tương ái tại khu dân cư.

Công an phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn.

Công an phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn.

UBND huyện, thành phố đã tập trung chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn tìm kiếm người bị mất tích; kiểm tra, thống kê cụ thể tình hình thiệt hại do thiên tai xảy ra trên địa bàn. Cử lực lượng dân quân, đoàn viên, thanh niên hỗ trợ người dân, nhất là các hộ già yếu, neo đơn khắc phục thiệt hại, sửa chữa nhà ở...

Dự báo trong những ngày tới diễn biến thời tiết tiếp tục phức tạp, mưa lớn diện rộng. Vì vậy, các địa phương thường xuyên theo dõi sát sao tình hình mưa lũ, có biện pháp huy động các lực lượng đưa người dân đến nơi an toàn. Kiên quyết di dời người và tài sản có nguy cơ bị thiệt hại, với phương châm bảo đảm tính mạng cho người dân phải đặt lên hàng đầu.

Mọi công tác khắc phục hậu quả của cơn bão đang được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương và người dân khẩn trương thực hiện, sớm đưa mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt trở lại bình thường với tinh thần nhanh chóng song vẫn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các lực lượng, người dân tham gia công tác khắc phục hậu quả của bão.

Bài, ảnh: Lý Thu

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/no-luc-cao-nhat-de-nguoi-dan-som-on-dinh-cuoc-song-198033.html