Nỗ lực chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số
PTĐT - Toàn tỉnh hiện có 10 huyện miền núi với 218 xã miền núi, trong đó có 40 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và ATK, hơn 200 thôn ĐBKK với 34 dân tộc anh em cùng chung sống. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm đến công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số ...
PTĐT - Toàn tỉnh hiện có 10 huyện miền núi với 218 xã miền núi, trong đó có 40 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và ATK, hơn 200 thôn ĐBKK với 34 dân tộc anh em cùng chung sống. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm đến công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng các chương trình, chính sách cụ thể, thiết thực, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân miền sơn cước.
Diện mạo nông thôn mới...
2 xã Phượng Mao và Yến Mao của huyện Thanh Thủy có khoảng 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường. Thực hiện chính sách dân tộc, huyện đã tập trung nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc, miền núi nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS. Nhờ đó, đã xuất hiện nhiều gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi là người DTTS với những mô hình chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm, chế biến nông lâm sản, kinh doanh dịch vụ với doanh thu hàng trăm tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Tiêu biểu như anh Đinh Viết Cường ở khu 3, xã Phượng Mao. Từng chật vật mưu sinh, nuôi giấc mơ thoát nghèo, anh Cường kể lại: “Xây dựng gia đình, rồi ra ở riêng với hai bàn tay trắng, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, rồi hộ cận nghèo. Được sự động viên của gia đình, tôi mạnh dạn vay mượn tiền anh em họ hàng cùng nguồn vốn ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho đồng bào dân tộc thiểu số để mở xưởng hàn xì vào năm 2012. Đến nay, cơ sở của tôi đang tạo việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng cho 5 lao động, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu được khoảng 200 triệu đồng”.
Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thông qua các chính sách, chương trình, dự án như: Chương trình 134, 135, Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững… đồng bào DTTS huyện Thanh Thủy đã đoàn kết, nỗ lực vượt khó, thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng được giữ vững, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao; cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 31,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,78%; hộ cận nghèo còn 4,1%. 5 năm qua, toàn huyện đã tạo việc làm mới cho 9.477 lao động (trong đó có 1.068 lao động là người DTTS). Riêng 2 xã Yến Mao và Phượng Mao đã tạo việc làm mới cho 835 lao động, xuất khẩu được 158 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đào tạo nghề được 505 lao động. Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, đồng bào DTTS được nhân dân các dân tộc hưởng ứng tích cực, từ năm 2014 đến nay đã hỗ trợ xóa 172 nhà tạm, sửa chữa 18 nhà trị giá hơn 2,5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Minh Tường - TUV, Bí thư Huyện ủy, khẳng định: “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác dân tộc và việc thực hiện các chính sách dân tộc. Tập trung chỉ đạo huy động tối đa các nguồn lực của địa phương, đồng thời thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế khám chữa bệnh cho đồng bào DTTS. Tăng cường các hoạt động văn hóa thông tin hướng về cơ sở; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần đưa Thanh Thủy sớm trở thành huyện NTM, huyện du lịch trọng điểm của tỉnh”.
Xóa dần khoảng cách vùng miềnCác chính sách dân tộc được thực hiện có hiệu quả đã tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện cho người dân. Nhờ được đầu tư hệ thống hạ tầng, hỗ trợ vốn, kiến thức áp dụng vào sản xuất kinh doanh đã xuất hiện nhiều tấm gương người DTTS trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh của khu vực miền núi, tạo ra sản phẩm hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc và miền núi. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Chương trình 135 đã triển khai đầu tư xây dựng mới 119 công trình gồm: 79 công trình giao thông; 10 công trình thủy lợi; 19 công trình văn hóa; 10 công trình giáo dục… với tổng kinh phí hơn 613 triệu đồng; thực hiện chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 4 hội nghị tập huấn và 1 chuyến tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm cho hàng trăm người có uy tín. Các nội dung khác thuộc chính sách dân tộc như: Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” tỉnh Phú Thọ năm 2019; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”; “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2019-2021 theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ... được triển khai thực hiện, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.Thông qua việc thực hiện các chính sách dân tộc, trên cơ sở lồng ghép hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách khác đã giúp đồng bào dân tộc phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK. Hạ tầng KT-XH vùng đồng bào dân tộc tiếp tục được cải thiện. Đến nay, đã có hơn 90 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới, 96% người dân trong tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, kể cả các địa phương vùng sâu, vùng xa đã có trường mầm non đến trung học cơ sở. Các huyện miền núi đều có trường phổ thông dân tộc nội trú tạo điều kiện cho con em các dân tộc thiểu số được giao lưu, học tập. Ngoài ra, các cấp, ngành phối hợp rà soát và cấp miễn phí 320.227 thẻ BHYT cho các đối tượng là người nghèo, cận nghèo và đồng bào DTTS, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con được tiếp cận các dịch vụ y tế, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy, khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc ngày càng được củng cố và phát triển. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng vào đường lối đổi mới, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực thi đua lao động, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm QP-AN và trật tự an toàn xã hội.Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tập trung đổi mới phương thức hoạt động, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cán bộ dân tộc tại địa phương; phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/201908/no-luc-cham-lo-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-166003